Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Quảng Ngãi kỳ vọng, Mộ Đức là một trong những điểm sáng trong tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong SXNN và tăng tỷ trọng giao thương hàng hóa nông sản qua các nền tảng số, tạo tiền để thúc đẩy phát triển xã hội số tại địa phương.
Huyện Mộ Đức đã tích cực đầu tư, xây dựng các vùng SXNN tập trung theo hướng SX hàng hoá. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào SX, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thì phát triển kinh tế số NN là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành NN của tỉnh Quảng Ngãi cũng như huyện Mộ Đức.
Mộ Đức là một trong những điểm sáng trong tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng, cơ giới hóa, công nghệ số trong SXNN
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Mộ Đức đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành từ huyện đến cấp xã; đầu tư mua sắm hệ thống truyền hình trực tuyến đến xã, phòng họp không giấy tại UBND huyện, hệ thống Một cửa điện tử liên thông… đã mang lại kết quả, cải thiện đáng kể sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền. Đồng thời, ứng dụng chữ ký số; các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT); 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; dân số trưởng thành có điện thoại thông minh chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ hộ gia đình dùng Internet băng rộng chiếm trên 70%.
Trong đó, ngành NN&PTNT và sản phẩm NN khá phong phú về chủng loại; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc được áp dụng trên nhiều mặt hàng nông sản; nhiều nông sản đã được cấp giấy chứng nhận VietGap, lúa hữu cơ và nhiều sản phẩm OCOP được công nhận.
Sở hữu trí tuệ được chú trọng, chất lượng nông sản, thương hiệu được cải thiện; gia tăng được sức cạnh tranh; thị trường nông sản được mở rộng. Hệ thống quản lý và tổ chức SXNN dần kiện toàn từ cấp cơ sở đến huyện. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến trong giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn SX. Việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào SX giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số kỹ thuật, chất lượng nông sản.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế NN, giúp tăng cường kết nối giữa người SX với người tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhờ đó SXNN hiệu quả và bền vững hơn.
Mộ Đức đã và đang triển khai đồng bộ; đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành các kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, Tổ giúp việc CĐS, Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp… đảm bảo triển khai CĐS theo lộ trình đến năm 2025 và định hướng đến 2030.
Ông Ngô Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết: Trước mắt, huyện Mộ Đức xác định 7 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có CĐS ngành NN&PTNT theo hướng phát triển NN công nghệ cao, NN thông minh; quản trị và quản lý NN dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình SX, KD, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong NN, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của huyện như: Lúa, rau quả, bò, gia cầm và các sản phẩm OCOP…
Mộ Đức đã áp dụng thiết bị bay không người lái DRONE bón phân, phun thuốc BVTV cho cây lúa.
Cụ thể, trong trồng trọt, thực hiện ứng dụng CĐS trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây rau màu, cây dưa hấu (tưới nhỏ giọt, hẹn giờ) với diện tích trên 50ha ở các xã như: Đức Minh, Đức Phong, Đức Thạnh,.. ứng dụng hệ thống tưới tự động trong SX rau, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, tưới phun sương, hẹn giờ) ở xã Đức Thạnh, Đức Phong,... đã được Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cấp 03 mã số vùng trồng, trong đó có 02 mã số vùng trồng dưa hấu ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh và thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh; 01 vùng trồng lúa ở thôn 3, xã Đức Tân; số hoá bản đồ vùng SX lúa hữu cơ (5ha) ở thôn Phước Hoà, xã Đức Phú. Áp dụng thiết bị bay không người lái DRONE bón phân, phun thuốc BVTV trên 100ha lúa tại xã Đức Hoà, Đức Thắng và một số diện tích trồng chuối và chanh trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, đang triển khai, cập nhập số liệu tình hình SX trồng trọt của huyện trên Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý và theo dõi tình hình SX trồng trọt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên địa bàn huyện. Kết quả là sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn huyện ước đạt trên 98% và có 02 trang trại đầu tư thiết bị cho ăn bán tự động: Công ty TNHH MTV SX&DV Phát Lộc, Trang trại Gà thịt- Gà đẻ Trúc Lộc, xã Đức Phong. Ngoài ra, Trang trại Bò sữa Vinamilk đã thực hiện ứng dụng IoT vào giám sát chăn nuôi ở mọi khâu trong quá trình chăn nuôi từ chế độ ăn, uống tới chăm sóc, nhân lai tạo giống, vệ sinh đều được theo dõi kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn nông nghiệp thông minh.
Trang trại Bò sữa Vinamilk đã thực hiện ứng dụng IoT vào giám sát chăn nuôi ở mọi khâu trong quá trình chăn nuôi
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng, ảnh vệ tinh, các phần mềm FRMS, QGIS... để theo dõi diễn biến rừng, phát hiện sớm cháy rừng trên địa bàn huyện và SX rừng bền vững, cấp chứng chỉ FSC, cho 700ha ở các xã Đức Phú, Đức Lân và Đức Tân.
Trong lĩnh vực thủy lợi, đã lắp đặt thiết bị đo mưa tự động tại hồ chứa nước ông Tới xã Đức Lân, nhằm thông tin cảnh báo lượng mưa nhằm bảo vệ an toàn cho hồ chứa; hệ thống bản đồ đo mưa huyện Mộ Đức tại xã Đức Thắng.
Trong lĩnh vực thủy sản, hiện các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã sử dụng máy cho tôm ăn tự động, các thiết bị đo môi trường nước, kiểm tra độ PH, độ mặn, nhiệt độ trong nuôi trồng thủy sản,... nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trong nuôi trồng thủy sản.
Trong lĩnh vực thủy sản, các hộ dân huyện Mộ Đức đã ứng dụng qui trình tiên tiến trong nuôi tôm.
Một số HTX, cơ sở SX sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại thực hiện tự động hóa đẩy mạnh SX, KD; thực hiện bán hàng, thương mại hóa thông qua các trang mạng xã hội, trang điện tử bán hàng như: HTX SX và KD nấm Đức Nhuận, Công ty TNHH MTV Trịnh Trần Gia, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT,...
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 33 sản phẩm OCOP; 100% sản phẩm đã số hóa thông tin sản phẩm thông qua quét mã QR để truy xuất nguồn gốc. Các chủ thể đưa sản phẩm đạt sản phẩm OCOP lên sàn và duy trì mua bán, giao dịch trên sàn TMĐT như: Lazada, shopee, postmart... và chủ thể đã CĐS, số hoá các sản phẩm OCOP trên bản đồ như: Dầu gội Bồ kết thảo Dược Boboon, cơ sở SX Nước mắn Ông Ba ớt…
Chủ thể của sản phẩm Dầu gội Bồ kết thảo Dược Boboon (huyện Mộ Đức) đã CĐS, số hoá các sản phẩm OCOP
Phát triển kinh tế số NN là tính tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để phát triển kinh tế số NN được thuận lợi cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở và đặc biệt là người dân phải sẵn sàng thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ.
Trong thời gian tới, Mộ Đức đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành NN; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành, để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm NN, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình SX, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR. Triển khai nền tảng “Mạng nhà nông”, nền tảng “Chợ quê” nhằm cung cấp thông tin cho bà con nông dân, các doanh nghiệp và HTX thực hiện…