Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 7 tháng 1 năm 2025  

Thủ tướng: Huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng

Thứ ba, ngày 31 tháng 12 năm 2024 | 21:22

Chiều 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố.

Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025 trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương tham gia phát biểu, thảo luận xung quanh các kết quả đạt được, đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính trong năm 2025.

Theo báo cáo, thu ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán.

Trong khi đó, ước tính đến hết tháng 12, tổng số miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân ước khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu năm 2024), trong đó số miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng: Huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng- Ảnh 2.

 

Thủ tướng nhấn mạnh thêm những kết quả nổi bật của ngành tài chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ngành tài chính đã cơ bản hoàn thành các mặt công tác năm 2024, nhất là hoàn thành xuất sắc công tác thu chi, tăng thu, tiết kiệm chi.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của cả ngành tài chính và của toàn thể công chức, viên chức, lãnh đạo ngành tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.

Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của năm 2024, toàn ngành tài chính đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về điều hành, quản lý tài chính-ngân sách nhà nước, các chính sách giảm thuế, phí và tiền thuê đất hỗ trợ, tháo gỡ sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh thêm những kết quả nổi bật của ngành tài chính. 

Theo đó, ngành tài chính đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là trình Quốc hội một luật sửa 9 luật, trình Chính phủ ban hành 23 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 86 thông tư hướng dẫn.

Kết quả thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch khoảng 19-20%, tăng thu đạt ít nhất 300 nghìn tỷ đồng; đồng thời tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngay từ đầu năm và gần đây Thủ tướng chỉ đạo tiết kiệm thêm 5% để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025.

Thủ tướng: Huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng- Ảnh 3.

 

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của cả ngành tài chính và của toàn thể công chức, viên chức, lãnh đạo ngành tài chính - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bội chi trong giới hạn cho phép, đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP…

Phát huy vai trò tích cực của chính sách tài khóa, nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, với tổng quy mô các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng.

Điều hành giá cả, thị trường bám sát tình hình thực tế; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm... Vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa ngành tài chính, xây dựng hải quan thông minh… Năm 2024 là năm thứ 10 liên tiếp Bộ Tài chính nằm trong tốp đầu 3 bộ, cơ quan dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính.

Cùng với đó, tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tổ chức lại các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước…; năm 2024 giảm 679 biên chế so với năm 2023.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, như công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần nhanh hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến, trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục còn rườm rà, cần mạnh dạn cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; quy định về tài sản công vẫn còn những điểm nghẽn để phát huy tối đa các nguồn lực.

Thủ tướng: Huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng- Ảnh 4.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực trên 4 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm…

Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng đúc rút từ thực tiễn của ngành tài chính:

Thứ nhất, luôn đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, trong ấm ngoài êm, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt để huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước.

Thứ hai, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua giới hạn của bản thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, nói đi đôi với làm để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho, thủ tục hành chính rườm rà, giảm phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp…

Thống nhất, đồng thuận khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Thủ tướng cho biết năm 2025, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức trong khi nhiệm vụ nặng nề hơn, chúng ta vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; vừa sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước; chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

 
 

Thủ tướng: Huy động mọi nguồn lực tài chính cho phát triển đất nước, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng- Ảnh 5.

 

Thủ tướng và các đại biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp của ngành tài chính đã đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. 

Thứ nhất, tập trung cao độ cho công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Trong đó, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp nhất, phải quyết liệt triển khai với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước, chứng khoán, trái phiếu... để huy động nguồn lực phát triển với quan điểm thể chế là đột phá của đột phá, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển, nhất là xây dựng, hoàn thiện Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư, đấu thầu…

Thủ tướng lấy ví dụ, có những dự án cần chỉ định thầu đi đôi với yêu cầu bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án, đồng thời không đội vốn. Các thủ tục phải được tiến hành nhanh chóng hơn, nếu đấu thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch, thực sự hiệu quả, không hình thức.

Thứ ba, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, chọn việc hiệu quả nhất để làm.

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời, 

Thứ năm, quản lý điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng thu, tiết kiệm chi để tập trung cho đầu tư phát triển, cho một số dự án lớn mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.

Thứ sáu, tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm; tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp. Tính toán, tham mưu việc phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả.

Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.

Thứ tám, quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; dứt khoát số hóa việc thu chi ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế.

Thứ chín, chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá diễn biến cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp; tăng cường hợp tác tài chính tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, G20...

Khái quát các nhóm nhiệm vụ, Thủ tướng nêu rõ: Năm 2025, ngành tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tích cực tăng thu, tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các dự án hạ tầng chiến lược như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, đường sắt kết nối quốc tế, các dự án năng lượng; kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, bảo đảm chi cho các nhiệm vụ lớn như quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm an ninh tài chính, an ninh tiền tệ quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tư tưởng phải thông và giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tạo đồng thuận khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, mặc dù khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể Lãnh đạo, công chức, viên chức, ngành tài chính sẽ tiếp tục kế thừa các kết quả đạt được các năm trước, luôn đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo để khắc phục mọi khó khăn, hạn chế, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2025, đạt thành quả năm sau cao hơn năm trước, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước và tạo điều kiện thuận lợi để đạt các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và bước vào giai đoạn 2026-2030 với thế và lực mạnh mẽ hơn, tự tin bước vào kỷ nguyên mới.

 

 

Theo baochinhphu.vn

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top