Nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở huyện Di Linh liên kết với doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến xuất khẩu sản lượng lớn.
Theo đó đến năm 2030, toàn huyện Di Linh phấn đấu đạt tổng diện tích cây ăn quả 11.480 ha, sản lượng gần 147.840 tấn. Tương ứng với tổng nhu cầu 600.000 cây giống gồm tỷ lệ 70% nguồn giống sản xuất trong tỉnh và 30% nguồn giống mua về từ các tỉnh lân cận.
Bên cạnh phân bổ diện tích chuyên canh cây ăn quả chủ lực để xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, huyện Di Linh khuyến khích cây ăn quả xen canh tăng tỷ lệ cây che bóng, chắn gió trong vườn cây cà phê, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công Đề án trồng 4,9 triệu cây xanh trên địa bàn.
Cụ thể, toàn huyên Di Linh phát triển 6.500 ha cây sầu riêng trên vùng sinh thái các xã Hoà Nam, Đinh Trang Hoà, Hoà Bắc, Hoà Trung, Liên Đầm, Đinh Lạc, Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng. Phương pháp canh tác ở đây trồng xen 4.100 ha và trồng thuần 2.400 ha; diện tích thu hoạch ước đạt 5.900 ha, sản lượng ước khoảng 79.650 tấn. Trong đó, phát triển các vùng sản xuất sầu riêng an toàn đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để cấp mã số vùng trồng trên 2.500 ha.
Với cây bơ đạt tổng diện tích sản xuất khoảng 3.500 ha, thu hoạch 3.100 ha, sản lượng ước đạt 41.980 tấn, tập trung tại các xã Hòa Nam, Hòa Trung, Hòa Bắc, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, Hòa Ninh, Tân Châu, Tân Lâm, Tân Thượng. Cây mít ước đạt 500 ha phần lớn trồng xen, đến năm 2030 có 8 ha kinh doanh, sản lượng ước đạt 7.140 tấn. Ngoài ra huyện Di Linh mở rộng diện tích các loại cây ăn quả khác như cây chuối trên 350 ha (kinh doanh 330 ha, 8.223 tấn); 200 ha cây chanh dây xen canh cây cà phê (thu hoạch 190 ha, 5.814 tấn); 51 ha măng cụt (thu hoạch khoảng 35 ha, 208 tấn); cây ăn quả có múi trồng thuần 15 ha, trồng xen 65 ha, sản lượng ước khoảng 1.021 tấn, phân bổ các xã Đinh Trang Thượng, Tân Lâm, Tân Thượng, Tam Bố; cây ăn quả khác (vải, chôm chôm, cam, quýt, ổi, xoài, mãng cầu, thơm) ước đạt 299 ha, thu hoạch khoảng 239 ha, sản lượng 3.803 tấn.
Từ các vùng sinh thái cây ăn quả nói trên, ngành Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết đến năm 2030 “hình thành 3 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ; phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xây dựng mới trên 10 mã số vùng trồng và trên 5 mã số cơ sở đóng gói. Qua đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá các nhãn hiệu cây ăn quả chủ lực đã được công nhận như: Bơ Di Linh, sầu riêng Di Linh, đồng thời xây dựng mới các nhãn hiệu đối với các loại cây ăn quả có tiềm năng; khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…”. Theo đó, trên tổng sản lượng trái cây toàn huyện Di Linh, tỷ lệ tiêu thụ qua chuỗi liên kết đạt ít nhất 60%; qua chế biến đạt trên 30%, tương ứng khoảng 44.351,8 tấn.
Cũng theo ngành Nông nghiệp huyện Di Linh, giải pháp cần lồng ghép các chương trình tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng an toàn thực phẩm; khuyến cáo sản xuất giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện tại địa phương; ứng dụng khoa học - kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Về giải pháp đầu tư cần đa dạng hóa các nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái chủ lực, xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Ngoài ra, tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm cây ăn quả Di Linh gắn với chỉ dẫn địa lý, Chương trình OCOP; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ ngành hàng nông sản kết nối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc để quảng bá giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cây ăn trái chủ lực sang thị trường các quốc gia trong khu vực và trên thế giới...