Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 16 tháng 12 năm 2024  

Mô hình thoát nghèo từ nuôi trâu, bò sinh sản trên Cao nguyên đá

Chủ nhật, ngày 15 tháng 12 năm 2024 | 20:9

Giữa vùng cao hiểm trở của huyện Mèo Vạc, nơi đồng bào dân tộc Mông sống chủ yếu bằng nông nghiệp, anh Sùng Mí Chơ, một nông dân người Mông, là minh chứng cho nghị lực và quyết tâm vượt khó.

Anh Sùng Mí Chơ chăm sóc đàn trâu, bò của gia đình. Ảnh: TTXVN phát

Sinh năm 1989 tại thôn Pó Pi A, xã Niêm Tòng, anh Sùng Mí Chơ đã vươn lên từ nghèo khó nhờ mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, một cách làm kinh tế bền vững đã thay đổi cuộc sống gia đình.

Mặc dù, gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, khi mất một cánh tay và hỏng một mắt trong quá trình lao động, anh Chơ không cho phép mình gục ngã. Dù điều kiện không thuận lợi, anh không cam chịu nghèo đói mà quyết định bắt tay vào việc phát triển kinh tế gia đình qua việc chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ những con vật đầu tiên, gia đình anh đã dần nhân đàn, hiện tại đã có tổng cộng 9 con trâu và 11 con bò.

Không chỉ phát triển về số lượng, mô hình nuôi trâu, bò của gia đình anh còn mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm, anh Chơ bán từ 2 - 3 con bê, thu về từ 15 đến 20 triệu đồng/con, một phần dùng để trang trải cuộc sống, phần còn lại tiếp tục tái đầu tư vào sản xuất. Nhờ vào sự kiên trì và cách làm khoa học, gia đình anh giờ đây không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ chăn nuôi khá giả nhất thôn.

Niêm Tòng, xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Mèo Vạc, là nơi chủ yếu sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại xã đã dần phát triển, mang lại hiệu quả rõ rệt. Tổng đàn gia súc gia cầm của xã hiện đã vượt qua con số 6.300 con, với hơn 2.400 con bò và 250 con trâu. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy cách làm này đang giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Để nhân rộng mô hình hiệu quả này, xã Niêm Tòng đã và đang tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Những lớp tập huấn này giúp bà con nắm vững các kiến thức từ việc thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đến các phương pháp vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã thay đổi cách thức làm ăn, mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, không chỉ để thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Vàng, Bí thư Đảng ủy xã Niêm Tòng, huyện Mèo Vạc cho biết, gia đình anh Sùng Mí Chơ là một trong những hộ điển hình trong công tác vượt khó vươn lên thoát nghèo. Hiện, xã Niêm Tòng cũng lựa chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản của gia đình làm mô hình điểm, nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới.

Chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở Niêm Tòng là một điển hình trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Mô hình này không chỉ góp phần tạo ra thu nhập bền vững cho người dân mà còn giúp họ vươn lên làm chủ cuộc sống, xây dựng cộng đồng vững mạnh, thoát khỏi nghèo đói một cách bền vững.

 

https://baotintuc.vn/nguoi-tot-viec-tot/mo-hinh-thoat-ngheo-tu-nuoi-trau-bo-sinh-san-tren-cao-nguyen-da-20241215083225523.htm

 

Theo Minh Tâm (TTXVN)

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top