Định hướng phát triển bền vững
Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, được xác định là quốc bảo của Việt Nam, được phân bố tại Kon Tum, Quảng Nam. Huyện Tu Mơ Rông hiện đã phát triển được 2.800 ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo; giúp hàng trăm hộ làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh sâm Ngọc Linh, cũng có nhiều loại củ, sâm có vẻ ngoài tương tự như sâm Ngọc Linh. Điều này khiến người tiêu dùng khó nhận biết, phân loại, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lừa đảo. Thực tế là đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt đầu tiên là khách hàng khi bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm chất lượng, còn người trồng tâm huyết thì bị mang vạ.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông phát biểu.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, qua hội thảo này, địa phương cũng như người dân bản địa mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu các cơ quan quản lý nhà nước, người dân trồng sâm thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm thực tế trồng, chăm sóc sâm hiệu quả; các biện pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh; các công trình nghiên cứu khoa học về giá trị sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác để người dân cả nước biết, cũng như nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm, củ khác và đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong việc lựa chọn các loại sâm để chăm sóc sức khỏe; góp phần xây dựng ngành sâm bền vững, hướng đến sớm biến quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tìm hiểu nghiên cứu sâm Ngọc Linh
Hội thảo lần này là hội thảo kế thừa từ hội thảo tại TP Hồ Chí Minh, mang tính chất mở nên nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ quan báo chí. Trên cơ sở thảo luận sôi nổi, hội thảo cũng đã giải đáp đầy đủ, chi tiết các vấn đề người dân quan tâm như cách phòng trừ bệnh cho cây sâm; phân tích giá trị của cây sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác; biện pháp nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh; áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sâm…
Các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung phản ánh về quá trình phát hiện sâm Ngọc Linh; giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh; xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh; các giải pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh; cách phân biệt sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác.
Quang cảnh hội thảo
Theo ông Võ Trung Mạnh, 3 nội dung ký kết tại hội thảo liên quan đến sâm Ngọc Linh có vai trò quan trọng trong việc mở ra cơ hội lớn cho người trồng và cả ngành sâm. Cụ thể, việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển, qua đó tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi. Nếu Viện Nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh được thúc đẩy thành lập, kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học có cơ hội nghiên cứu sâu, toàn diện hơn với cây sâm Ngọc Linh, từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững. Còn việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác sẽ giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh.
Thúc đẩy thương mại hóa
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận về việc các doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối, biến Sâm Ngọc Linh từ một nguồn tài nguyên thiên nhiên thành sản phẩm thương mại hóa có giá trị cao. Ngoài sâm tươi, cần mở rộng danh mục sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thuốc. Đồng thời xây dựng chuỗi giá trị khép kín đầu tư vào công nghệ chế biến, từ khâu trồng trọt đến sản xuất và phân phối; đẩy mạnh xuất sâm Ngọc Linh sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, đồng thời củng cố vị thế tại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu
Theo ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, từ kết quả nghiên cứu của các cơ quan, viện nghiên cứu, có thể khẳng định, sâm Ngọc Linh là một trong những loài sâm tốt nhất thế giới với hàm lượng saponin cao hơn nhiều so với các loài sâm khác. Nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học chứng minh giá trị đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh. Do đó, với những giá trị của sâm Ngọc Linh đối với người tiêu dùng và thị trường thì nhu cầu về trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh là rất lớn; nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã liên hệ với các sở ngành, địa phương thực hiện việc được khảo sát để trồng sâm. Tuy nhiên, hiện nay còn một số khó khăn trong quá trình thực hiện như: vốn đầu tư lớn, quy định và hướng dẫn về thuê dịch vụ môi trường rừng; chưa có quy định, hướng dẫn về quản lý, cấp mã số vùng trồng, và đặc biệt hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống sâm Ngọc Linh như: sâm Lai Châu, sâm Lang Biang, sâm Vũ Điệp... Một số tư thương đã trà trộn vào lấy thương hiệu sâm Ngọc Linh, do đó đã ảnh hưởng tới lòng tin của người tiêu dùng.
GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô - nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về cây sâm Ngọc Linh
GS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường đại học Tây Đô - nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: Sau hơn 50 năm được phát hiện, cây thuốc dấu của dân tộc Xê Đăng đã được công nhận là sâm quốc bảo của đất nước và đang vươn tầm ra thế giới. Các công trình được công bố về sâm Việt Nam trên thế giới tuy vẫn còn khiêm tốn so với sâm Triều Tiên nhưng đều là những thành tựu về khoa học và thực tiễn. Do sự quý hiếm và có giá trị kinh tế cao của sâm Việt Nam nên việc ngụy tạo trở thành một vấn nạn. Đặc biệt còn phát hiện thêm hai thứ của sâm Việt Nam như anh em song sinh làm cho khả năng nhầm lẫn về giá trị sử dụng và kinh tế tăng cao. Vì vậy, rất cần một hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, tính khoa học và sự tỉnh táo của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và tin dùng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
PGS. TS. Nguyễn Trường Huy, Khoa Dược – Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đều là những cây sâm quý có ở Việt Nam, cần được bảo tồn và phát triển rộng rãi để mang lại lợi ích cho đất nước và cộng đồng. Tuy nhiên việc minh định phân biệt rõ ràng là hết sức cần thiết để đảm bảo tác dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì 2 thứ sâm này khác nhau về phân loại (taxon) và giá trị, nhưng có chứa nhiều saponin tương đồng nhau. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã xác định rõ các chỉ dấu hóa học có khả năng phân biệt sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu hiệu quả, tiến tới để xây dựng chuyên luận cho sâm Lai Châu trong Dược Điển Việt Nam phiên bản tới.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông trao đổi về cây sâm Ngọc Linh với các đại biểu bên lề hội thảo.
Ông Võ Trung Mạnh cho biết thêm, tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước, người dân trồng sâm đã chia sẻ nhiều thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, hội thảo đã được các nhà nguyên cứu tin tưởng chọn công bố kết quả nghiên cứu giá trị sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, qua đó khẳng định giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm trồng, còn người tiêu dùng có thông tin chính thống để lựa chọn các loại sâm phù hợp với giá trị, chất lượng để chăm sóc sức khỏe.
Đông đảo bà con đến tham dự hội thảo.
"Những công trình nghiên cứu quý giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước công bố tại hội thảo sẽ được huyện ghi nhận đầy đủ để báo cáo UBND tỉnh Kon Tum và công bố rộng rãi trên truyền thông, mạng xã hội để mọi người đều biết, qua đó có hướng phát triển sâm Ngọc Linh phù hợp, hiệu quả, giúp cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng của Việt Nam”, ông Võ Trung Mạnh nói.
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án bảo tồn và phát triền cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Ngày 18/6/2016, sâm củ Ngọc Linh được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 theo Quyết định số 3235/QĐ-SHTT. Theo quyết định này, sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý nằm trên ngọn núi Ngọc Linh trong khu vực địa lý thuộc xã Măng Ri, xã Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngày 1-3/10/2017, Phiên chợ Sâm Núi Ngọc Linh lần thứ nhất tại huyện Nam Trà My - Quảng Nam được tổ chức. Ngày 24-26/4/2022. Phiên chợ Sâm Ngọc Linh đầu tiên ở huyện Tu Mơ Rông - Kon Tum được tổ chức. |