Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024  

Nhiều cơ hội cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Halal

Chủ nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024 | 13:23

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay các vùng nuôi ở nơi đây được áp dụng quy trình kiểm soát chặt chẽ theo quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu VietGAP, Global GAP.

Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt những cột mốc kỷ lục mới nếu như đa dạng hóa thị trường, tận dụng thời cơ để xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng, nhất là các các quốc gia Hồi giáo đang có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt khi các thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa các khu vực này và Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mới, còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là chìa khóa mở thêm cánh cửa cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam. Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông, thủy sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường Halal nếu như đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp.

Theo ước tính, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các nước sản xuất lương thực thực phẩm lớn; trong đó, có Việt Nam. Halal là thuật ngữ trong đạo Hồi chỉ những sản phẩm hoặc dịch vụ được phép sử dụng theo quy định của luật Hồi giáo, và chứng nhận Halal đảm bảo rằng sản phẩm đã tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Quy trình kiểm soát chặt chẽ theo quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu VietGAP, Global GAP
Thời gian qua, ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông – Bắc Phi, đặc biệt là sản phẩm thủy sản.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu, một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe.

Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông thủy sản chế biến. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Tuy nhiên, thách thức đối với doanh nghiệp là chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận lẫn nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Bà Nguyễn Minh Phương cũng cho biết, đối với nhóm sản phẩm thủy sản và thủy sản chế biến, nhu cầu của các nước Hồi giáo là rất lớn, đặc biệt với các nước tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phải phụ thuộc chính vào nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Đây là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam và dư địa có thể tăng gấp nhiều lần nếu được tập trung phát triển.

“Khi chúng ta tiếp cận được thị trường rộng lớn này thì chúng ta cũng sẽ thấy là chúng ta đã nâng cao uy tín để sản xuất ra các sản phẩm không chỉ là sang các thị trường thông thường, những thị trường truyền thống mà chúng ta còn sang được các thị trường khu vực Trung Đông.

Tiêu chuẩn Halal rất cao, từ quy trình chúng ta chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất cho tới quy trình đầu ra chúng ta đều phải đảm bảo. Khi những sản phẩm đã vào được thị trường của các nước đạo Hồi thì lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sẽ cao hơn và đương nhiên là chúng ta sẽ tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm” - bà Nguyễn Minh Phương nói.

 

Theo VOV.VN

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top