BTC Cuộc thi Startup - Tạo Giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, đã tổng kết, trao giải cuộc thi Startup - Tạo Giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Với đề tài VCBi (Vinh Chau – Biofertilizer: Phân bón sinh học Vĩnh Châu), hai học sinh của trường THPT Nguyễn Khuyến, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã đạt giải Khuyến khích...
Em Trần Lạc Huy đại diện nhận giải.
Nói về đề tài của mình và bạn Ngô Nhật Đan (lớp 12A4) thực hiện, em Trần Lạc Huy (lớp 12A1) cho biết: Sóc Trăng là tỉnh có thế mạnh nuôi tôm lớn của vùng ĐBSCL, sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Trong đó, với lợi thế là địa phương ven biển, thị xã Vĩnh Châu có vùng nuôi tôm lớn nhất của tỉnh, với diện tích gần 11.000 ha. Vụ tôm năm 2024, toàn thị xã đã thả nuôi hơn 7.899 ha, sản lượng dự đoán trên 30.420 tấn. Với nguyên liêu thủy sản trên, Sóc Trăng có rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp và công ty chế biến thủy hải sản đang hoạt động. Ngoài ra, theo Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng cho hay, niên vụ mía 2023-2024, Công ty xây dựng vùng nguyên liệu trên 3.400 ha. Nên lượng bã mía từ Công ty và các cơ sở bán nước mía là rất lớn.
Theo em Huy, ý tưởng tái sử dụng bùn thải từ các nhà chế biến thủy hải sản và các bùn đáy ao nuôi thủy sản cùng các phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo nên phân bón hữu cơ cung cấp cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Đối với các bùn thải từ các ao nuôi (chủ yếu là nuôi tôm), sau mỗi vụ thả nuôi, lượng bùn tích lũy trong ao là khá lớn. Lượng bùn này không được thu gom và xử lý mà thổi trực tiếp ra môi trường cùng với nước thải của ao nuôi, gây ô nhiễm môi trường rất lớn và đặc biệt là các con kênh rạch trên địa bàn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh trên ao nuôi làm giảm năng suất nuôi trồng, gây tổn thất về kinh tế sau mỗi vụ nuôi.
Lớp bùn thải này được tạo thành từ sự tích luỹ các chất hữu cơ, vật chất vô cơ, thức ăn thừa, các chất bài tiết từ tôm, vi sinh vật hoặc xác bã của các phiêu sinh thực vật. Bùn đáy ao chiếm khoảng 25% sự tích tụ của Cacbon hữu cơ từ thức ăn; 24% là lượng Nitơ, Photpho và 5 – 40% là lượng dinh dưỡng tích tụ từ thức ăn của tôm,... Hàm lượng chất dinh dưỡng tồn đọng ở trong bùn đáy ao là khá cao. Tận dụng nguồn bùn thải này phục vụ cho canh tác nông nghiệp hoặc bồi thêm vào đất chất dinh dưỡng để canh tác rau màu, nhất là hành tím – đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Châu, đồng thời giúp giảm được ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững cho các hộ nuôi tôm.
Để thực hiện đề tài, các em đã tiến hành thu các mẫu bùn thải từ các ao sau các vụ thu hoạch và phơi khô đến độ ẩm nhất định (45-50%)....Sau đó kiểm tra hàm lượng các chất có trong bùn thải. Gồm 10 tiêu chí được các nhà khoa học trường Đại học Cần Thơ gợi ý như: độ pH, Nitơ tổng, Chất hữu cơ, CEC,...
Do các ao nuôi chủ yếu là nước lợ đến mặn, do đó lượng bùn thải vẫn có độ mặn nhất định nên không thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng được, do áp suất thẩm thấu của cây trồng nhỏ hơn áp suất thẩm thấu trong đất nên các em tiến hành khử mặn, có thể bằng nước mưa (vào mùa mưa) hay bằng cách dùng vôi hoặc lân có chứa canxi để loại trừ ion Na+ trong bùn nhiễm mặn, thay thế Ca2+ ở keo đất. Kiểm tra độ mặn cho phép trước khi ủ (≤ 2,24%0) Độ mặn này không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Tiếp theo, xử lý bã mía sau khi thu gom, phơi khô và cắt nhỏ tùy theo nhu cầu của các cây trồng mà có các bước xử lý khác nhằm tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp, tăng thêm chất hữu cơ cũng như độ tơi xốp cho đất khi sử dụng. Tỷ lệ trộn bã mía từ 250 – 300kg khô với 1 tấn bùn ao.
Sau đó, tiến hành ủ cùng với chế phẩm EMIC theo tỷ lệ 200gr cho 1 tấn nguyên liệu ủ. Đặc biệt, tăng cường thêm các xạ khuẩn xạ khuẩn Streptomyces phaeoluteigriseus và Streptomyces matensis,... nhằm tăng nhanh khả năng phân hủy bã mía trong thời gian 25 – 30 ngày. Có thể bổ sung thêm 2kg lân cho 1 tấn ủ, nhằm tăng thêm độ đinh dưỡng cho sản phẩm. Cuối cùng là thu sản phẩm và kiểm tra các thành phần dinh dưỡng và cung cấp ra thị trường.
Đới với bùn thải từ các nhà máy chế biến thủy hải sản, các em cũng tiến hành các bước như trên, nhưng không có bước khử mặn. Phần lớn bùn thải từ các nhà máy chế biến thủy hải sản thường được phơi khô sẵn, nên khi ủ cần chú ý đến độ ẩm của mẻ ủ.
Theo các em, đề tài VCBi có những tính mới và lợi ích như: Trước đây đã có những đề tài nghiên cứu tạo ra phân bón từ các bùn thải trong các ao nuôi, chủ yếu là các ao nuôi cá nước ngọt và ủ Compost với mùn cưa, rơm rạ nguyên liệu này ngày nay khó tìm. Nhóm chúng em sử dụng bùn thải từ các ao nuôi tôm nước lợ đến mặn ở khu vực và có xử lý mặn trước khi ủ, cũng như bã mía – nguyên liệu rất phổ biến ở quê em.
Thứ hai, sử dụng vi sinh vật… để ủ, nhằm tăng khả năng phân giải để tạo ra các chất hữu cơ tốt nhất cho cây trồng. Nếu thị trường có nhu cầu về đất sạch, hay đặc trưng cho cây trồng, chúng em có thêm khâu xử lý nguyên liệu bằng nhiệt và bổ sung thêm lượng khoáng nhất định theo nhu cầu thị trường. Tái sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương nên giá thành rẽ, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thêm thu nhập và phát triển bền vững cho các hộ nuôi thủy sản nói chung và nhất là các hộ nuôi tôm ở Vĩnh Châu quê em nói riêng. Đặc biệt thông qua ý tưởng đề tài còn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người, nhằm chung tay phát triển “hành tinh xanh”.
Nếu có điều kiện phát triển với quy mô công nghiệp, thì đây là một trong những sản phẩm cung cấp phân bón hữu cơ thiết thực nhất cho các nông hộ vừa tái sử dụng các phế phẩm trong nuôi trồng và chế biến thủy sản vừa tăng thu nhập, vừa bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cung cấp nguồn phân bón cho các hộ trồng hành tím ở quê chúng em.
Em Trần Lạc Huy cho biết: Phân bón sinh học Vĩnh Châu sẽ cung cấp một lượng phân bón hữu cơ cho các nông hộ, nhất là các hộ trồng hành tím trên địa bàn. Không những dừng lại ở các hộ trồng hành tím, nhóm còn có ý tưởng trạo ra phân bón sạch cũng như từng loại cây trồng khác nhau mà nhóm sẽ tạo ra loại phân hữu cơ phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các nông hộ.
Thầy trò nhà trường.
Thầy Nguyễn Minh Hoàng, giáo viên hướng dẫn các em thực hiện đề tài cho biết: Ý tưởng của các em đã bắt đầu từ năm học 2023 – 2024. Các em tham khảo các quy trình sản xuất phân hữu cũng như phân tích các chỉ số trong các bùn đáy ao, bể lắng,.. để đưa ra quy trình ử phù hợp. Nỗi bậc nhất, các em sử dụng thêm hai xạ khuẩn xạ khuẩn Streptomyces phaeoluteigriseus và Streptomyces matensis để tăng nhanh độ phân hủy.
Bà Mai Thị Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tôi rất vui khi thấy các học sinh của trường bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học. Đề tài Phân bón sinh học Vĩnh Châu là một ý tưởng rất ý nghĩa vì các em nghiên từ các phế thải của địa phương đang gây ô nhiễm môi trường để tạo ra phân hữu cơ cung cấp cho các nông hộ, giảm chi phí, cải tạo môi trường. Tôi rất quan tâm và luôn tạo điều kiện cho các em nghiên cứu khoa học. Đây là sân chơi bỗ ích, giúp các em biết vận dụng những kiến thức của mình để tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cho xã hội, cho địa phương các em đang sinh sống.
“Em Trần Lạc Huy và em Ngô Nhật Đan là những học sinh giỏi của trường. Em Huy từng là học sinh giỏi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán, máy tính cầm tay. Em Ngô Nhật Đan cũng đa tài, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh môn ngữ Văn và là cây văn nghệ của nhà trường”, bà Minh cho biết thêm.
Được biết, Cuộc thi Startup - Tạo Giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, khuyến khích, thúc đẩy và tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô trên toàn quốc. Nhằm tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp đột phá để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, kết nối các startup với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển bền vững của các dự án. Đối tượng của Cuộc thi bao gồm tất cả các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc có các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, sáng kiến công nghệ, giải pháp và mô hình kinh doanh nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cuộc thi năm nay có gần 100 hồ sơ dự thi của cá nhân, doanh nghiệp, học sinh,sinh viên dự thi. Sau 2 vòng chấm, Ban Giám khảo đã chọn được 18 dự án, ý tường để trao giải. Đây là lần đầu tiên Sóc Trăng có học sinh tham gia cuộc thi và đạt giải.