Theo thông báo, một người chưa xác định đã giả mạo con dấu và chữ ký của ông Võ Hữu Trường - người đứng đầu chi nhánh Vina T&T Bến Tre (mã số 031294360-003) - để ký kết hợp đồng ủy quyền xuất khẩu số HĐ/UQTQMĐG-036 với Công ty TNHH EM (viết tắt) vào ngày 10-12-2024. Tiếp đó người này còn phát hành công văn số 03/BVTV/2024 đề ngày 12-12-2024 với nội dung liên quan việc ủy quyền sử dụng mã số đóng gói trái pháp luật.
Dựa trên các văn bản giả mạo này, Công ty EM đã ký kết hợp đồng ủy quyền xuất khẩu với nhiều doanh nghiệp khác, cho phép họ sử dụng mã số VN-BTPH-036 để đóng gói và xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của Việt Nam. Hậu quả là hiện đang có nhiều lô hàng sầu riêng tươi mang mã số đóng gói giả mạo của Vina T&T.
Sầu riêng có giá trị xuất khẩu cao - Ảnh: M.V
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T cho hay, đáng lo ngại hơn khi Vina T&T còn phát hiện nhiều đối tượng đang rao bán và chào giá mã số đóng gói này cho bất kỳ ai có nhu cầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc hoặc phục vụ các mục đích bất hợp pháp khác. Tình trạng này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động xuất khẩu của công ty.
Vina T&T khẳng định chi nhánh Bến Tre của công ty chưa từng sở hữu hay sử dụng bất kỳ con dấu nào, cũng như chưa bao giờ ủy quyền cho bất kỳ đơn vị nào sử dụng mã số cơ sở đóng gói của mình. Công ty đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để báo cáo và đề nghị ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, điều bất ngờ là Cục Bảo vệ thực vật và hải quan đều không nhận ra sự bất thường này và đều thông qua các lô hàng. Điều đó cho thấy việc quản lý mã số vùng trồng cũng như hồ sơ, con dấu trong xuất khẩu đang có kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, trục lợi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về tình trạng giả mạo con dấu và tài liệu của các đơn vị có mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn vì những đơn vị mua mã số xuất khẩu có thể lấy hàng trôi nổi không kiểm soát để bán cho Trung Quốc. Nếu bị phát hiện có dư lượng vượt ngưỡng sẽ bị trả về thậm chí là đóng mã số. Trong khi đó đơn vị có mã số không biết điều này vẫn đang xuất khẩu đi bình thường thì có thể các lô hàng đó sẽ bị phía Trung Quốc chặn lại trả về và họ bị mất mã số xuất khẩu.
"Đây là vấn đề không chỉ với một doanh nghiệp bị dùng giả mã số vùng trồng mà còn là vấn đề an ninh của cả ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Vì nếu không kịp thời ngăn chặn, hậu quả với ngành là rất lớn. Chúng tôi đang tập trung thông tin để kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc bịt kẽ hở về quản lý mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu", vị này cho hay.