Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 1 năm 2025  

Sơn La phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, ngày 31 tháng 12 năm 2024 | 10:20

Phát triển nông nghiệp theo hướng điện đại, bền vững, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro.

Mô hình nông nghiệp hiệu quả

Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp, thành phố Sơn La tập trung khuyến khích nông dân triển khai, tham gia các mô hình kinh tế có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ việc lựa chọn giống cây trồng mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đến thực hành nông nghiệp tốt và phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình canh tác cà phê thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu tại xã Hua La, Thành phố.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường, Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo nghiệm, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất đại trà. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trình diễn để nhân dân học tập, áp dụng. Khuyến khích thành lập hợp tác xã, thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích nhân dân chuyển từ cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương, nông nghiệp hữu cơ cho hàng nghìn lượt nông dân; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 6 doanh nghiệp, HTX; hỗ trợ 5 HTX xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ chuẩn hóa phát triển mới 10 sản phẩm OCOP; hỗ trợ cấp 5 mã số vùng trồng cho các nông sản chủ lực xoài, cà phê, mận; duy trì, phát triển 16 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn. Đồng thời, hướng dẫn 12 doanh nghiệp, HTX lập hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La”, “Xoài Sơn La”, “Nhãn Sơn La”, “Thanh long Sơn La”, “Bơ Sơn La”, “Rau an toàn Sơn La”,...

Phong trào “Mỗi bản một mô hình kinh tế” được phát động rộng rãi, với 67 mô hình sản xuất nông nghiệp, 19/67 mô hình được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao, nâng thu thu nhập bình quân đạt hơn 100 triệu đồng/năm/mô hình. Xây dựng 3 mô hình nông nghiệp điểm, gồm: Mô hình cải tạo thâm canh Cam Quýt, xã Chiềng Cọ; sản xuất mận theo hướng hữu cơ, xã Chiềng Đen; sản xuất xoài theo hướng VietGap, xã Chiềng Ngần.

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, triển khai các mô hình trồng dứa tại phường Chiềng An, trồng thâm canh thanh long ruột đỏ tại phường Chiềng Sinh, thâm canh và cải tạo 5 ha mận tại xã Chiềng Cọ, cùng mô hình canh tác cà phê thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ tưới phun tự động của HTX nông nghiệp hữu cơ bản Sẳng, xã Chiềng Xôm; trồng xoài VietGAP tại bản Pát, xã Chiềng Ngần; cam, quýt tại HTX Bom Sen, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ...

Tiêu biểu, mô hình cải tạo, chăm sóc mận hậu theo hướng hữu cơ tiêu chuẩn VietGAP tại xã Chiềng Cọ do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với thành phố xây dựng và nhân rộng. Đến nay, mô hình có 13 hộ tham gia với diện tích 5 ha. Anh Lèo Văn Thiết, bản Dầu, xã Chiềng Cọ, chia sẻ: Từ khi áp dụng kỹ thuật VietGAP vào chăm sóc, vườn mận cho quả to đều, năng suất tăng gấp đôi. Vụ mận năm 2024, với 0,3 ha đất trồng mận, gia đình thu hoạch 8 tấn quả, doanh thu trên 120 triệu đồng. Không chỉ các hộ được hỗ trợ trực tiếp mà nhiều hộ khác trong xã cũng chủ động chuyển đổi sang trồng mận theo hướng hữu cơ, nâng tổng diện tích lên 22 ha.

Mô hình cải tạo mận hậu theo hướng hữu cơ tại bản Dầu, xã Chiềng Cọ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, thành phố Sơn La có trên 1.530 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 1.330 ha cà phê được cấp chứng nhận 4C, UTZ, RA; có 6 mã số vùng trồng cây ăn quả; xây dựng, duy trì 16 chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn; xây dựng 20 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và 9 sản phẩm 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.

Phát huy hiệu quả các mô hình nông nghiệp, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần hình thành các mô hình kinh tế mới, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất giữa hộ, HTX, doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung, hiệu quả.

Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Tỉnh Sơn La có trên 1 triệu ha đất nông nghiệp, việc canh tác còn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Riêng năm 2024, thiên tai làm thiệt hại gần 3.440 ha lúa; trên 1.100 ha rau màu, hoa màu; trên 3.600 ha cây trồng hằng năm, lâu năm; trên 4.500 ha cây ăn quả.

Nông dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu chăm sóc cây ăn quả.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh đã tập trung thay đổi tư duy sản xuất, từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học kỹ thuật. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp để thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai, như việc đưa vào sản xuất các bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng; xây dựng các mô hình ứng dụng dịch hại tổng hợp; mô hình tái canh cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường…

Góp phần vào việc hình thành nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) triển khai Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” (Dự án), xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết thúc giai đoạn 1, Dự án đã tổ chức 67 lớp tập huấn hiện trường cho trên 2.000 lượt người dân và xây dựng 51 mô hình về canh tác lúa, cà phê, khoai sọ tại 4 xã Nậm Lầu, Chiềng Pha, Muổi Nọi, Bon Phặng, huyện Thuận Châu.

Tham gia Dự án, đã giúp các hộ thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, trong canh tác lúa giảm được 60-80% lượng giống; giảm 10-20% lượng phân bón hóa học; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với canh tác truyền thống; biết cách bón phân vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây và tác dụng của từng loại phân bón đối với cây trồng; nông dân nhận biết các loại sinh vật hại lúa, cà phê, khoai sọ và cách phòng trừ; chủ động canh tác, thích ứng với biến đổi khí hậu, như hạn hán, mưa lũ. Tận dụng nguồn rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp vào sản xuất, giảm bớt khí phát thải vào môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao thu nhập.

Giai đoạn 2 của Dự án tiếp tục được triển khai địa bàn 5 xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Nậm Lầu, Chiềng Pha, Phổng Lập, huyện Thuận Châu từ tháng 8/2024 đến tháng 12/2026, với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng trong khu vực triển khai dự án giảm nghèo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đến nay, Dự án đã tổ chức 5 chuyến tham quan các mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại huyện Mai Sơn và Yên Châu; tập huấn kiến thức chung về kinh tế, nông nghiệp tuần hoàn; kỹ thuật làm men vi sinh gốc để chủ động xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt; tập huấn về đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; thành lập các tổ hợp tác sản xuất và khảo sát thực trạng hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tại các gia đình đăng ký tham gia tổ hợp tác thuộc 5 xã vùng dự án, có khoảng 28.500 người dân từ các xã của dự án và các vùng lân cận được hưởng lợi từ dự án. Sau các chuyến tham quan, các lớp tập huấn về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, có hơn 200 hộ gia đình tại 5 xã trong vùng dự án được hỗ trợ xi măng xây bể ủ phân chuồng hữu cơ; 100 hộ tự làm men vi sinh gốc, phục vụ quá trình xử lý phân thải, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Hướng tới nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình canh tác nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình canh tác theo phương pháp bền vững, đảm bảo sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Theo baosonla.vn

 

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top