Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024  

Điện Biên kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân

Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024 | 16:25

Giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm nông đặc sản, Điện Biên đã và đang chỉ đạo các cấp, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Hiện, nhiều sản phẩm địa phương đã được hỗ trợ, kết nối thị trường, giúp người dân nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng thương hiệu để nông sản vươn xa

Một trong những yếu tố quan trọng để nông sản có vị thế, có giá trị là phải xây dựng được thương hiệu. Xác định rõ điều đó, huyện Mường Ảng đã tập trung hướng dẫn người dân phát triển sản phẩm đặc trưng, nhất là sản phẩm từ nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho nông sản nhằm khẳng định chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nằm dưới chân đèo Tằng Quái, từ lâu thung lũng Mường Ảng đã nổi tiếng là “vựa” cà phê lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, cà phê Arabica Mường Ảng thơm ngon, có hương vị đặc trưng. Nếu như trước đây, cà phê sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu làm thức uống của các hộ gia đình, theo thời gian đã được chế biến thành các sản phẩm, tạo thương hiệu nhất định không chỉ với tỉnh Điện Biên mà dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.

Huyện Mường Ảng có 5 sản phẩm cà phê được chứng nhận OCOP, đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Ông Trần Minh Giáp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Để xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Mường Ảng ổn định đầu ra, huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực tìm kiếm cơ hội xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Để cây cà phê đạt năng suất, chất lượng, phát triển thành sản phẩm chủ lực, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê của huyện Mường Ảng và xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đã và đang được huyện phối hợp với cơ quan chức năng triển khai. Đến thời điểm này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Các tiêu chí để được cấp chỉ dẫn tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. 

Với diện tích gần 3.000ha, cà phê là cây trồng chủ lực giúp đời sống người dân trong huyện ổn định. Đến nay, toàn huyện có 5 sản phẩm cà phê được chứng nhận OCOP, gồm: Cà phê bột Hà Chung, cà phê bột Minh Duy, cà phê bột chị em, cà phê hòa tan Adew và cà phê phin Arabica Hải An. 

Cùng với cà phê, mô hình chè hữu cơ của Công ty TNHH trà Phan Nhất là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh Điện Biên. Vườn chè có diện tích 13ha tại xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng được trồng từ năm 2018 và cho thu hoạch từ năm 2022 đến nay. Chè sau khi chế biến gồm 7 sản phẩm chủ yếu, gồm: Trà shan tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất, trà xanh hữu cơ Phan Nhất, trà xanh hữu cơ... trong đó, có 1 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao.

Theo ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH trà Phan Nhất, để hương vị chè bay xa, Công ty đặc biệt quan tâm đến chứng nhận nhãn hiệu độc quyền được Cục Sở hữu trí tuệ cấp vào năm 2009; đồng thời đơn vị tiếp tục thực hiện đăng ký với Hiệp hội Chè Việt Nam, các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, quy trình chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trà sạch hữu cơ Phan Nhất. Qua đó, tăng thêm thị phần tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài.

“Muốn nâng cao giá trị thương hiệu thì chất lượng sản phẩm phải thật sự tốt và phải thật sự sạch. Đó cũng là triết lý kinh doanh của công ty. Hiện nay, phía công ty đã liên hệ ngành chức năng hỗ trợ tạo lập mã vùng trồng để sớm xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài”, ông Phan Trọng Nhất chia sẻ.

Nâng cao giá trị cho nông sản, thời gian qua, huyện Mường Ảng tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng thành vùng nguyên liệu, như: Cây ăn quả (bưởi da xanh), sản phẩm từ động vật (thịt trâu gác bếp, vịt cổ xanh)... Riêng đối với vịt cổ xanh, huyện Mường Ảng hướng dẫn nhân dân xã Mường Lạn xây dựng và phát triển sản phẩm theo hướng OCOP, với kỳ vọng tạo ra một sản phẩm có thương hiệu.

Huyện Mường Ảng hướng dẫn nhân dân xã Mường Lạn xây dựng và phát triển sản phẩm vịt cổ xanh theo hướng OCOP, với kỳ vọng tạo ra sản phẩm có thương hiệu.

Ông Lù Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng cho biết: Đầu năm 2024, huyện đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi vịt thương phẩm trên địa bàn xã Mường Lạn với 30 hộ tham gia. Sau 4 tháng thực hiện dự án, 3.000 con vịt được người dân chăm sóc đạt kết quả cao; trong đó, tỷ lệ sống đạt gần 93%, cân nặng đạt trung bình 2kg/con. Việc thành công ban đầu của dự án để huyện tiếp tục hỗ trợ người dân tiến hành nhân rộng mô hình nuôi vịt thương phẩm hướng tới đưa sản phẩm vịt cổ xanh Mường Lạn trở thành sản phẩm OCOP của xã, từ đó nâng cao thu nhập, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất, số lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu chương trình mỗi xã một sản phẩm và nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đây cũng là cơ sở để huyện đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng và phát triển một số sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, xây dựng nhãn hiệu OCOP trở thành thương hiệu mạnh của huyện. Hiện nay, huyện Mường Ảng chủ động thực hiện đúng, đủ các chu trình OCOP trên cơ sở nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng. Chú trọng công tác tuyên truyền về chương trình OCOP và tài liệu hướng dẫn để các xã, thị trấn triển khai thực hiện chu trình một cách rộng rãi, khách quan. Tập trung cho công tác hướng dẫn, tập huấn, tư vấn tại chỗ, kết nối nguồn lực cho phát triển ý tưởng sản phẩm, triển khai các dự án sản xuất kinh doanh. Tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, công bố kết quả xếp hạng sản phẩm...

Hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản đặc sản Điện Biên

Có thương hiệu thì phải kết nối, hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, hàng hoá.

Đầu tháng 12, chị Lò Thị Sương, chủ cơ sở kinh doanh thịt trâu khô (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) đã tham gia Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên năm 2024 tại tỉnh Thái Nguyên. Mang 10kg sản phẩm thịt trâu khô tới hội chợ, chị Sương không khỏi vui mừng, phấn khởi bởi toàn bộ sản phẩm nhanh chóng được bán hết, chị còn kết nối được đầu mối tại thị trường Thái Nguyên và khách hàng ở một số tỉnh, thành. 

Tham gia hội chợ ở Thái Nguyên, Hợp tác xã Tâm Thiện (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) đã tiêu thụ 400kg gạo séng cù và nếp nương mang nhãn hiệu của đơn vị.

Khách hàng tham quan, mua sắm ở gian hàng của tỉnh Điện Biên tại Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên.

Sản phẩm thịt trâu khô, gạo séng cù, gạo nếp nương và nhiều nông đặc sản khác của Điện Biên đã thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm. Tham gia các hội chợ là dịp các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm khách hàng, ký kết hợp đồng kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời khảo sát nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng đối với sản phẩm của đơn vị để định hướng sản xuất.

Không chỉ thông qua các hội chợ tổ chức tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và một số tỉnh Bắc Lào, tỉnh ta còn tận dụng cơ hội, tổ chức nhiều điểm trưng bày, giới thiệu nông đặc sản tại các hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Điện Biên năm 2024, khu vực trưng bày sản phẩm đặc sản địa phương đã để lại ấn tượng tốt với nhiều đại biểu, doanh nghiệp về mẫu mã, chất lượng. Từ đó, góp phần quảng bá, đưa nông sản đặc sản của tỉnh tiếp tục vươn tới các thị trường trong cả nước.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu nông đặc sản của huyện Tuần Giáo được bố trí đẹp mắt, ấn tượng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD - Điện Biên năm 2024.

Đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh nông sản nâng cao chất lượng và kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thời gian qua Sở Công Thương tích cực triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ máy móc sản xuất hiện đại; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cải tiến mẫu mã. Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đến tổ chức, cá nhân để có hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu thị trường.

Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở chế biến nông sản về yêu cầu xuất xứ hàng hóa; chất lượng an toàn thực phẩm; nhãn mác, bao bì sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở sản xuất thực hiện đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản.

Với định hướng phát triển thị trường nội địa, lấy thị trường đô thị làm trung tâm; khuyến khích phát triển thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tỉnh đã chú trọng phát triển thị trường TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay và 2 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, thị trấn các huyện. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh tại các địa bàn trên với phương thức kinh doanh tiên tiến, hiện đại như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn. Qua đó, từng bước phát triển đô thị, thị trấn thành trung tâm bán buôn; góp phần gắn kết thị trường trong tỉnh với thị trường các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đặc biệt là tạo mối liên kết trực tiếp, ổn định giữa các doanh nghiệp thương mại với cơ sở công nghiệp chế biến, HTX thương mại - dịch vụ và cơ sở, hộ sản xuất.

Theo baodienbien.com.vn

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top