Liên tiếp xảy ra cháy rừng tại Hạ Long
Theo đó, trong cả tuần, gió Đông Bắc khô đang hoạt động mạnh ở độ cao 1.500 m, độ ẩm ở mức thấp. Do đó toàn miền Bắc sẽ duy trì kiểu thời tiết đặc trưng mùa đông là hanh khô. Ban ngày, trời nắng. Tuy nhiên, đêm và sáng sớm vẫn lạnh buốt, độ ẩm từ 40 đến 48%. Thời tiết nắng khô có khả năng còn duy trì ít nhất 3 - 4 ngày tới.
Tình trạng hanh khô kéo dài đang đẩy nhiều cánh rừng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn ở nguy cơ cháy cao. Nhiều vùng khác tại Bắc Bộ cũng ở trong nguy cơ cao.
CBCS Trung đoàn 213 tiến hành dập lửa (Ảnh: Hằng Ngần, Văn Đảm).
Theo Cục Kiểm lâm, hiện tại nhiều cánh rừng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang và Lạng Sơn đều đang nằm trong vùng cảnh báo cháy cấp 4. Do đó, người dân tuyệt đối không sử dụng lửa ở trong rừng và gần rừng. Nếu xảy ra cháy, không chỉ gây thiệt hại về rừng, tro bụi và lửa cháy bốc lên cao có thể làm mất an toàn mạng lưới truyền tải điện quốc gia.
Trước đó, báo cáo của Cục Kiểm lâm, ngày 17/12, ở thành phố Hạ Long xảy ra liên tiếp 2 vụ cháy rừng. Vụ thứ nhất: Xảy ra từ 11h15 tại Khoảnh 9, Tiểu khu 89, thôn Đình xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long. Cháy rừng trồng thông, keo, chưa xác định được diện tích cháy. Khi phát hiện cháy, lãnh đạo, cán bộ xã, Công an xã, Dân quân tự vệ, Lực lượng an ninh cơ sở, Kiểm lâm địa bàn, Cảnh sát PCCC - công an thành phố, Công ty xi măng Hạ Long và quần chúng nhân dân đã tham gia chữa cháy. Đến 15h cùng ngày đám cháy đã được khống chế, dập tắt.
Vụ cháy thứ 2 xảy ra cháy từ 21h ngày 17/12 tại khu vực thuộc Tổ 2 đến tổ 5 Khu 7 phường Bãi Cháy thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh. Loại rừng trồng thông, keo. Hiện chưa xác định được diện tích rừng bị thiệt hại. Ngay khi nhận được tin báo, tất cả các lực lượng gồm: Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thành phố Hạ Long, Trung đoàn 213, Cảnh sát PCCC – Công an thành phố Hạ Long, Kiểm lâm, dân quân, lực lượng an ninh cơ sở nhân dân tại địa phương tham gia chữa cháy. Do thời tiết hanh khô, gió lớn nên đến 14h ngày 18/12 đám cháy mới được khống chế, chưa dập tắt hoàn toàn.
Dự báo thời tiết Quảng Ninh sẽ còn nắng nhiều và hanh khô trong 2-3 ngày tới, dù gần biển nhưng độ ẩm giảm rất thấp chỉ 35-40%. Cục Kiểm Lâm cảnh báo các diện tích rừng ở Thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí, huyện Ba Chẽ, thị xã Đông Triều đều nằm trong nguy cơ cháy cấp 4- cấp nguy hiểm. Vì vậy trong thời gian này, các chủ rừng và người dân lưu ý tuyệt đối không dùng lửa trong rừng và gần rừng.
Ngoài ra, nhiều diện tích rừng ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và thành phố Hải Phòng cũng cảnh báo nguy cơ cháy cấp 4, nếu sơ suất để xảy ra cháy trong thời tiết hanh khô dễ khiến ngọn lửa bùng phát, lây lan nhanh và khó dập tắt.
Bắc Ninh: Trực 24/24 giờ những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng
Do hậu quả của bão số 3 (bão Yagi) gây đổ, gãy nhiều cây rừng, hiện nay cành cây và lá cây đã khô tạo thành nguồn vật liệu cháy lớn, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Du đã xảy ra 2 vụ cháy rừng.
Để chủ động PCCC rừng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nhất là các vùng trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, cung cấp thông tin cho các địa phương để chủ động thực hiện các phương án PCCC rừng. Tăng cường kiểm tra công tác PCCC rừng tại các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm về cháy rừng, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng, phương tiện khi có cháy rừng xảy ra;
Duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại những khu vực có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên để kịp thời xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an, Quân đội) tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi phá rừng, gây cháy rừng, lấn chiếm rừng.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có yêu cầu. Chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời điều tra nguyên nhân và đối tượng gây cháy rừng, phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND các huyện: Tiên Du, Gia Bình, thị xã Quế Võ và thành phố Bắc Ninh thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCC rừng theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCC rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Các chủ rừng thực hiện nghiêm nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCCC rừng trên diện tích rừng được giao. Khẩn trương khắc phục ngay diện tích rừng phòng hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Thường xuyên tuần tra, canh gác tại các khu vực trọng điểm về cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Một số khuyến cáo phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa hanh khô
Trong điều kiện thời tiết hanh khô, dễ xảy ra cháy rừng,các đơn vị, địa phương và người dân chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Đối với các khu rừng có đường dây điện cao thế và công trình có nguy cơ gây cháy rừng phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp vói từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.
Đối với người dân khi đốt nương, rẫy, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện các biện pháp an toàn PCCC; không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, trước khi đốt phải thông báo với các đơn vị chức năng để có biện pháp phòng ngừa sự cố. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa...
Khi phát hiện cháy rừng, người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh và cho một hoặc các đơn vị là chủ rừng; đội PCCCR nơi gần nhất; cơ quan kiểm lâm hoặc cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất; chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan công an, quân đội nơi gần nhất.
Cơ quan, đơn vị liên quan khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý và tham gia chữa cháy rừng.
Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng phải tìm mọi biện pháp để ngăn chặn cháy lan và dập cháy; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
Chủ rừng và các lực lượng công an, kiểm lâm, quân đội, dân phòng và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ chữa cháy và tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật về PCCC.