Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 1 năm 2025  

Sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Chủ nhật, ngày 29 tháng 12 năm 2024 | 19:45

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực.

Theo đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. 

Bộ NN-PTNT đã xây dựng các đề án liên quan như phát triển cây ăn quả chủ lực, phát triển một số loại cây như cây có múi phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, đa số những chương trình, đề án này đều tập trung phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ đối tượng sản xuất là người nông dân, HTX. Trong khi đó, đối tượng xuất khẩu là trái cây, lại chưa thực sự có một kế hoạch tầm quốc gia nào.

Đã có một số tiêu chuẩn chung về rau quả, chẳng hạn như độ ẩm, sự trầy xước, sượng, tổn thương do lạnh.. nhưng hầu hết những tiêu chuẩn này chưa được xây dựng hoàn chỉnh cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giá trị xuất khẩu lớn, chẳng hạn sầu riêng, thanh long, chuối...

Sầu riêng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam

Đưa ra ví dụ từ trái sầu riêng, ông Bình chia sẻ, quy cách thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch cũng như vận chuyển, chế biến đòi hỏi một quy trình nghiêm ngặt. Nếu không có tiêu chuẩn cụ thể, người nông dân có thể vô tình làm giảm chất lượng sản phẩm, nếu lớp vỏ (biểu bì) bị trầy xước, khiến thời gian bảo quản giảm.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và Miền núi phía Bắc là 2 vùng trồng cây ăn quả lớn của cả nước. Thêm vào đó, Tây Nguyên cũng đang tăng nhanh diện tích cây ăn quả.

Do trồng tại nhiều vùng sinh thái khác nhau, chất lượng sản phẩm cuối cũng có thể khác nhau. Điều này giúp đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường nhưng cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát chất lượng, theo ông Bình.

Chính vì vậy, ông Bình tin rằng, tiêu chuẩn về chất lượng rau quả sẽ giúp các bên có một "cơ sở" để cùng sản xuất, thu hoạch, chế biến. Đây cũng là tiền đề giúp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao... tự tin tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, đồng thời hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ có những chế tài  chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

Chia sẻ thêm về rau quả, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… và đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới.

Đánh giá về năm 2025, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả nhận định, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn.

Để xuất khẩu bền vững hơn, ông Bình cho rằng, cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp. “Đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông nhấn mạnh.

 

Thanh Xuân

Xem thêm

4[5] 6
Top