Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024  

Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu 16 tỷ USD

Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 | 13:40

Thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đáng chú ý là ngành hàng tôm với 4 tỷ USD; cá tra là 2 tỷ USD; các mặt hàng biển như cá ngừ, mực, bạch tuộc khoảng 4 tỷ USD.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 ngành NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, ngành NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu tăng trưởng hơn 7%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản thu về cho tỉnh 1,2 tỷ USD; riêng tôm là 1,13 tỷ USD.

Ảnh minh hoạ

Xuyên suốt trong năm 2024, tỉnh xác định trọng tâm phát triển là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất tôm - lúa gắn liền kinh tế biển và đảm bảo an ninh vùng biển.

"Sản xuất tôm - lúa đã giúp tỉnh đạt mục tiêu, năng suất 'kép', đời sống người dân cũng khá lên. Hiện nay, với tổng diện tích tôm - lúa đã vượt hơn 43.000ha, tỉnh đánh giá mô hình này rất hiệu quả. Giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu tăng diện tích sản xuất tôm - lúa lên 70.000ha", ông Thiều khẳng định.

Bên cạnh đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho ra tăng suất cao gấp 15 lần. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng 2 khu nuôi tôm an toàn sinh học, có 5 tổ chức địa phương được chứng nhận nuôi tôm hữu cơ.

Không chỉ tỉnh Bạc Liêu, ngành thủy sản đã phát triển ở nhiều địa phương tạo nên kỳ tích tăng giá trị xuất khẩu năm 2024.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 vượt mốc 10 tỷ USD. Đây là thành quả của nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT.

Ông Nam cho rằng vấn đề cốt lõi quan trọng và vấn đề nguyên liệu cho XK và tiêu dùng. "Nông-ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành, nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, còn những bất cập khác nhau. Chúng tôi đề xuất lập chợ đấu giá để ngư dân bán được hàng với giá tốt nhất, Nhà nước truy xuất được dữ liệu. Thứ hai, là soát xét, sử đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi). Thứ ba, là soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài - đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư", ông Nam nói.

VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chiến lược xây dựng mô hình các Tập đoàn/doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển - không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.

Đối với ngư dân, VASEP kiến nghị rà soát các quy định pháp luật để người dân nuôi trồng thủy sản  có thể thế chấp, có thể vay vốn ngân hàng một cách bình thường; Cấp giấy phép mặt nước cho người dân (như dạng "sổ đỏ") để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.

Tập trung cho vấn đề "con giống": kiểm tra chặt hơn việc lưu thông, tiêu thụ tôm giống kém chất lượng; còn với giống cá tra cần phải có quy hoạch cho phát triển giống & có cơ chế ưu tiên cho người làm giống, thu hút các bên tham gia; các tỉnh cần ưu tiên sử dụng các quỹ đất/mặt nước cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm cả diện tích mới và diện tích hết hạn thuê, thay vì chỉ tập trung cho du lịch, phát triển đô thị.

"Chúng tôi đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm-thủy sản như đã triển khai hiệu quả 2 năm qua sau Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với VASEP&Hiệp hội gỗ ngày 13/4/2023; đẩy mạnh bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà nông, kinh nghiệm bão số 3 vừa qua cho thấy rõ nhu cầu này", ông Nam nói.

Cuối cùng, đại diện VASEP kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và có quy chế ràng buộc các chủ thể tham gia ngành thủy sản phải quan tâm và có giải pháp kiểm soát, hạn chế và trung hòa phát thải để ngành phát triển ổn định, bền vững.

 

P.V

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top