Vắng bóng thương lái
Mọi năm, từ thời điểm cận Tết Dương lịch, thương lái, các đại lý kinh doanh hoa khắp nơi đổ về nhà vườn đặt cọc mua hoa Tết. Nay chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 mà các vùng trồng hoa vẫn vắng thương lái đến đặt hàng mua. Tuy chi phí đầu tư vụ hoa Tết năm nay cao hơn mọi năm nhưng nhiều nhà vườn buộc phải giảm giá hoa sớm để kích cầu sức mua.
Nông dân trồng hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang ra sức chăm bón, theo dõi sát sao thời tiết, với hy vọng mọi việc sẽ thuận lợi để mang lại những vườn hoa tươi đẹp nhất phục vụ khách hàng vui đón Tết.
Ông Lý Phước A, người trồng hoa tại làng hoa Dương Sơn (xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang) lo lắng, năm nay gia đình trồng khoảng 2 ngàn chậu cúc các loại và làm thêm một số loại hoa mào gà, vạn thọ. Dự đoán tình hình kinh tế khó khăn nên gia đình giảm vài trăm chậu hoa cỡ lớn so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù dự đoán trước khó khăn nhưng nhiều nhà vườn như gia đình ông A vẫn bất ngờ vì cận Tết mà vùng hoa vẫn vắng khách. Theo ông A, tình trạng này bắt đầu từ năm 2023 khiến các hộ trồng hoa bất an.
“Chưa năm nào, thị trường tiêu thụ hoa lại chậm như hai năm gần đây. Ngay cả những năm có dịch Covid-19 như 2021-2022, còn không có chậu, vật tư để làm nên Tết năm đó hoa sốt giá do nguồn cung giảm mạnh. Vốn liếng đổ vào đầu tư, người trồng hoa giờ không còn tiền để trả công lao động, trong khi rất ít thương lái đến đặt cọc mua hoa, khách mua lẻ cũng chưa thấy”, ông A chia sẻ.
Hơn 500 chậu hoa cúc của ông Lý Phước A đang được chăm sóc kỹ càng để phục vụ dịp Tết.
Tết năm ngoái, giá hoa rẻ nên nông dân trồng hoa có lợi nhuận thấp. Dự báo kinh tế tiếp tục gặp khó khăn nên nhiều nhà vườn ở vùng này giảm diện tích trồng hoa. Vụ Tết này, giống hoa cúc vàng vẫn là dòng hoa được trồng chủ lực; ngoài ra, một số nhà vườn có trồng thêm một số loại hoa khác. Nguồn hoa cung cấp ra thị trường khá dồi dào. Vì chủ yếu là hoa cắt cành nên phải cận Tết mới biết sức mua của thị trường, nhưng do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Chủ động giảm giá để tìm khách
Chi phí đầu tư vụ hoa Tết từ tiền chậu, phân, thuốc, công lao động… đều cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo thị trường tiêu thụ chậm, nhiều hộ trồng hoa chủ động giảm giá bán.
Theo người dân, cận Tết Dương lịch 2024, nhiều nhà vườn đã có vài trăm triệu đồng đặt cọc từ thương lái để chi tiền thuê công lao động chăm sóc hoa. Nay chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán mà thương lái mới đặt cọc được vài chục triệu đồng, nông dân đành phải vay mượn để lo các chi phí chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, nguồn cung hoa năm nay lại khá dồi dào vì hoa được mùa, chất lượng đẹp.
“Vụ hoa năm nay, chi phí đầu tư cao hơn mọi năm nhưng dự báo thị trường đầu ra khó khăn hơn, nhiều nhà vườn chủ động giảm giá bán hoa 10-15% từ sớm nhằm kích cầu tiêu dùng”, ông A nói.
Nông dân trồng hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn đang ra sức chăm bón, theo dõi sát sao thời tiết, với hy vọng mọi việc sẽ thuận lợi để mang lại những bông hoa tươi đẹp nhất phục vụ khách hàng vui Xuân, đón Tết.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoà Châu (Hoà Vang), cho biết, toàn xã có hơn 6ha hoa Tết với hàng chục ngàn chậu hoa các loại như: cúc đại đóa, cúc pha lê, vạn thọ, cát tường, mào gà… Hoa năm nay trúng mùa, phát triển tốt, bông đều đẹp với nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng hoa được thương lái đến đặt cọc mua chưa đến 20% so với tổng sản lượng sản xuất, thậm chí nhiều nhà vườn còn chưa có thương lái đến xem và đặt cọc mua hàng.
Trước tình hình đó, Hoà Châu sẽ có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện và khuyến nông thành phố về việc kêu gọi các đơn vị, cá nhân, các tổ chức tôn giáo trong và ngoài xã hỗ trợ, giúp đỡ nông dân kết nối, tiêu thụ hoa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nông dân trồng hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn đang ra sức chăm bón, theo dõi sát sao thời tiết, với hy vọng mọi việc sẽ thuận lợi để mang lại những bông hoa tươi đẹp nhất phục vụ khách hàng vui Xuân, đón Tết.