Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024  

Giải pháp phòng, tránh sốt xuất huyết hiệu quả

Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024 | 10:56

Sốt xuất huyết từ lâu đã là một thách thức lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Riêng tại Việt Nam đã có khoảng 114.906 ca bệnh, 18 ca tử vong được ghi nhận từ đầu năm nay đến cuối tháng 11. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.

Các chuyên gia cảnh báo sốt xuất huyết đang diễn biến khó lường và mở rộng phạm vi lưu hành bệnh, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu càng làm gia tăng thách thức trong công tác phòng, chống bệnh.

Chia sẻ về gánh nặng do sốt xuất huyết gây ra tại Việt Nam, TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: “Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 trường hợp mắc, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn. Cách đây 7 năm, Bộ Y tế đã có một nghiên cứu đánh giá về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế- xã hội rất lớn”.

Cục trưởng Hoàng Minh Đức cho biết thêm, hiện nay trong công tác thực hiện phòng tránh sốt xuất huyết còn những khoảng trống: “Trước khi có vaccine, chúng ta thực hiện các phương pháp truyền thống như tiêu diệt vector trung gian truyền bệnh. Tuy là phương pháp hiệu quả nhất, nhưng vẫn rất khó có thể tiêu duyệt hoàn toàn vector. Vì thế, quan trọng nhất vẫn cần có giải pháp tạo miễn dịch cho con người có thể kháng lại virus sốt xuất huyết. Vũ khí này sẽ góp phần giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở Việt Nam”.

Từ tháng 9 năm 2024, vaccine phòng sốt xuất huyết của Takeda đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Vaccine đã được triển khai ở tất cả các trung tâm tiêm chủng nhà nước và dịch vụ, góp phần củng cố chiến lược phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm này một cách bền vững hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng nên được coi là một phần của chiến lược kiểm soát dịch sốt xuất huyết toàn diện hơn, phối hợp giữa kiểm soát vector truyền bệnh, quản lý ca bệnh hiệu quả, nâng cao nhận thức và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, cùng nhiều biện pháp khác. Chiến lược này sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh và nhập viện do sốt xuất huyết, từ đó giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, nhân viên y tế và cơ sở hạ tầng, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho đất nước và người dân.

Cục trưởng Hoàng Minh Đức thông tin, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc tăng cường triển khai chiến lược phòng ngừa sốt xuất huyết tích hợp, tập trung vào việc kết hợp các biện pháp kiểm soát hiện có với tiêm chủng.

Đánh giá về lợi ích của phương pháp phòng ngừa mới này, GS.TS Vũ Sinh Nam, Cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, nhận định: “Vaccine là công cụ bổ trợ quý giá cho những nỗ lực phòng ngừa hiện có của chúng ta như kiểm soát vector và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. Vaccine có thể giúp giảm số ca bệnh sốt xuất huyết nặng và tỉ lệ nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi. Tuy nhiên, vaccine không ngăn ngừa được hoàn toàn các ca sốt xuất huyết. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị kiểm soát vector một cách toàn diện vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống sốt xuất huyết. Hơn nữa, các vector muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn mang những virus nguy hiểm khác, bao gồm virus sốt vàng, chikungunya và Zika. Thành công của việc kiểm soát và phòng, chống sốt xuất huyết phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và sự hưởng ứng của người dân”.

Từ góc độ lâm sàng, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, chia sẻ: “Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm cho Việt Nam chúng ta hơn 40 năm qua. Hầu như tất cả các lứa tuổi đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, từ trẻ em cho đến người lớn. Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao. Gần đây, thanh, thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính cũng là đối tượng nguy cơ của sốt xuất huyết. Khi dịch sốt xuất huyết xảy ra thì gánh nặng rất lớn. Đầu tiên là đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Áp lực quá tải lan rộng khắp hệ thống y tế, từ trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến cuối. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thường xuyên quá tải, đặc biệt trong mùa dịch”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực phối hợp đa phương, ông Dion Warren, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á (I-SEA) của Takeda, chia sẻ: “Hợp tác đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sốt xuất huyết. Takeda rất vinh dự được đồng hành cùng các cơ quan y tế, chuyên gia và cộng đồng tại Ấn Độ, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để cùng nhau chống lại căn bệnh này. Với sự ra đời của vaccine sốt xuất huyết, kết hợp với các biện pháp phòng ngừa hiện có, chúng ta đang mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho sức khỏe cộng đồng. Giải pháp toàn diện này sẽ giúp chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại Việt Nam và trên thế giới".

Những nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức y tế và đối tác trong ngành sẽ là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Bằng cách tích hợp các giải pháp tiên tiến, tăng cường hợp tác, đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu, các chuyên gia tại tọa đàm kỳ vọng Việt Nam sẽ hướng đến tương lai phòng, chống sốt xuất huyết bền vững hơn và không còn chịu nhiều gánh nặng từ căn bệnh này.

 

P.V

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top