Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  

Thu nhập ổn định nhờ nuôi dê thả núi

Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024 | 14:17

Nhờ được chăn thả tự nhiên, từ năm 2020 đến nay, đàn dê núi của gia đình bà Vì Thị Xiêng, dân tộc Giáy, ở xã Thống Nhất (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) không ngừng tăng trưởng, cho thu nhập ổn định, giúp cải thiện cuộc sống giữa bộn bề khó khăn.

 Bà Vì Thị Xiêng chú trọng việc chăn thả dê tự nhiên để tiết kiệm chi phí. ảnh: Hữu Huỳnh.

Hiệu quả mô hình

Cũng như nhiều gia đình nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với những lo toan cơm áo gạo tiền, bà Xiêng luôn tìm cách để cải thiện kinh tế. Sau nhiều lần tìm tòi, học hỏi, bà quyết định nuôi dê. Bà tâm sự: “Nuôi dê không vất vả như trâu, bò, cũng không tốn kém thức ăn như lợn. Chúng ăn được đủ loại cỏ cây trên đồi, lại ít bị dịch bệnh”. 

Ban đầu, gia đình bà Xiêng nuôi thử vài con. Sau khi nhận thấy kết quả khả quan, bà tăng đầu tư vốn và công sức, đàn dê dần phát triển lên 62 con, trong đó có 38 con dê sinh sản. Nuôi dê có nhàn hơn nuôi trâu, bò, lợn, nhưng để đàn dê khỏe mạnh và phát triển, gia đình bà không ngừng chăm chút từ những việc nhỏ nhất. Chuồng trại rộng khoảng 30-40m² được quét dọn sạch sẽ, thường xuyên khử trùng để đảm bảo vệ sinh. Đàn dê chủ yếu được thả tự nhiên trên đồi để ăn cỏ, lá cây.  

Để tăng số lượng, với những dê cái sinh sản, trung bình mỗi con đẻ 1-2 lứa/năm, mỗi lứa 1-3 dê con, gia đình bà đều để lại nuôi. Nhờ chế độ chăm sóc tốt, đàn dê luôn có thế hệ mới bổ sung, vừa đảm bảo nguồn dê thịt để bán mà vẫn duy trì được quy mô đàn. Vào mùa đông, bà Xiêng không ngại thức khuya dậy sớm chuẩn bị thêm bột ngô để dê có đủ dinh dưỡng chống rét. Những bệnh thường gặp như tiêu chảy ở dê con hay giun sán đều được gia đình xử lý kịp thời nhờ kinh nghiệm tích lũy qua từng năm.

“Nuôi dê giống như chăm con mọn. Nếu không để ý từng chút một, chúng sẽ dễ bị bệnh hoặc sụt cân, ảnh hưởng đến cả đàn”, bà Xiêng chia sẻ, giọng nói lộ rõ những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình.  

Hiện, đàn dê của gia đình bà Xiêng không chỉ giúp duy trì nguồn thu ổn định mà còn là niềm hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Mỗi năm, gia đình bà bán khoảng 10-15 con dê thịt (thường là dê đực) với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, thu về khoảng 100 triệu đồng. ”Mỗi lần bán được dê, tôi lại thấy mừng vì có thêm khoản tiền trang trải sinh hoạt, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Khách hàng chủ yếu là người quen trong thôn nên giá cả cũng ổn định”, bà Xiêng tâm sự.  

Tuy nhiên, để phát triển đàn dê không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khu vực chăn thả ngày càng thu hẹp do nhiều đồi rừng bị khai thác hoặc thuộc sở hữu của người khác. Gia đình bà phải đưa đàn dê đến những khu vực đồi rừng xa hơn, mất nhiều thời gian trông coi. “Nhiều khi cũng ngại vì dê có thể vào đồi nhà người khác, nên phải theo sát đàn để tránh gây phiền hà”, bà Xiêng kể.

Mô hình chăn nuôi của gia đình bà Xiêng trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế tại địa phương.

Mở hướng chăn nuôi mới

Không chỉ là người nông dân chăm chỉ, chịu khó, bà Xiêng còn thể hiện tinh thần mạnh dạn trong việc dám thử sức với mô hình chăn nuôi mới. Tuy chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhưng bà luôn học hỏi từ thực tế và tích lũy kinh nghiệm.  ”Cuộc sống còn khó khăn, nhưng khi còn sức khỏe, tôi sẽ cố gắng làm mọi thứ để giúp các con có tương lai tốt hơn”, bà Xiêng nói, ánh mắt ánh lên niềm hy vọng.

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình bà Vì Thị Xiêng đã xây dựng được mô hình chăn nuôi hiệu quả, ổn định kinh tế và mở ra tương lai sáng hơn. Những bước chân trên đồi, những giọt mồ hôi rơi xuống mỗi ngày không chỉ mang lại thành quả là đàn dê béo tốt, mà còn khẳng định ý chí, nghị lực của một người nông dân vươn lên giữa khó khăn.

Thảo nguyên

Xem thêm

4[5] 6
Top