Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  

Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi

Thứ hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024 | 15:49

Chuyển đổi số (CĐS) được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) phát triển. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý vận hành và tiêu thụ sản phẩm đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các HTX.

CĐS trong KTTT, HTX chính là số hóa quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử (TMĐT), tăng hiệu quả KD, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử nhanh gọn, chính xác. Tuy nhiên, công cuộc CĐS trong khu vực KTTT vẫn còn không ít khó khăn. Theo kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về CĐS, trong đó, 37,5% HTX có chủ trương, quyết tâm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và 18,9% HTX chưa xây dựng kế hoạch về CĐS.

Cổng thông tin điện tử về hoạt động của các HTX NN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành kênh thông tin chính thống của các HTX NN trong tỉnh.

Cổng thông tin điện tử về hoạt động của các HTX NN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã trở thành kênh thông tin chính thống của các HTX NN trong tỉnh.

Thực trạng CĐS  của các HTX nông nghiệp

Tính đến 31/8/2024, tỉnh Quảng Ngãi có 244 HTX NN, trong đó có 228 HTX đang hoạt động, 16 HTX ngừng hoạt động. Tỷ lệ HTX hoạt động xếp loại tốt, khá chỉ chiếm khoảng 28,7%. Một số HTX còn hạn chế trong tổ chức và hoạt động đã được củng cố, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các HTX yếu kém, không đủ điều kiện hoạt động đang dần được giải thể, số HTX thành lập mới tăng nhanh trong thời gian gần đây. Số HTX chuyển đổi và thành lập mới đã tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật HTX; vốn điều lệ từng bước tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu SXKD, dịch vụ của thành viên. Nhiều HTX hoạt động SX, KD ổn định, có lãi, quan tâm đến việc tối đa hóa lợi ích cho thành viên HTX.

Thời gian qua, với nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển HTX, Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức nhiều nội dung, chương trình nhằm đẩy mạnh CĐS trong khu vực KTTT, HTX.

Theo đó, đã triển khai áp dụng các phần mềm trong quản lý SX và công tác chuyên môn kế toán: Số hoá dữ liệu HTX bằng ứng dụng phần mềm Nhật ký SX và quản lý SX FaceFarm; Số hoá dữ liệu kế toán bằng phần mềm kế toán HTX WACA. Một số HTX đã dùng thử nghiệm phần mềm WACA, cho thấy hiệu quả của việc áp dụng phần mềm kế toán WACA rất thuận lợi trong hoạt động quản lý chi phí HTX, phần mềm có sẵn định khoản, kế toán chỉ cần nhập dữ liệu, phần mềm sẽ tự tính, giúp tiết kiệm thời gian và tránh sai sót rất nhiều so với thời điểm HTX chưa sử dụng phần mềm.

Xây dựng Cổng thông tin điện tử về hoạt động của các HTX NN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, htxnn.quangngai.gov.vn. Trang Web đã trở thành kênh thông tin chính thống của các HTX NN trong tỉnh. Một số HTX đã cập nhật, đăng tải hình ảnh, sản phẩm của HTX lên trang thành phần nhằm kết nối, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của các HTX đến người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Đồng thời, htxnn.quangngai.gov.vn là trang để các HTX tìm kiếm thông tin về thị trường, KHCN; trao đổi - tư vấn pháp luật, chính sách; quan hệ thông tin với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan; kết nối với các trang tin về đăng ký HTX, đào tạo trực tuyến, sàn giao dịch điện tử và tiếp nhận ý kiến phản hồi, đóng góp của người dùng về sản phẩm, dịch vụ của các HTX.

Việc hỗ trợ công tác CĐS đã tạo ra chuyển biến tích cực đến nhiều cán bộ, thành viên HTX. Một số HTX chủ động đưa nông sản lên sàn TMĐT, nhằm mở rộng thị trường thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và KD, phần mềm quản lý, xúc tiến thương mại thông qua các kênh Facebook, Zalo, google, tiktok, trang điện tử bán hàng, như: HTX Chăn nuôi Thỏ Quảng Ngãi, HTX SX và KD nấm Đức Nhuận, HTX Sạch Sơn Hà, HTX DVNN Tịnh Thọ, HTXNN Hành Nhân, HTX nông lâm nghiệp Đoàn Kết Minh Long, HTX NN DV Sơn Tây, HTX DV NN Sơn Bua, HTX Rau sạch Mầm Việt, HTX CNC Vạn Tường,…

Từ những kết quả hỗ trợ trên, các HTX đã cố gắng vươn lên trong SX, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả SX, mở rộng thị trường KD, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chú trọng liên kết hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì, xây dựng các chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý nhằm tạo bước đột phá trong SXKD, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, đem lại thu nhập cho các thành viên HTX, người lao động trên địa bàn. Nhờ đó, HTX NN trên địa bàn tỉnh đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, dần dần phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình HTX NN có hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số HTX nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với việc phát triển của HTX , đã chuyển đổi phương thức SX, chế biến sản phẩm theo quy chuẩn OCOP trên cơ sở phát triển có sự chọn lọc từ những sản phẩm chủ lực của HTX, nhằm chuẩn hóa sản phẩm, nâng tầm giá trị để thực hiện tham gia đăng ký Chương trình OCOP. Đến nay, toàn Quảng Ngãi có 204 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao, trong đó có: 17 sản phẩm đạt 4 sao và 187 sản phẩm đạt 3 sao; 128 chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, trong đó: 21 Doanh nghiệp với 22 sản phẩm, 33 HTX với 50 sản phẩm, 74 Cơ sở SX và hộ KD với 132 sản phẩm.

Sản phẩm của HTX SX và KD nấm Đức Nhuận (Mộ Đức, Quảng Ngãi) ngày càng mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm của HTX SX và KD nấm Đức Nhuận (Mộ Đức, Quảng Ngãi) ngày càng mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập, khó khăn, đó là: Hệ thống CNTT và hạ tầng số chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu CĐS, gây khó khăn rất lớn cho việc kết nối liên thông giữa các HTX, DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Dịch vụ viễn thông và internet ở khu vực nông thôn phát triển chậm. Trang thiết bị phục vụ CĐS (hệ thống máy tính, thiết bị) của các HTX còn thiếu, lạc hậu. Có khoảng 70% HTX sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm vào hoạt động SXKD (chủ yếu là phần mềm kế toán), nhưng cũng chỉ có khoảng gần 60% HTX có máy tính kết nối internet. Bên cạnh đó, nhiều HTX khó khăn trong việc mua phần mềm để tiếp tục duy trì và sử dụng.

Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS còn hạn chế. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực quản trị HTX còn thiếu số lượng, yếu về chất lượng và lớn tuổi. Cụ thể, cán bộ HTX có độ tuổi cao và trình độ chuyên môn còn thấp, gần 29% cán bộ trên 60 tuổi và 70% cán bộ có trình độ dưới cao đẳng, hơn 45% cán bộ HTX trình độ sơ cấp và chưa qua đào tạo.

Giải pháp thúc đẩy CĐS khu KTTT, HTX

Theo ông Đỗ Kỳ Sanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Quản lý chất lượng và thị trường nông sản tỉnh Quảng Ngãi, để khu vực KTTT, HTX CĐS thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả SXKD, thực sự phát huy vai trò trong phát triển KT-XH của đất nước, cần thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Xây dựng được hệ sinh thái CĐS trong khu vực KTTT, HTX. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX, dùng chung và liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; tập trung xây dựng một số nền tảng số để  phục vụ, hỗ trợ cho HTX về thông tin thị trường, KHCN; trao đổi, tư vấn pháp luật, chính sách; đào tạo; sàn giao dịch điện tử; hợp tác quốc tế...

Cần thay đổi tư duy từ SX NN truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Các HTX phải tập trung giải quyết khó khăn về “nguồn vốn quản lý”, tức là tập trung vào kỹ năng về marketing, xây dựng kế hoạch, tổ chức SX, ứng dụng KHCN, công nghệ cao, ... theo từng bước để rút kinh nghiệm. Đặc biệt, CĐS cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực, tránh “lệch pha” giữa công nghệ và khả năng vận dụng. Do đó, CĐS có thể đơn giản là số hóa, website, TMĐT...

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cần có cơ chế để HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hơn nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX SX theo chuỗi giá trị, công nghệ cao. Về phía HTX cần chủ động tự đổi mới, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị HTX, đặc biệt là người đứng đầu HTX...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực KTTT, HTX cần chủ động CĐS mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, gắn với tăng cường năng lực quản trị HTX theo hướng công khai, minh bạch, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới. Nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ CNTT, CĐS phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm CĐS hiệu quả; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

 

Hải Yến

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top