Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  

Bắc Ninh ‘xanh hoá’ làng nghề ô nhiễm môi trường

Thứ tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024 | 19:36

Làng nghề tái chế kim loại ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong) và làm giấy thuộc phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) từng là điểm đen về ô nhiễm môi trường ở tỉnh Bắc Ninh đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Người dân tự tháo dỡ cơ sở sản xuất ô nhiễm

Nhiều năm qua, làng nghề tái chế kim loại ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong) và giấy ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh ) được biết đến là nơi ô nhiễm môi trường nổi tiếng ở tỉnh Bắc Ninh. Khoảng 1 tháng qua, hai làng nghề ô nhiễm này đã có sự thay đổi bất ngờ. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở hai làng nghề này đang được giải quyết theo hướng triệt để.

Cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh vào cuộc quyết liệt, không có vùng cấm đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các hộ dân và chủ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế kim loại ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong) và giấy ở phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh). Hàng trăm hộ sản xuất đã tự nguyện tháo dỡ lò đốt, dừng hoạt động.

Làng nghề giấy Phong Khê. Ảnh: Vân Trường

Thông tin từ báo chí cho biết,  nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ lò đốt, dừng sản xuất chuyển sang làm nghề khác để hưởng ứng chủ trương bảo vệ môi trường của tỉnh Bắc Ninh.

Ông Lê Quang Hải - một hộ sản xuất ở làng nghề Mẫn Xá - cho biết, gia đình ông làm nghề cô đúc nhôm từ năm 1993. Ông quyết định tháo dỡ lò đốt và chuyển sang nghề khác sau khi cơ quan chức năng vận động để bảo vệ môi trường.

Đến đầu tháng 12, có 141/146 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ 211 ống khói và 254 lò đốt, lò tái chế kim loại; trong đó UBND xã Văn Môn hỗ trợ phá dỡ 91 cơ sở với 136 lò đốt và 167 ống khói. Hiện tại các cơ sở đã dừng hoạt động, không ghi nhận trường hợp nào chống đối cơ quan chức năng.

Tương tự, trên địa bàn phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) đã có 25 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy, hơi thương phẩm trong khu vực dân cư tự nguyện tháo dỡ công trình, hệ thống đường ống dẫn hơi, dẫn nước thải.

Trước đó, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều động thái mạnh mẽ trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Tỉnh Bắc Ninh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra về môi trường, phòng chống cháy nổ, xây dựng ở Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, thành phố Bắc Ninh kiểm tra cở sở sản xuất vi phạm ở Cụm công nghiệp Phong Khê và huyện Yên Phong tiến hành kiểm tra, xử lý các hộ sản xuất ở làng nghề thuộc xã Văn Môn và Đông Thọ.

Chỉ riêng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, đoàn liên ngành đã phát hiện gần 800 lỗi vi phạm và tiến hành xử phạt hàng chục tỷ đồng. Công an thành phố Bắc Ninh đã khởi tố đối tượng chống đối khi kiểm tra vi phạm về môi trường ở phường Phong Khê.

Công an huyện Yên Phong triển khai 6 tổ chốt kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, xỉ và chất thải, rác thải công nghiệp ra vào Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và các cơ sở cô đúc kim loại trên địa bàn thôn Mẫn Xá.

Không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn có buổi làm việc với huyện Yên Phong, trong đó có nội dung về kiên quyết xử lý ô nhiễm môi trường ở xã Văn Môn. Ông Tuấn yêu cầu huyện Yên Phong cần tiếp tục triển khai quyết liệt công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, bởi đây cũng là một trong tiêu chí thẩm định để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định quan điểm của tỉnh là “không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài”. Huyện Yên Phong tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, không để tái diễn tình trạng vi phạm; tỉnh sẽ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về xử lý ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong.

Theo đó, để tiếp tục xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại CCN làng nghề Mẫn Xá, thời gian tới, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, CCN Phú Lâm và xã Văn Môn.

Cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu phương án xử lý xỉ thải, đồng thời tiếp tục phối hợp và hướng dẫn UBND huyện Yên Phong hướng dẫn Chủ đầu tư hạ tầng CCN làng nghề Mẫn Xá, các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh trong CCN hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng để hoạt động theo đúng quy định.

Các sở, ngành tỉnh Bắc Ninh tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân di dời đến khu vực được phép hoạt động, chuyển đổi ngành nghề tại địa phương nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân (trong quý I/2025).

Đảng ủy Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Công an huyện Yên Phong phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác nắm tình hình, duy trì các tổ chốt chặn để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện giao thông vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa ra vào CCN làng nghề Mẫn Xá; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý các cơ sở trong CCN hoạt động khi chưa chấp hành đầy đủ các quy định.

Huyện ủy Yên phong chỉ đạo UBND huyện Yên Phong giám sát các cơ sở thực hiện nghiêm quyết định xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; xây dựng kế hoạch, phương án huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tại địa phương để khắc phục dứt điểm việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quyết liệt xử lý ô nhiễm làng nghề bún Khắc Niệm

Làng bún Khắc Niệm ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu đã nổi tiếng với nghề sản xuất bún, bánh và bột, thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nghề, vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây cũng ngày càng trầm trọng. Các cơ sở sản xuất bún tại Khắc Niệm chủ yếu hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, khiến việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm trở nên khó khăn.

Một trong những yếu tố chính góp phần vào ô nhiễm là lượng nước thải khổng lồ từ quá trình sản xuất bún. Theo thống kê, làng bún Khắc Niệm thải ra khoảng 4.500 - 5.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm, một con số khổng lồ đối với một khu dân cư có mật độ cao như vậy. Nước thải từ quá trình sản xuất bún không được xử lý đúng cách, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là đối với dòng kênh Tào Khê, nơi tiếp nhận phần lớn lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất này.

Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, UBND thành phố Bắc Ninh đã quyết định thực hiện một loạt các biện pháp mạnh mẽ để xử lý ô nhiễm tại làng bún Khắc Niệm. Theo thông báo của UBND thành phố Bắc Ninh ngày 9/12, các cơ quan chức năng sẽ triển khai nhiều hoạt động đồng bộ, từ tuyên truyền, kiểm tra đến việc thiết lập các biện pháp xử lý cụ thể.

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành lấy mẫu nước thải từ kênh Tào Khê và kết quả cho thấy các chỉ số ô nhiễm vượt quá mức cho phép từ 2 đến 4 lần. Các chỉ số như amoni và nitrit vượt mức quy chuẩn cho phép rất nhiều lần, trong đó amoni vượt 14,7 - 16,9 lần và nitrit vượt từ 90 - 110 lần.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức các hội nghị đối thoại giữa chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất bún, bột, bánh tại phường Khắc Niệm. Đây là cơ hội để các cơ sở sản xuất hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường và từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời, UBND thành phố Bắc Ninh cũng yêu cầu thành lập các đoàn kiểm tra để giám sát, đánh giá tình hình ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, UBND phường Khắc Niệm cũng được chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Mỗi cơ sở sản xuất sẽ phải ký cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm giảm thiểu lượng nước thải, khí thải và tiếng ồn, đồng thời xử lý chất thải rắn đúng cách. Các biện pháp xử lý ô nhiễm phải được thực hiện ngay tại chỗ, giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.

Chính quyền địa phương cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất bún xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp với quy định của pháp luật. Các cơ sở phải có trách nhiệm thu gom, phân loại và xử lý chất thải, đặc biệt là nước thải từ quá trình sản xuất, để đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực.

Ô nhiễm môi trường tại làng bún Khắc Niệm là một vấn đề nhức nhối đã tồn tại trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với những nỗ lực và quyết tâm của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, tình trạng ô nhiễm này có thể được kiểm soát và khắc phục dần dần. Việc xử lý ô nhiễm không chỉ phụ thuộc vào các biện pháp kỹ thuật mà còn cần sự vào cuộc tích cực của cộng đồng và các cơ sở sản xuất. Chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã có những bước đi mạnh mẽ, như tổ chức đối thoại, giám sát và yêu cầu các cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường. Điều này cho thấy sự quyết tâm trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hy vọng rằng, với các biện pháp đồng bộ và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và người dân, làng bún Khắc Niệm sẽ sớm trở thành một mô hình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, tạo ra một tương lai bền vững cho cả ngành nghề này và cộng đồng cư dân nơi đây./.

Thanh Xuân (Tổng hợp từ tienphong.vn, đangcongsan.vn, laodong.vn...)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top