Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024  

Nông nghiệp Việt Nam: Quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng tăng tốc và bứt phá

Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024 | 22:35

Những kỳ tích mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2024 và cả giai đoạn 2020-2024 sẽ là điểm tựa, là niềm tin để Việt Nam tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp xanh, kinh tế xanh trong kỉ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu tham quan các gian hàng nông sản.

Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế 

Chiều nay (27/12), tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và PTNT. Trong lần thứ tư tham dự Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự xúc động và trân trọng trước những nỗ lực không ngừng của toàn ngành trong năm 2024.

“Có nhiều sự kiện mang lại cho chúng ta niềm vui, ấn tượng sâu sắc; nhưng cũng không ít điều khiến chúng ta phải băn khoăn, trăn trở về ngành nông nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ.

Có thể khẳng định, cả nước đã vượt qua nhiều thách thức và tháo gỡ được các khó khăn. Các mục tiêu kinh tế - xã hội do Trung ương và Quốc hội giao đều được hoàn thành. Năm 2024, chúng ta đã đạt 15/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, vượt trội so với năm 2023 khi chỉ đạt 14/15 chỉ tiêu.

Đây là kết quả quan trọng, khẳng định sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và quản lý hiệu quả các khoản nợ công, nợ nước ngoài. Nhờ đó, ngân sách Nhà nước tiếp tục được đảm bảo, thu chi cân đối với mức thặng dư cao. Thị trường lao động đáp ứng tốt nhu cầu, góp phần củng cố nền tảng kinh tế - xã hội của đất nước.

Về quốc phòng - an ninh, tiềm lực được tăng cường mạnh mẽ nhờ nguồn đầu tư lớn. Trong những năm qua, ngân sách thu luôn vượt chi, với mức thặng dư trên 10 tỷ USD (tương đương 300.000 tỷ đồng). Điều này đã tạo điều kiện đầu tư cho quốc phòng - an ninh, thể hiện qua các sự kiện như Triển lãm Quốc phòng Quốc tế vừa qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại về các thế lực thù địch và tổ chức phản động luôn tìm cách làm suy yếu đất nước. “Chúng ta cần xây dựng thực lực đủ mạnh để bảo vệ độc lập, tự do. Đặc biệt, sức mạnh kinh tế sẽ là nền tảng vững chắc để giữ gìn chủ quyền lãnh thổ”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, Việt Nam hoàn thiện mục tiêu thiên nhiên kỷ về Không còn đói nghèo trước thời hạn 2030. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, người dân Việt Nam vẫn được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Nhiều quốc gia bày tỏ mong muốn thiết lập và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 quốc gia, với Trung Quốc đã xây dựng quan hệ Cộng đồng chia sẻ tương lai, khẳng định vị thế và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Năm 2024, đất nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Đời sống tinh thần và vật chất của Nhân dân được cải thiện đáng kể so với năm 2023, góp phần tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ từ Nhân dân trong nước cũng như sự hỗ trợ quý báu từ bạn bè quốc tế.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Nông nghiệp và PTNT vì những nỗ lực và thành quả nổi bật trong năm qua. Một trong những dấu ấn tiêu biểu của ngành chính là công tác phục hồi sau bão số 3 (Yagi) - một thử thách lớn nhưng cũng là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và sự chỉ đạo hiệu quả.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ Nông nghiệp và PTNT vì những nỗ lực và thành quả nổi bật trong năm qua.

“Cần nhìn lại và phân tích kỹ lưỡng để đánh giá đúng đắn tinh thần chỉ đạo của ngành trong công tác ứng phó với thiên tai. Việc tham mưu, tổ chức thực hiện, và điều phối an toàn hồ đập trong thời điểm lũ lụt nghiêm trọng đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT”, Thủ tướng bày tỏ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng bày tỏ niềm vui và sự tự hào với những kết quả toàn ngành đã nỗ lực đạt được. Nhìn lại năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện Kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc. 

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; với tinh thần "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân…, ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới. Nông nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế quan trọng, là động lực và trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà.

Năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3% , tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%  ; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản (NLTS) đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD , tăng 46,8% . Trong đó, xuất khẩu nông sản chính: 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 07 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 01 sản phẩm so với năm 2023).

Năm 2024, toàn ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân bằng những giải pháp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ kép: “Vừa ứng phó với biến động, vừa tổ chức sản xuất”. Nhờ đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Năm 2024, tăng trưởng Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp bứt phá, đạt nhiều kết quả ấn tượng.

"Những kỳ tích mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được trong năm 2024 và cả giai đoạn 2020-2024 sẽ là điểm tựa, là niềm tin để Việt Nam tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp xanh, kinh tế xanh trong kỉ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch vùng miền

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông rất phấn khởi khi tham dự Hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp; đến với tâm trạng học hỏi, lắng nghe những thành quả mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đạt được trong năm qua.

Với sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ…, ngành Nông nghiệp và PTNT đã có bước tiến rất dài với 8 thành tựu nổi bật. "Nông nghiệp giữ vị trí trụ cột của nền kinh tế, đó không phải là ngẫu nhiên, đó là thành quả của cả một quá trình kiến tạo chính sách, động viên được lực lượng sản xuất của ngành nông nghiệp…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Chúng ta đã có nhiều cuộc cách mạng, cách mạng nông nghiệp - nông dân - nông thôn; sâu xa hơn là đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ 4.0…

Chàng trai người Mông thổi bài sáo truyền thống khi Thủ tướng tham quan gian hàng trà Shan tuyết cổ thụ, có nguồn gốc từ khu vực sinh sống của người Mông trên miền núi Yên Bái.

Chúng ta nhớ lại dấu ấn của một thời Việt Nam đi lên từ nền văn minh lúa nước - đó là cội nguồn văn hóa, không phải ngẫu nhiên mà biểu tượng bông lúa được chọn làm biểu tượng của các quốc gia ASEAN. Chúng ta không quên lễ hội Tịch điền vào mùa xuân; không quên lễ hội mừng cơm mới; lễ hội cầu mưa, cầu ngư… Rất nhiều lễ hội để thấy được chúng ta được bản sắc văn hóa riêng của Việt Nam gốc rễ từ văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước.

Nông nghiệp đi vào văn học nghệ thuật với những tác phẩm nổi tiếng Bài ca cây lúa; Hạt gạo làng ta… Người nông dân ngày nay sáng tạo ra các giá trị về nông nghiệp đa ngành hàng, đã nhìn thấy những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay; du lịch miệt vườn, chợ nổi Cái Răng, sen hồng Đồng Tháp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT 4 nhóm sản phẩm lớn, trong đó thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch vùng miền. Người nông dân không chỉ trồng lúa mà còn thể hiện những tri thức nông dân trong quá trình lao động sản xuất.

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế về du lịch Liên hợp quốc, có 3 làng nghề của Việt Nam được vinh danh trong tổ số 252 làng du lịch trên toàn thế giới. Đó là những làng quê đáng sống.

Tới đây, sự phối hợp giữa hai Bộ sẽ được triển khai ở nhiều nội dung, chương trình, trong đó đẩy mạnh du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Những sản phẩm du lịch đơn lẻ ở nhiều vùng miền sẽ được kết nối. Du lịch nông thôn sẽ là xu hướng phổ quát, chiếm tỷ trọng cao trong chiến lược phát triển ngành du lịch.

Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng bày tỏ cảm xúc ấn tượng với những con số, “kỳ tích” của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm qua. Theo đó, ngành nông nghiệp nổi bật với con số ấn tượng về tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng 18,7% trong bối cảnh kinh tế thế giới có đầy thách thức, cạnh tranh, xung đột, gia tăng giá logistics, năng lượng.

“Nhìn tổng con số xuất siêu là 25 tỷ USD, trong đó xuất siêu nông sản đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng xuất siêu cả nước, khẳng định sự phát triển của ngành nông nghiệp và vai trò trụ đỡ đối với ngành kinh tế, vừa là nền tảng thiết yếu cho an sinh xã hội và nguồn lực mang lại ngoại tệ cho đất nước”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Từ góc độ đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu để nâng cao vai trò, vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu. Trong quan hệ song phương, đa phương, ngành nông nghiệp là niềm tự hào của Việt Nam về tăng trưởng và phát triển.

Trong khuôn khổ G20, các quốc gia thành viên cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về bảo đảm an ninh lương thực. Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, để đạt được thành tựu này cần có nỗ lực, quyết tâm, ý chí toàn ngành, địa phương và doanh nghiệp, ngoài ra, nhấn mạnh vai trò của công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao.

“Trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao, các nội dung hợp tác về nông nghiệp, thúc đẩy mở cửa thị trường cho sản phẩm nông sản của Việt Nam, thúc đẩy hợp tác về chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ luôn được Thủ tướng quan tâm hàng đầu và tích cực thúc đẩy trong các hoạt động thời gian vừa qua”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao chia sẻ.

Năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ là ngành bị tác động đầu tiên trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng mới về bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thách thức về an ninh phi truyền thống…

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản, có kế hoạch cụ thể đưa sản phẩm vào các thị trường tiềm năng bên cạnh các thị trường lớn như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á…

Bên cạnh đó, cần thiết lập, đẩy mạnh khuôn khổ hợp tác , thúc đẩy hợp tác mở cửa thị trường, thúc đẩy nông nghiệp thông minh, xanh, tuần hoàn, với tinh thần, lợi ích hài hòa giữa các quốc gia, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau đạt được lợi ích. Ngoài ra, chỉ đạo quyết liệt, tạo ra tư duy đột phá trong xúc tiến thị trường đối với sản phẩm Halal.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cũng đề nghị hai Bộ phối hợp nhằm thúc đẩy đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu. Quảng bá, xúc tiến hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài, cần đi vào tổng thể, bài bản và tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành trong vấn đề này. Trong năm tới, bà Hằng cũng đề nghị hai bên xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm thúc đẩy ngoại giao phát triển nông nghiệp bền vững.

Tập trung tháo gỡ những mấu chốt vướng mắc

Bên cạnh những thành tích đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế. Thứ nhất, chưa phát triển ngang tầm, xứng đáng với lịch sử truyền thống văn minh, văn hóa lúa nước. Có lẽ, ngành nông nghiệp chưa phát huy hết được cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp truyền thống.

Thứ hai, việc thực hiện quy hoạch, thể chế, chính sách phục vụ phát triể nhanh, bền vững còn hạn chế.

Thứ ba, tháo gỡ "thẻ vàng" IUU chưa được thực hiện hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và PTNT và 28 tỉnh, thành phố có biển cùng chịu trách nhiệm về vấn đề này, dù Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 32, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.

Thủ tướng cho rằng, cách thực hiện có vấn đề, việc quản lý, nắm tình hình không tốt. Đây là điều không thể né tránh bởi vấn đề IUU đã tồn tại được 7 năm. Ngoài ra, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đã khắc phục và gỡ được thẻ vàng.

Từ 3 điểm tồn tại ấy, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp nhìn thẳng vào sự thật để tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là khâu làm quy hoạch, xây dựng thể chế.

Sản xuất phải gắn liền với phát triển thương hiệu

Để phát triển nông nghiệp bền vững, Thủ tướng cho rằng phải phát triển thương hiệu. Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ về câu chuyện cà phê. Dù năng suất đứng đầu thế giới, sản lượng đứng thứ nhì thế giới (chỉ sau Brazil), nhưng các sản phẩm cà phê chế biến chưa thật nhiều.

Thủ tướng trò chuyện với một chủ gian hàng nông sản.

“Tôi vừa trao đổi với lãnh đạo Brazil, người ta hỏi 2 câu, rằng sản lượng cà phê và sự ưa chuộng của người tiêu dùng với cà phê Việt Nam đang ở đâu”, Thủ tướng bày tỏ và nêu quan điểm, rằng cà phê nói riêng và nông sản nói chung cần tập trung phát triển giá trị, xây dựng thương hiệu để tìm được tổ chức trên thị trường quốc tế.

Lấy ví dụ thêm về câu chuyện quần áo. Thủ tướng nói, cùng 1 cái áo, làm với chất liệu và hoàn thiện như nhau, nhưng nếu dán nhãn Adidas, Nike, giá sẽ cao hơn khoảng 30%. Như vậy, rõ ràng câu chuyện thương hiệu là vô cùng quan trọng.

Tại Việt Nam, một số sản phẩm đã có thương hiệu, chẳng hạn như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, hoặc Viettel, MobiFone. Thủ tướng cho rằng, về cơ sở hạ tầng, tất cả cơ bản giống nhau, nhưng tại sao giá bán lại khác nhau. “Phải làm thương hiệu nào ra thương hiệu ấy, chẳng hạn như nói đến cà phê là nghĩ ngay đến Brazil”, ông nói và trăn trở rằng: “Bao giờ nhắc đến cà phê, tiêu, điều thì người tiêu dùng toàn cầu nghĩ tới Việt Nam?”.

Sau khi xây dựng thương hiệu, người đứng đầu Chính phủ nhắc phải xây dựng vùng nguyên liệu, tiếp thị sản phẩm ra thị trường, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã, bao bì. Hội tụ được những yếu tố đấy rồi, người nông dân cần quan tâm tới việc vay vốn đầu tư tại đâu.

Dẫn một loạt ví dụ trên, Thủ tướng cho rằng để phát triển nông nghiệp, xây dựng cuộc sống cho người nông dân, cần xây dựng thể chế trong không chỉ ngành nông nghiệp, mà còn là các ngành liên quan.

“Bài học kinh nghiệm ở đây là quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công phải rõ người, rõ thời gian, rõ trách nhiệm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc”, Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh thêm, công tác phối hợp giữa các lĩnh vực trong cùng ngành nông nghiệp phải chặt chẽ, có hiệu quả.

Bên cạnh đó, là sự liên kết với địa phương, trong và ngoài ngành, cũng như hợp tác quốc tế. Có như vậy mới tạo ra được sức mạnh tổng thể.

Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp hiện không còn tự cung tự cấp nữa, mà tiến dần tới xuất khẩu. Do vậy, phải đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hiểu chắc nắm rõ thông tin thị trường. Đây là bài học lớn cho ngành nông sản, nhất là những gì đã trải qua với ngành hàng gạo.

Trong năm 2023, giá gạo thế giới liên tục tăng. Thế giới khan hiếm gạo, nên một số quốc gia như Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo. Thủ tướng cho rằng, đây là một hành động đáng suy nghĩ, bởi ngay khi gặp hoàn cảnh khó khăn, họ đã nghĩ ngay đến bạn hàng thân thiết.

Trên cơ sở đó, vào lúc cao điểm xuất khẩu gạo trong năm 2024, Thủ tướng đã liên hệ với Philippines và Indonesia - những bạn hàng nhập khẩu gạo truyền thống. Hai phía đã cùng bàn bạc và tìm được tiếng nói chung về giá, số lượng. “Khi giá tăng, tránh để hưng phấn quá mà quên mất bạn hàng”, Thủ tướng chia sẻ.

Tăng tốc bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp, song ông vẫn muốn Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo ngành đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 8%, phấn đấu đạt tăng trưởng hai con số (từ 10% trở lên).

Các sản phẩm nông sản trưng bày tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành Nông nghiệp và PTNT.

Thủ tướng hoan nghênh các chỉ tiêu khác trong năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra. Có thể kể đến việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan xác định xuất khẩu đạt mức 70 tỷ USD, ít nhất 96% hộ dân nông thôn có nước sạch dùng, độ che phủ rừng đạt hơn 42%.

Một trong những kế hoạch cụ thể được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến nhiều, là “sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy”. Thủ tướng nêu nguyên tắc: “Một là, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ. Hai là, không chồng chéo”.

Thủ tướng nói, chấp nhận có sự giao thoa nhất định, song dứt khoát không được bỏ chức năng nhiệm vụ. Cán bộ phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp minh bạch, công khai, sử dụng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí cho Chính phủ. “Không cứng nhắc, phải linh hoạt. Tôi đề nghị các cấp không phải chỉ lấy số cộng cơ học, mà phải hiệu quả. Cơ cấu lại để nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường cho cơ sở”.

Nói về nguồn lực, Thủ tướng khẳng định: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy. Thành công năm 2024 của ngành nông nghiệp là minh chứng. Dù gặp phải rất nhiều khó khăn, song chúng ta đã đoàn kết, cùng nhau đạt nhiều thành công khi thay đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp”.

Thủ tướng dẫn chứng thêm, năm 1987, khi công tác trong miền Nam, cuộc sống vẫn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ngay sau khi đổi từ tư duy quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, đời sống người dân được cải thiện chỉ sau 1 năm với các chương trình khoán 10, giao đất cho nông dân chủ động hơn. “Tư tưởng chỉ đạo là người nông dân phải hạnh phúc ấm no hơn. Nông nghiệp tiên tiến hơn, nông thôn hiện đại hơn”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Giao thông  Vận tải sớm xây dựng thêm các bến thủy nội địa ở ĐBSCL, phát triển hệ thống vận tải đường thủy. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh “liên kết 5 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà băng”.

Về thị trường, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp chủ động, tích cực phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản với tinh thần đa dạng hóa. “Đề nghị ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành như công thương, ngoại giao, sang thị trường Halal bởi nơi này có 2 tỷ người tiêu dùng. Chúng ta phải có thị trường đa dạng, từ đó chủ động khi các thị trường như Mỹ hay Trung Quốc gặp trục trặc”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng Thủ tướng sản phẩm thủ công của làng đậu bạc Định Công (Hà Nội) với nội dung là chữ Nông trong câu "Dĩ nông vi bản" được Vua Lê Đại Hành nói trong dịp đến núi Đọi Sơn cày ruộng vào Tết Nguyên đán năm Đinh Hợi (987).

Năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; toàn ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai... để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CTPPP cho hàng nông sản Việt Nam./.
 
Thanh Tâm

Xem thêm

4[5] 6
Top