Chương trình XDNTM không chỉ đơn thuần là đạt chuẩn các tiêu chí mà còn mang lại sức sống mới về nhiều mặt cho khu vực nông thôn, nhất là đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Lan tỏa mạnh, phát triển rộng và sâu
Theo mục tiêu Chương trình MTQG về XDNTM (giai đoạn 2021-2025), đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM...
Dọn dẹp vệ sinh, một việc làm quen thuộc, thường xuyên của người dân tại các khu dân cư trên địa bàn huyện Yên Định (Thanh Hóa).
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 156 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM.
Có 2.182 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, chiếm gần 46% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước; 11 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 15 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 05 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương).
Theo ông Sơn, dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79% trở lên số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 38% số xã đạt NTM nâng cao, vượt mục tiêu được giao năm 2024; và 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Có khoảng 305 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 18 huyện được công nhận đạt NTM nâng cao; có thêm 1 - 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM…
63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Đến nay, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Có 7.846 chủ thể OCOP. Đặc biệt, có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên, ông Sơn cho biết thêm.
Điểm sáng Thanh Mai
Xác định XDNTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã tập trung, chung sức xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nhằm hướng tới mục tiêu đưa xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Sau khi đạt chuẩn NTM năm 2019, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục chung sức xây dựng NTM nâng cao. Bắt tay thực hiện, Thanh Mai đã huy động nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn; cải tạo, xây mới trường học, nhà văn hóa. Đặc biệt, xã chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng rau sạch, chăn nuôi quy mô lớn và phát triển nghề thủ công truyền thống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 72,66 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,33%. Các phong trào văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Đặc biệt, xã vẫn gìn giữ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa như hệ thống đình, chùa, quán, trong đó nổi bật là đình Nga My Hạ và đình Nga My Thượng.
Xã Thanh Mai (Thanh Oai - Hà Nội) hội tụ nhiều bản sắc văn hoá, có giá trị lớn về mặt lịch sử.
Ngày 28/11/2024, xã Thanh Mai được thẩm tra, đánh giá đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.
Theo ông Phạm Đức Cường, Trưởng thôn Mỹ Hạ, thôn có mô hình trồng sen kết hợp chăn nuôi vịt, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Khi có điều kiện về kinh tế, người dân quay lại đóng góp XDNTM, như ủng hộ trang bị hơn 20 bàn hội họp, gần 200 ghế ngồi, trang bị âm thanh, mua sắm máy chiếu cho nhà văn hóa thôn. Đặc biệt, CLB người con Mỹ Hạ đã chung tay ủng hộ thiết bị thể thao ngoài trời trị giá gần 40 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn My Thượng, phấn khởi chia sẻ, trong XDNTM, Nhân dân thôn tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như: hiến đất mở đường, tích cực hưởng ứng phong trào trồng hoa, làm đường hoa, vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Thôn hiện có hơn 1.000 hộ với trên 4.000 nhân khẩu, thu nhập bình quân đạt trên 70 triệu đồng/người/năm.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, cho biết, xã đã cơ bản đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Hiện, thu nhập bình quân đạt 72,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức chuẩn đề ra; 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; 70,5% số hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; công tác xử lý rác thải và bảo vệ môi trường đạt hiệu quả rõ rệt; hai trường học đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có một trường đạt mức độ 2. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,3%, vượt xa mục tiêu đề ra…
Ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Thanh Mai trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao. Đồng thời đề nghị, UBND xã tiếp tục điều chỉnh báo cáo, bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của các thành viên trong Hội đồng thẩm định; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM, dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp; phối hợp với các phòng, ngành chuẩn bị tốt hồ sơ minh chứng Đoàn thẩm định của huyện trình Văn phòng điều phối NTM của thành phố Hà Nội đánh giá, chấm điểm đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các địa phương rút ra.
Đại Từ là huyện thứ hai của tỉnh Thái Nguyên được công nhận đạt chuẩn NTM. Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Phạm Duy Hùng, Bí thư Huyện ủy cho biết, phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu cấp thiết của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Phải tạo điều kiện để mỗi địa phương tự chủ trong xác định nhu cầu và phân bổ nguồn lực ưu tiên hơn cho các vấn thiết thực.
Điển hình là phong trào mở rộng đường xóm 6m. Giai đoạn đầu, đòi hỏi phải tuyên truyền thay đổi nhận thức, đồng thời sử dụng nguồn lực của Nhà nước để xây dựng các mô hình điểm để người dân soi chiếu. Nhưng khi phong trào đã thực sự đi chiều sâu và Nhân dân đã ủng hộ thì lúc này làm sao để huy động tối đa nguồn lực trong dân để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM, vì chính lợi ích của Nhân dân.
Nêu cao sức mạnh đại đoàn kết. Có đoàn kết mới khơi dậy nguồn lực, tiềm năng, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Qua đó, tương trợ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, cần tạo sự đồng thuận trong xây dựng NTM. Để tạo sự đồng thuận, trước hết là phải thống nhất quan điểm trong chi bộ, trong đoàn thể và người dân. Đối với những hộ dân gương mẫu, đi đầu trong xây dựng NTM, địa phương tổ chức tuyên dương, khen thưởng kịp thời nhằm động viên, khích lệ, từ đó lan tỏa gương sáng tại địa phương, ông Hùng cho hay.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, triển khai XDNTM giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có nhiều cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo, nhất là công tác dân vận khéo, kiên trì vận động thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Nhờ đó, Yên Bái được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng NTM của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Trong quá trình triển khai, các địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể; tích cực vận động hội viên, đoàn viên trong gia đình tham gia xây dựng NTM, lấy thuyết phục hộ dễ làm trước, hộ khó làm sau. Việc tự nguyện giải phóng mặt bằng XDNTM đã trở thành biểu tượng, hình ảnh tốt đẹp trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; thể hiện rõ vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan trao bằng công nhận huyện Yên Bình (Yên Bái) đạt chuẩn NTM năm 2023.
Ngoài những cách làm sáng tạo, Yên Bái đã ban hành 2 Nghị quyết mang tính đặc thù hỗ trợ người dân ở những xã đặc biệt khó khăn là chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM và chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo khi xã đạt NTM. Tỉnh cũng ban hành chính sách khen thưởng cho các địa phương có thành tích cao trong XDNTM, tạo động lực để các địa phương thi đua về đích.
Là huyện mới được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa), cho rằng, có được thành công như ngày hôm nay là do sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân. Nếu không có sự ủng hộ, chung tay góp công, góp của, hy sinh quyền lợi cá nhân vì mục tiêu chung của Nhân dân, thì không thể có được những con đường bê tông rộng rãi, những trường học, nhà văn hóa, hệ thống đèn chiếu sáng, thoát nước, môi trường sạch đẹp… khang trang, đồng bộ làm thay đổi diện mạo làng quê như hiện nay.
Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025. Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 13 năm XDNTM, Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 1.202/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (73,9%). Các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng 15 mô hình khu dân cư NTM thông minh tại 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 20 mô hình thôn thông minh và 4 mô hình xã NTM thông minh.
Thành quả đạt được của các địa phương ở Hà Tĩnh phải kể tới hiệu quả của công tác tập huấn. Từ những câu chuyện thực tế, phương thức truyền tải hấp dẫn giúp học viên nắm bắt thông tin về xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Cụ thể, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại 2 xã: Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh). Tại lớp học, các học viên được cung cấp tài liệu, hướng dẫn thực hiện các nội dung như: Gia đình NTM kiểu mẫu - 5 có; thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và Bộ tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2022 – 2025...
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Để đạt được các mục tiêu XDNTM đề ra đến năm 2025, một số giải pháp đã được đưa ra: Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ XDNTM theo hướng tiếp tục sáp nhập các chương trình, dự án có cùng nội dung đầu tư, nội dung hỗ trợ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp. Đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM. Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng NTM thông minh.
Đặc biệt, những năm qua, trên tinh thần XDNTM để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, NTM phải vào từng hộ dân, HLV-Trang trại Hà Tĩnh đã trải nghiệm thành công việc xây dựng Vườn mẫu trong NTM. Từ kết quả ban đầu đó, HLV Việt Nam đã tổ chức tổng kết, đúc rút và đề xuất với Ban chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Tháng 4 năm 2018, tổng kết 7 năm triển khai chương trình, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM thống nhất đưa Vườn mẫu vào nội dung chương trình và Vườn mẫu trở thành tiêu chí thứ 19 trong XDNTM. Tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, QH đã thảo luận việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình XDNTM. Tại phiên thảo luận, vấn đề được nêu nhiều là, hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện của Trung ương và địa phương ban hành chậm, chưa đồng bộ, còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao... |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc hoàn thành mục tiêu XDNTM diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung nguồn lực cho các địa phương, nhất là hỗ trợ các huyện đăng ký lộ trình đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 ở miền núi; rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa phương vùng khó khăn nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình; tăng cường công tác đỡ đầu các xã khó khăn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện các tiêu chí, nội dung thành phần của chương trình...
Các cấp, các ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung thực hiện tiêu chí NTM còn vướng mắc cho các xã đặc thù nói riêng và các địa phương cả nước nói chung. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về NTM, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương. Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình XDNTM, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các địa phương phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ XDNTM năm 2024 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Báo cáo gửi Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, có ý kiến chỉ đạo một số nội dung.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo để hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025.
Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Đề nghị UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh quan tâm và ưu tiên nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025.