Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.
Thế giới chi 35 tỷ USD để sử dụng các loại thuốc BVTV
Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nếu trên toàn thế giới chi 35 tỷ USD để sử dụng các loại thuốc BVTV nhằm diệt trừ các loại sinh vật gây hại thì thu lại 350 tỷ USD, tức là gấp 10 lần.
Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh, cỏ dại gây hại mùa màng. Do vậy việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu hại, dịch bệnh bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia là một biện pháp quan trọng.
Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” diễn ra vào thời điểm cuối năm, nhưng lại là đầu vụ đông xuân 2024-2025 tại ĐBSCL. Sự kiện này không chỉ quan trọng đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL mà còn cho cả nước.
Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết.
Theo kế hoạch hành động của Cục Bảo vệ thực vật đến 2030 sẽ có trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM.
Lý giải về cụm từ IPHM, ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), thông tin, IPHM là tên viết tắt của Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Để triển khai chương trình, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” từ FAO; triển khai tại Việt Nam từ năm 2021 đến 2023.
Mục tiêu chung của Chương trình IPHM: tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Theo đó, 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: tăng cường nguồn lực phát triển IPHM; nâng cao nhận thức về IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; rà soát, lồng ghép IPHM trong các quy hoạch, chiến lược và chương trình, đề án có liên quan; xây dựng chỉ tiêu đánh giá và định mức kinh tế - kỹ thuật; nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM, Cục BVTV đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM (132 giảng viên IPHM quốc gia, 624 giảng viên IPHM cấp tỉnh). Xây dựng và ban hành 2 cuốn tài liệu (TOT-IPHM và FFS-IPHM); ban hành Khung chương trình TOT và FFS-IPHM; xây dựng các mô hình tại 4 tỉnh thành trên cả nước…
Đối với các tỉnh phía Nam, hiện tại đã đào tạo được 180 giảng viên IPHM. Tổ chức 10 lớp FFS IPHM, 300 nông dân (Tiền Giang và Đồng Tháp).
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA), hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại. Việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu. Cả thuốc BVTV hóa học và sinh học đều mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm an toàn, nhiều loại thuốc BVTV sinh học cũng bộc lộ một số nhược điểm như: giá thành cao, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn các thuốc BVTV hóa học, thời gian bảo quản của nhiều loại thuốc BVTV sinh học ngắn hơn thuốc BVTV hóa học.
Vì vậy, cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, đồng thời sử dụng thuốc BVTV dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam, “tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc BVTV 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm. Nhìn chung, số lần dùng thuốc BVTV càng ít, càng tốt”.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA).
Về thuốc BVTV hóa học, ông Sơn cho biết, điểm mạnh những loại thuốc này là có khả năng phòng trừ sinh vật gây hại nhanh nhất, hiệu quả nhất, chặn đứng trận dịch trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp BVTV khác.
Ông Nguyễn Văn Sơn cũng khuyến khích sử dụng luân chuyển các thuốc BVTV có cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm thiểu khả năng hình thành tính kháng của sinh vật gây hại đối với thuốc trừ BVTV. Cũng như, trong thời gian tới, ngành thuốc BVTV Việt Nam cần phát triển việc sản xuất và sử dụng các dạng gia công thuốc BVTV tiên tiến như CS, ME, EW, SC, SE, SW, WG, dạng nano…
Về các sinh vật gây hại, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ông liệt kê khoảng 10 sinh vật gây hại phổ biến hiện nay, như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng, lùn sọc đen, khảm lá hại sắn…
Ngoài ra, còn hơn 10 loài sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật gây hại ngoại lai trên cây trồng. Nổi bật có vàng lùn - lùn xoăn lá, bệnh héo rũ Panama, rầy xanh hại sầu riêng, rệp sáp hại rễ cây có múi, bệnh lùn sọc đen phương Nam, sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu…
Để phòng ngừa, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nên nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng có khả năng kháng hoặc chống chịu, tăng cường dự báo tình hình phát sinh gây hại của các loài sinh vật mới, đồng thời xây dựng bộ dữ liệu sinh vật hại cây trồng quốc gia phục vụ công tác tra cứu, phân tích nguy cơ dịch hại.
“Cần phát triển và sản xuất, thương mại các loại kit chẩn đoán nhanh phục vụ giám định ngay tại địa phương các bệnh do virus hại cây trồng”, vị giáo sư bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, rằng cán bộ chuyên môn có thể đào tạo, hướng dẫn người dân chẩn đoán bệnh hại sớm thông qua biểu hiện.
Phát triển và nhân rộng mô hình IPHM vì nền nông nghiệp bền vững
Trả lời thắc mắc về quy trình đảm bảo dư lượng thuốc BVTV trong gạo xuất khẩu, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cho biết, các chương trình đều đào tạo bà con quản lý dịch hại, biện pháp canh tác, làm giống, nước, bón phân, sinh học. Trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV luôn thực hiện theo phương pháp 4 đúng.
Trong giai đoạn 2017-2018, gạo xuất khẩu sang EU, Mỹ còn chứa dư lượng thuốc BVTV lớn, đa số do thiếu kiến thức trong canh tác. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã giao Cục trồng trọt tập huấn quy trình sản xuất đảm bảo yêu cầu của thị trường EU và Mỹ. Sau khi tập huấn, các doanh nghiệp đã có thể tìm hiểu các quy định mức dư lượng thuốc BVTV đối chiếu cần thấp hơn mức quy định sẽ được cho phép xuất khẩu.
Muốn xuất sang nước khác thì phải tìm hiểu kỹ càng yêu cầu quy định từng nước cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp mang mẫu tới trung tâm kiểm định, đối chiếu đạt yêu cầu.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT)
Tổng kết Diễn đàn, ông Lê Văn Thiệt đánh giá, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện khá tốt Đề án IPHM, tiền thân là Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Nói về kết quả nổi bật của Chương trình IPM Quốc gia Việt Nam, ông Thiệt chia sẻ, chương trình bắt đầu được triển khai từ năm 1992 với các hoạt động như hỗ trợ đào tạo giảng viên IPM (TOT), huấn luyện nông dân thông qua các lớp học hiện trường đồng ruộng (FFS); IPM áp dụng trên lúa, bông, rau màu và cây ăn quả…
Dấu ấn của IPM là việc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến cáo việc không đốt rơm, nay được đẩy mạnh ứng dụng đối với "Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".
Bên cạnh đó, chương trình tham mưu để loại bỏ hoạt chất lân hữu cơ, thuốc BVTV độc hại vốn để lại dư lượng cao cho nông sản, ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Đến nay, chương trình IPM đã trang bị kiến thức cho nông dân về đất khỏe, cung cấp dinh dưỡng cho đất, giảm phân bón, thuốc BVTV và sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.
Theo đó, việc sử dụng phân bón thay đổi theo xu hướng chung của các nước là an toàn, thông minh, từ đó tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và đặc biệt giup nông dân giảm chi phí sản xuất.
Cục BVTV cũng phối hợp với các hiệp hội, tổ chức để nhân rộng việc sử dụng phân bón và thuốc BVTVT sinh học. Theo ông Thiệt, hiện nay, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường. Các hiện tượng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây trồng, đời sống người dân. Nguy hiểm hơn, biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện cho các loại sinh vật gây hại mới phát sinh, phát triển, gây khó khăn cho sản xuất.
Hiện nay, chúng ta có 8.000 mã số vùng trồng, hơn 1.500 mã số cơ sở đóng gói. Nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm sẽ tăng lên, việc xuất khẩu càng trở nên thuận lợi. Do đó, để có thể phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các địa phương cần quan tâm, đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… phát triển và nhân rộng các mô hình, giải pháp sinh học trong phòng chống sinh vật gây hại; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân bón và thuốc BVTV sinh học, phối hợp với công ty nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào canh tác và tra cứu thông tin để chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tối đa lượng vật tư hóa học, sử dụng tối ưu vật tư đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho nông dân.