Nguồn cung thịt gia cầm và trứng dồi dào, phong phú. Ảnh: Hương Giang
Chăn nuôi “đón sóng” thị trường cuối năm
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tăng cao. Nắm bắt được điều này, các hộ chăn nuôi, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, chuẩn bị cung cấp nguồn cung thực phẩm lớn cho thị trường cuối năm.
Xác định dịp cuối năm nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao và đây cũng là đợt tiêu thụ lớn nhất trong năm, nên ngay từ đầu tháng 9-2025, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) đã tập trung tái đàn và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đàn lợn phát triển nhanh, khỏe, hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ Nguyễn Hưng Thỉnh, hiện hợp tác xã đang nuôi khoảng 200 con lợn, trong đó có 100 con đang chuẩn bị xuất chuồng. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 10 con (tương đương 1,3-1,4 tấn/ngày) với giá 65.000 đồng/kg. Dự kiến, trong tháng Chạp, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, hợp tác xã cung cấp khoảng 20 con lợn/ngày (tương đương 2,6-2,8 tấn/ngày). Đây là thời điểm thuận lợi cho người chăn nuôi đầu tư, vì thức ăn chăn nuôi đã giảm khoảng 20% so với thời điểm giá tăng cao. Nếu thị trường lợn hơi tiếp tục ổn định ở mức cao như hiện nay, thì người chăn nuôi yên tâm đầu tư.
Hiện, Hà Nội cơ bản đáp ứng được nhu cầu về thịt lợn, gia cầm và các loại thực phẩm khác của người dân. Đối với sản phẩm thịt bò, do chưa bảo đảm đủ nguồn cung tiêu dùng, nên Hà Nội đã chủ động ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố để cung ứng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân Hà Nội, không để thiếu hụt thực phẩm trong dịp Tết.
Tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico) thường xuyên nuôi khoảng 10 vạn con gà Mía sinh sản. Hằng năm, xí nghiệp cung cấp khoảng 1 triệu con giống gà bố mẹ 1 ngày tuổi và khoảng 3 triệu con gà thương phẩm Mía cho các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố, như: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh... Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Duy Vụ thông tin, dịp Tết Nguyên đán này, xí nghiệp cung cấp cho thị trường khoảng 2,3 triệu con gà Mía thương phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không lo thiếu hụt sản phẩm gia cầm.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 2, 3 xảy ra vào tháng 9 và tháng 10-2024, song với nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Nông nghiệp cùng sự chủ động của người dân, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hiện tại, chăn nuôi trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, đàn trâu hiện có 29,5 nghìn con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 124,7 nghìn con, giảm 2,3%. Chăn nuôi lợn tiếp tục có xu hướng tăng đàn, số lượng lợn hiện có ước đạt 1,47 triệu con, tăng 0,1% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 42,4 triệu con, tăng 1,1% (đàn gà 28,4 triệu con, tăng 1,5%).
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với gần 10 triệu dân cư trú thường xuyên cùng hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh sức tiêu thụ dịp cuối năm có thể tăng 20-30%, Hà Nội đã chủ động chuẩn bị nguồn nông sản, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.
Bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa gắn với bình ổn thị trường, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách khuyến khích tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp này.
Các địa phương khuyến kích các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân.
Theo dự kiến, tổng giá trị hàng hóa dự trữ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán năm nay gần 3.000 tỷ đồng. Số lượng một số mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng chủ yếu chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân dịp Tết gồm: 1.500 tấn gạo, đỗ các loại; 2.350 tấn bánh, kẹo, đường, mứt, cà phê, chè; 2.157 tấn dầu ăn, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 12.119 tấn thịt, rau, củ quả; 93.000m3 xăng dầu và các hàng hóa khác. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng phương thức mới để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh cũng tập trung đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và năng lực sản xuất, kinh doanh của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa; dự kiến tăng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.
Thực hiện kế hoạch của Bộ Công Thương về việc triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, UBND tỉnh giao Sở Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, tập trung vào các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, chế biến, nông sản; các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân như: Điện, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng…, bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa, có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu và mặt hàng thịt lợn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu, Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với các huyện, thành phố và địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2025, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với đó, vận động, khuyến kích các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân, chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, truyền thông để thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm của Nhà nước; các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án dự trữ bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường.
An toàn thực phẩm phải đặt lên hàng đầu
Hình ảnh người dân khắp nơi nhộn nhịp sắm sửa Tết từ lúc này là một tín hiệu đáng mừng cho thấy đời sống kinh tế dần khởi sắc sau những khó khăn.
Theo ghi nhận, sức mua tại các chợ dân sinh, siêu thị, và trung tâm thương mại đang tăng dần. Điều này cho thấy người dân đã bắt đầu chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng, đầy đủ hơn.
Ngoài giá cả, an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh kinh tế từng chịu nhiều tác động tiêu cực, việc người dân sẵn sàng chi tiêu hơn cho dịp lễ hội là dấu hiệu đáng khích lệ, phản ánh sự phục hồi nhất định của thu nhập và niềm tin vào tương lai kinh tế.
Các doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc khi tăng cường nguồn cung, triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi và chuẩn bị hàng hóa đa dạng. Điều này góp phần không nhỏ giúp thị trường giữ được sự ổn định, tránh những biến động về giá cả.
Người dân cũng phần nào an tâm khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã kịp thời ban hành Chỉ thị yêu cầu các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá cả và đây là động thái cần thiết.
Tuy nhiên, ngoài giá cả, an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu. Thời gian gần đây, các vụ phát hiện thực phẩm chứa hóa chất độc hại như giá đỗ ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine ở Huế, Đắk Lắk, hay chả chứa hàn the ở Đà Nẵng đã dấy lên hồi chuông báo động. Những hành vi này không chỉ là phi đạo đức mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Dịp Tết, khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, thực phẩm bẩn càng có nguy cơ trà trộn vào thị trường. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, những món ăn ngày Tết có thể trở thành mối nguy hại cho sức khỏe, dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc các bệnh lý nghiêm trọng về lâu dài.
Người dân có quyền tận hưởng một cái Tết an lành, không chỉ về mặt tinh thần mà cả về sức khỏe. Điều đó đòi hỏi sự quyết liệt từ các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn.
Các đợt "ra quân" kiểm tra cần được thực hiện đồng bộ, không chỉ tập trung vào các chợ đầu mối mà cả hệ thống siêu thị và các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc chọn mua thực phẩm an toàn. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá rẻ bất thường cần được loại bỏ khỏi giỏ hàng Tết.
Tết là dịp để sum vầy, để chia sẻ niềm vui, nhưng trên hết phải an toàn. Sự nhộn nhịp trong mua sắm Tết năm nay là tín hiệu vui, nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu nó đi kèm với niềm tin vào chất lượng hàng hóa và sự an toàn thực phẩm.
Đó là trách nhiệm không chỉ của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, mà còn là ý thức chung của toàn xã hội./.