Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 1 năm 2025  

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Thứ ba, ngày 31 tháng 12 năm 2024 | 8:51

Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tham dự Hội nghị, còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban... 

Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các nông dân tiêu biểu với dự kiến khoảng 4.000 đại biểu.

Các đồng chí lãnh đạo điều hành phiên đối thoại:

- Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.

- Đồng chí Mai Văn Chính - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

- Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

- Đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên BCH Trung Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

- Đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

TỔNG THUẬT: THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN- Ảnh 2.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị đối thoại với nông dân - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là Diễn đàn để Thủ tướng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua 5 lần tổ chức Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo bà con nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân cũng đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân.

Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với đô thị; có đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; có môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể khẳng định rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Hội nghị đối thoại được tổ chức hôm nay càng ý nghĩa hơn trong khi năm qua đầy khó khăn, biến động của tình hình thế giới, thiên tai nặng nề trong nước nhưng dưới sự lãnh đạo Bộ Chính trị sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vượt xa so với mục tiêu.

Tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như: chuyên mục "Lắng nghe nông dân", qua báo cáo của các tỉnh, thành Hội… thì trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua để lắng nghe ý kiến trực tiếp của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước. Thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay mà như Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải hình thành được gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên tham gia.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cuối cùng là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh cả nước bước vào năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra để đưa đất nước ta bắt đầu bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

Chinhphu.vn

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top