Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 1 năm 2025  

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung 9 vấn đề quan trọng, hướng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 100 tỷ USD

Thứ ba, ngày 31 tháng 12 năm 2024 | 14:55

Chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới và thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thủ tướng chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.​

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới". Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, của nông dân với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.

Khẳng định vị thế nông nghiệp trong kỷ nguyên mới

Với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, các hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.

Nhân dịp cuối năm 2024 và chào đón năm mới 2025, Thủ tướng gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước.

Đánh gia cao chủ đề đối thoại cho thấy tinh thần, khí thế của Hội Nông dân trong năm nay, Thủ tướng đề nghị các đại biểu bám sát chủ đề để phát biểu, chia sẻ, cùng cầu thị lắng nghe, chung tay, chung sức đồng lòng để phát triển đất nước.

Theo Thủ tướng, điều này cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ kiến tạo phát triển, tăng cường lắng nghe để hoạch định và thực thi chính sách, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn và thuận lợi, phát huy truyền thống tốt đẹp, hiệu quả tích cực trong những năm qua.

Hiện, chúng ta đang rà soát việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những mục tiêu đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng, hiệu quả; những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì cần nỗ lực hơn, có giải pháp phù hợp.

Chúng ta cũng đang sắp xếp bộ máy theo tinh, gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, với khí thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng.

Trong bối cảnh đất nước đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực năm 2024, năm 2025 cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới; phải nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan.

2025 cũng là năm phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nỗ lực của người nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao đặt câu hỏi tại Hội nghị đối thoại.

Với khoảng 4.500 đại biểu, trong đó khoảng 2.000 bà con nông dân, hợp tác xã dự đối thoại, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tri ân, tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025. Trong đó, chia sẻ về những ấn tượng, cảm xúc về những thành quả của năm 2024; những trăn trở, băn khoăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý; với tình cảm ấm áp, chân thành, cùng nhau xây dựng đất nước, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nỗ lực khắc phục hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu

Tại buổi đối thoại, nhiều nông dân đặt vấn đề liên quan đến chế biến nông sản sâu để xuất khẩu mang lại giá trị cũng như xây dựng thương hiệu, nâng tầm nông sản Việt. Cụ thể như, nông dân Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La hỏi: Hiện có một thực tế là, hầu hết hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu tập trung chủ yếu dưới dạng thô, hoặc chỉ qua sơ chế, chưa có các sản phẩm chế biến sâu, có thương hiệu nên giá trị chưa cao. Chẳng hạn như cà phê, người nông dân chỉ mới bán sản phẩm ở dạng nhân, tiền thu về chỉ được một phần, còn hai phần rơi vào các nhà rang xay, chế biến và thương mại. Vậy xin hỏi, Chính phủ sẽ có giải pháp, chính sách gì để "nâng tầm nông sản Việt" một cách đồng bộ, nhất là việc tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt hướng đến mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai không xa?

Hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu phải nỗ lực hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí cho rằng, chế biến sâu cho nông nghiệp chưa được đầu tư mạnh; Nhà nước cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn. Theo Thủ tướng, muốn phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải làm mấy việc, mà trước hết là phải xây dựng thương hiệu, việc này Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan truyền thông và cả người nông dân phải tham gia.

Thứ hai, song song với đó phải đầu tư chế biến sâu. Muốn vậy, phải nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải mang cái người ta cần chứ không phải mang cái mình có. Việc này Chính phủ, các bộ ngành, cấp ủy, chính uyền, doanh nghiệp phải làm, định hướng cho người nông dân.

Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan đẩy mạnh tìm hiểu, dự báo thị trường, kết nối thị trường. Ví dụ chúng ta đang có mấy mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, gạo, cá tra, cà phê… thì phải dự báo thị trường để có chính sách điều tiết, xác định các mặt hàng cần tập trung phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai khâu yếu là nghiên cứu thị trường và chế biến sâu phải nỗ lực hơn. Phải có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, như chính sách đất đai, thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng, đào tạo nhân lực…

Cùng với đó, đẩy mạnh xâu chuỗi, liên kết phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, các hợp tác xã; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.

Như vậy, phải xây dựng thương hiệu, tìm hiểu, dự báo thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng mẫu mã, bao bì, có nguồn vốn với chính sách tín dụng rất linh hoạt từ ngân hàng… Khi tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, khi nhiệm vụ thay đổi thì chính sách phải thay đổi, Nhà nước phải xây dựng chính sách nhưng người nông dân phải góp ý, đồng thời Nhà nước xây dựng hạ tầng chiến lược…

Về đầu tư, trong đó có đầu tư cho nông nghiệp, do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư.

Tăng đầu tư gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn không có nghĩa là chỉ có đầu tư nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Đảng, Nhà nước xác định thể chế là đột phá của đột phá, trong đó phải sửa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương tức đối tác công tư, dứt khoát cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Chia sẻ thêm về phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, Thủ tướng cho biết đây là xu thế, như các nước châu Âu đã yêu cầu các tiêu chuẩn sản xuất xanh với các sản phẩm nhập khẩu, các doanh nghiệp và người nông dân cũng phải nâng cao ý thức để thực hiện.

Nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái

Thủ tướng cho biết chúng ta đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Điều này đòi hỏi thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp và người nông dân.

Theo đó, nông nghiệp không thể đứng một mình mà phải có cả hệ sinh thái gồm các ngành nghề khác để cùng phát triển. Ví dụ, cần công nghiệp để công nghiệp hóa nông thôn; nông nghiệp cần doanh nghiệp và các ngành khác cũng cần nông nghiệp. Các ngành, các nghề phải hỗ trợ, hợp tác để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 

Để phát triển hệ sinh thái này thì có rất nhiều việc phải làm, như phải tích tụ đất đai như nào để có diện tích đủ lớn; ứng dụng khoa học công nghệ, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động; có cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế… Như để phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải thì phải có hỗ trợ về vốn, thị trường, ưu tiên các giống cây trồng, vật nuôi mới.

Thủ tướng đặt vấn đề: Vừa qua chúng ta đã có các chính sách nhưng đã đủ mạnh chưa, cấp ủy, chính quyền phải bám sát để biết chính sách đã đi vào thực tế chưa, người nông dân phải tham gia kiểm chứng xem chính sách thực hiện thế nào trong thực tiễn.

Thủ tướng lấy ví dụ trong năm 2024, các gói tín dụng cho thủy sản, gỗ đã được triển khai rất tốt; ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, bảo hiểm với nông nghiệp – lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất do bão.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo thị trường, công tác quy hoạch để phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, từng ngành và tăng cường liên kết vùng, ví dụ quy hoạch vùng nguyên liệu, khu vực nào tốt nhất cho lúa, cho cây ăn quả, ngô khoai sắn… từ đó tạo ra sự cộng hưởng phát triển.

Tập trung 9 vấn đề quan trọng 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá buổi đối thoại đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí với tình cảm dành cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Thủ tướng cho biết năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới.

Trong thành tựu chung của cả nước, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, người nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 (đạt kỷ lục); thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.

Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng ta không chỉ làm đủ ăn mà còn đạt thặng dư cao, xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về 5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp vẫn phát huy vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế.

Những thành tựu, kết quả này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh – đây là khát vọng rất lớn, là tinh thần tự hào dân tộc mà chúng ta phải thực hiện, khó mấy cũng phải làm.

"Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới", Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, của nông dân với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.

Thủ tướng nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng lấy ví dụ, việc tháo gỡ cơ chế, chính sách với khoán 10, khoán 100 trước đây đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tỷ lệ hộ nghèo từ 67% đến nay chỉ còn 1,93%. Điều này cho thấy nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân.

Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.

Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Vấn đề thứ ba là đất đai. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.

Vấn đề thứ tư là vốn và bảo hiểm. Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Vấn đề thứ năm là thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp nữa thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.

"Để du khách mua sản phẩm thì bao bì, đóng gói sản phẩm đó phải đi máy bay cũng được, tàu hòa cũng được, tàu biển cũng được, đi bộ cũng được…", Thủ tướng lấy ví dụ.

Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã… "Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất", Thủ tướng nói.

Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn, ly nông mà không ly hương.

Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. "Vẫn là bài hát Trống Cơm, vẫn là chèo, là tuồng, nhưng nếu đổi mới sáng tạo, có đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để thổi hồn vào từng làn điệu thì sẽ khác, sẽ trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình, phải quốc tế các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.

Thứ chín, hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển.

Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung thúc đẩy 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Theo đó, xây dựng thể chế thông thoáng, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm chi phí tuân thủ, giảm cơ chế xin cho, giảm phiền hà, sách nhiễu, huy động mọi nguồn lực cho phát triển; xây dựng hạ tầng chiến lược (về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục và thể thao…) để giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, giảm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và doanh nghiệp; đào tạo nhân lực và chuyển dịch lao động, nâng cao tay nghề, tri thức, trình độ kỹ năng của người nông dân.

Đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe với nông dân, Thủ tướng kêu gọi dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất – đây là điểm tựa tinh thần của dân tộc ta, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới./.

Thanh Tâm (t/h)

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top