Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 1 năm 2025  

Thực hiện tốt công tác thú y giúp người chăn nuôi có lợi về mọi mặt

Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 | 16:31

Trong chăn nuôi, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp tối ưu, quan trọng nhất. Trong an toàn sinh học thì vaccine lại đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu làm tốt công tác này thì người chăn nuôi có lợi về mọi mặt (bảo vệ đàn vật nuôi, giảm chi phí, công lao động, đảm bảo lợi nhuận…).

Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam”.

Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam” do Cục Thú y, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28/12.

Gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y

Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, vaccine thú y đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao năng suất và  đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đang bùng nổ cả về quy mô và số lượng, việc phòng ngừa dịch bệnh thông qua vaccine không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại về kinh tế bệnh dịch gây ra mà còn góp phần quan trọng giúp việc giảm sử dụng kháng sinh, từ đó ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh - một vấn đề cấp bách của ngành ý tế và thú y toàn cầu, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho hay, trong bối cảnh nhiều biến thể dịch bệnh như hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh trong chuồng trại và đàn vật nuôi phải được thực hiện một cách chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt. Vaccine là một biện pháp hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại, giúp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm (ATTP). Sử dụng vaccine không chỉ giúp giảm bệnh truyền nhiễm mà còn đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn cho vật nuôi. Nếu làm tốt công tác này thì người chăn nuôi sẽ có lợi về mọi mặt.

"Thời gian qua, nhờ sự không ngừng cải tiến và các kết quả nghiên cứu vaccine qua nhiều thế kỷ, cả con người và vật nuôi đều được hưởng lợi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an ninh lương thực thế giới. “Song hành với ngành chăn nuôi là công nghiệp vaccine”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy khẳng định.

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y; đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như: Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) năm 2012); vaccine phòng bệnh tai xanh từ năm 2015; vaccine lở mồm long móng từ năm 2018; vaccine phòng bệnh dại từ năm 2019 và gần đây nhất là vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) năm 2022.

Đặc biệt, Việt Nam đã sản xuất thành công và chính thức xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sang 5 nước, đánh dấu 1 thành tựu lớn được cả thế giới công nhận.

“Trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại”, bà Thủy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho hay, Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo các loại vaccine thú y.

Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học mới, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh an toàn và hiệu quả hơn. Từ đó, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa chi phí vaccine, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng chăn nuôi.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Cục Thú y luôn tạo điều kiện tối đa cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vaccine thú y của Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm vaccine thú y đến các nước trong khu vực và quốc tế, từ đó góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu và trách nhiệm của Việt Nam với ngành thú y của thế giới.

Doanh nghiệp mong muốn tham gia và sớm thương mại hóa sản xuất vaccine

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Hanvet, đồng tình với quan điểm, rằng Việt Nam có thế mạnh, với nhiều ưu điểm, tiềm năng về sản xuất thuốc thú y.

Theo ông Vũ, một số nước có điều kiện tương đồng đều chưa thể sánh với Việt Nam về tiềm năng sản xuất thuốc thú y. Ví dụ, Indonesia có 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y, Malaysia có 1, Thái Lan thậm chí không có nhà máy nào. “Trên thế giới có công nghệ mới nào, Hanvet đều cố gắng học hỏi, chuyển giao, sở hữu”, ông Vũ nói và cho biết thêm, công ty có thế mạnh về vaccine tai xanh (đã lưu hành khoảng 9 năm) và vaccine dại. Những năm cao điểm bán tương ứng tới 6 và 2 triệu liều.

TS Nguyễn Hữu Vũ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Hanvet cho rằng Việt Nam có thế mạnh, với nhiều ưu điểm, tiềm năng về sản xuất thuốc thú y.

Trong số này, vaccine dại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân (do hằng năm bệnh dại gây tử vong hàng chục người). Hiện Hanvet đã xuất khẩu vaccine sang nhiều nước, vùng lãnh thổ. Đa số đánh giá cao về giá bán, chất lượng vaccine của Hanvet.

Tại diễn đàn, ông Vũ trăn trở với vấn đề, là tại sao vaccine trên đàn vật nuôi vẫn chưa được sử dụng nhiều. Nguyên nhân, theo người đứng đầu Hanvet, nằm ở chỗ thương hiệu, trình độ sản xuất, kiểm soát chất lượng còn hạn chế.

“Tự nhận xét, chất lượng vaccine của Hanvet có lẽ chỉ khoảng 80% so với nước ngoài”, chủ doanh nghiệp vaccine bày tỏ và thừa nhận, độ phủ của vaccine của Việt Nam còn tương đối thấp.

Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cũng cho rằng, trong chăn nuôi, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp tối ưu, quan trọng nhất. Trong an toàn sinh học thì vaccine lại đóng vai trò quan trọng nhất. Nếu làm tốt công tác này thì người chăn nuôi có lợi về mọi mặt (bảo vệ đàn vật nuôi, giảm chi phí, công lao động, đảm bảo lợi nhuận…).

Một thực tế đang đặt ra là muốn phòng bệnh tốt thì vaccine phải tốt. Vaccine tốt thì giá thành lại cao. Điều này đang là một khó khăn cần phải nghiên cứu tháo gỡ để đưa nhanh những vaccine chất lượng vào sản xuất. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh thuốc, vaccine thú y. Đặc biệt, sẽ hoàn tất những khâu cuối cùng để có thể công bố lưu hành thương mại vaccine dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian gần nhất.

Ông Học cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, đơn vị tham gia mảng thuốc, vaccine thú y tại Việt Nam tăng cường phối hợp để phát triển nghiên cứu, sản xuất để huy động tốt nhất các nguồn lực tạo ra sản phẩm vaccine mới, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng.

Hơn 500 loại vaccine phòng bệnh trên gia súc, gia cầm

Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y), thông tin, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy (VAKSINDO, HANVET, NAVETCO, DABACO…). Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ II trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

Gà thả vườn phát triển khỏe mạnh sau khi tiêm phòng vaccine đầy đủ.

Về tình hình cung ứng vaccine và giám sát chất lượng vaccine thú y, hiện tại cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vaccine và 340 loại vaccine nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước.

Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y của Việt Nam không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ với các nước hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Mỹ... với những công nghệ tiến nhất; các nhà khoa học, tổ chức như FAO, WOAH, đối tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, CDC, các Phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế đối với các bệnh nguy hiểm trên động vật như cúm gia cầm , lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, dại).

Trong nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y triển khai các giám sát virus gây bệnh, phân tích đặc tính, giải trình tự gen của các chủng virus lưu hành, chia sẻ kết quả, lựa chọn chủng giống thực địa cho công tác đánh giá hiệu lực vaccine hiện hành…

Riêng vaccine dịch tả lợn châu Phi, đến nay các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5,9 triệu liều. Trong đó, Công ty Navetco sản xuất 2,2 triệu liều (cung ứng trong nước gần 700.000 liều, xuất khẩu 7.000 liều); trong kho còn hơn 300.000 liều và dự kiến sản xuất khoảng 150.000 liều trong thời gian tới. Công ty AVAC sản xuất trên 3,7 triệu liều (cung ứng trong nước hơn 2,9 triệu liều, xuất khẩu trên 460.000 liều); trong kho còn khoảng 33.000 liều và đang dự kiến sản xuất 150.000 liều.

Về kết quả kiểm tra Nhà nước về vaccine thú y nhập khẩu: năm 2024 tiến hành kiểm tra 714 mẫu vaccine, 100% các mẫu vaccine kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát.

Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam.

Ông Long cũng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác. Cục trưởng Cục Thú y cho rằng đã có sự phát triển đáng kể trong hợp tác khoa học công nghệ và công nghệ sản xuất vaccine của Việt Nam đã tiếp cận trình độ thế giới.

Cập nhật về tình hình dịch bệnh và công tác tiêm phòng vaccine, ông Nguyễn Văn Long cho biết, cúm gia cầm năm nay đã có 16 ổ dịch, giảm 30% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu.

Về bệnh dại, Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng ba tháng đầu năm nay, 27 người chết vì dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổn thất kinh tế do bệnh dại gây ra đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý đàn chó chưa tốt và việc kiểm soát bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hiện nay mới chỉ đạt 60%.

Bệnh lở mồm long móng, một trong những bệnh nguy hiểm đối với chăn nuôi gia súc, đang có xu hướng gia tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh này hiện nay đã tăng gấp ba lần so với trước đây.

Việc tăng thị phần vaccine nội còn giúp người chăn nuôi nông hộ có thêm “lá chắn” cho chăn nuôi, hướng đến phát triển chăn nuôi xanh, bền vững.

Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vaccine (34 triệu liều) vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, đánh giá, thời gian qua với sự vào cuộc đồng bộ từ của các cơ quan chuyên môn, hiệp hội, doanh nghiệp… công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vaccine được đảm bảo; góp phần không nhỏ quyết định đến việc kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập người dân. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới Hiệp hội tiếp tục phối hợp với Cục Thú y và các doanh nghiệp để phát triển các loại vaccine thú y mới có hiệu lực, hiệu quả.

Cục trưởng Cục Thú y khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ông cũng khẳng định, việc sử dụng vaccine là vô cùng quan trọng và cần thiết trong việc kiểm soát dịch bệnh. Việc tăng thị phần vaccine nội còn giúp người chăn nuôi nông hộ có thêm “lá chắn” cho chăn nuôi, hướng đến phát triển chăn nuôi xanh, bền vững.

Tình hình sản xuất, nhập khẩu một số vaccine quan trọng năm 2024: vaccine phòng bệnh cúm gia cầm 739 triệu liều (sản xuất 191 triệu liều; nhập khẩu 548 triệu liều). Vaccine phòng bệnh lở mồm long móng hơn 46 triệu liều (sản xuất 1,4 triệu liều; nhập khẩu 45 triệu liều). Vaccine phòng bệnh dại hơn 5 triệu liều (sản xuất 1,6 triệu liều; nhập khẩu 3,7 triệu liều). Vaccine phòng bệnh tai xanh hơn 34 triệu liều (sản xuất 3,5 triệu liều; nhập khẩu 31 triệu liều). Vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục gần 2 triệu liều (sản xuất 115.000 liều; nhập khẩu 1,8 triệu liều)./.

 

Thanh Tâm

Xem thêm

4[5] 6
Top