Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 4 năm 2024 | 9:25

Chàng trai gieo mầm xanh từ đôi tay đặc biệt

Gặp Tô Hữu Sỹ (SN 1989) với khuôn mặt rạng ngời, đầy lạc quan đang cần mẫn chăm sóc khu vườn Happy Garden ở đường Mai Thúc Loan, phường Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh), ít ai biết anh từng trải qua thời gian dài bất lực, chống chọi với biến cố cuộc đời khi đột ngột mất đi đôi bàn tay.

Tô Hữu Sỹ quê ở xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh. Cũng như phần lớn gia đình ở vùng thượng Kỳ Anh, nhà Sỹ nghèo và đông anh em. Ước mơ và quyết tâm vào đại học để thay đổi cuộc đời là động lực giúp Sỹ trở thành sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, Sỹ tiếp tục học cao học. Năm 2015, anh hoàn thành xuất sắc khóa học, lấy bằng thạc sỹ chuyên ngành cây trồng. Sỹ trở thành niềm hy vọng của gia đình, niềm tự hào của bà con lối xóm ở làng quê nghèo khó.

Với mong muốn cống hiến công sức, trí tuệ cho quê hương, anh đầu quân cho một dự án về nông nghiệp ở Hà Tĩnh. Cũng thời gian này, anh gặp gỡ và nên duyên cùng đồng môn là chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - kỹ sư nông nghiệp như anh.

Bước ngoặt cuộc đời đến với đôi vợ chồng trẻ khi tháng 10/2020, thông qua chương trình hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đối tác tại Nhật Bản, Sỹ đã được giới thiệu sang làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo.

Sỹ chia sẻ: “Hành trang tôi mang theo ngày lên đường là niềm tin, hy vọng về một tương lai tươi sáng và mong muốn được tiếp cận công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước bạn để về ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp an toàn ở quê hương mình”.

Môi trường làm việc hiện đại, công việc tại nhà máy sản xuất, chế biến rau an toàn phù hợp với chuyên môn và sở trường đã cho phép anh thỏa mãn đam mê với việc nghiên cứu, gieo trồng những mầm xanh. Cứ ngỡ rằng, mọi thứ đều thuận lợi, hứa hẹn một tương lai tươi sáng nhưng một tai họa bất ngờ ập đến khiến cuộc đời anh rẽ sang hướng khác.

“Buổi sáng cuối tháng 1/2022, tôi đến nơi làm việc như bao ngày. Khi đang vận hành máy sấy rau củ, do sơ ý, cánh tay phải của tôi bị cuốn vào guồng máy. Quá đau đớn và mất bình tĩnh, theo phản xạ tự nhiên, tôi dùng tay trái để kéo tay phải ra thì cũng bị cuốn vào luôn. Tôi ngất lịm đi và khi tỉnh lại ở bệnh viện, đôi tay đã không còn trên cơ thể của mình. Nhìn hai cánh tay đã bị cắt cụt gần hết, tôi không tin vào sự thật oan nghiệt đó. Tôi gào khóc trong vô vọng”, anh Sỹ chưa hết bàng hoàng, đau đớn khi nhớ lại giây phút mình gặp nạn.

Hàng ngày, trong bệnh viện, Sỹ vẫn đều đặn gọi điện thoại về cho vợ và hai con. “Nhưng khi gọi qua Facebook, tôi thấy anh ấy rớm nước mắt, nghẹn ngào nói anh mất hai bàn tay rồi. Tôi choáng váng, nhưng nghĩ anh vẫn còn sống là hạnh phúc lắm rồi.

Tôi cố gắng động viên để anh vượt qua giai đoạn suy nghĩ tiêu cực, khó khăn nhất của cuộc đời. Tôi đã nói với anh ấy rằng “em chỉ cần anh trở về là được””, chị Hồng Nhung trải lòng.

Gặp biến cố lớn khi tuổi đời còn trẻ, tương lai đang phơi phới nhiều ước mơ, dự định, tưởng như Sỹ không thể chấp nhận nổi sự thật nghiệt ngã.

Sỹ kể, rất nhiều đêm anh nằm khóc một mình, than trách số phận, thậm chí có lúc đã nghĩ đến tự giải thoát khỏi những ám ảnh tâm lý. Nhưng rồi, những cuộc gọi video của gia đình, bạn bè từ Việt Nam, những món quà được đồng nghiệp gửi vào bệnh viện hằng ngày và sự động viên, chăm sóc của y - bác sỹ đã giúp anh xốc lại tinh thần. “Khi tôi lên đường sang Nhật Bản, con trai lớn chỉ mới 3 tuổi, vợ đang mang bầu đứa thứ hai nên bố con còn chưa được gặp nhau. Tôi không thể chỉ nghĩ cho bản thân mình mà không nghĩ đến gia đình, vợ con, và tôi đã tự động viên mình rằng, còn được sống, còn được nhìn thấy ánh mặt trời đã là may mắn hơn so với nhiều người nên dù gặp biến cố vẫn phải đứng lên, vững vàng để sống tiếp”, Sỹ chia sẻ.

Một năm 2 tháng điều trị vết thương, tập vận động và hồi phục tâm lý ở các bệnh viện lớn nhỏ là quãng thời gian mà Sỹ phải tự mình chiến đấu, nỗ lực làm quen dần với mọi sinh hoạt của một người “không tay”.

Điều trị ở bệnh viện Nhật Bản hơn một năm, trở về nước vào tháng 6/2023 với đôi bàn tay giả nhưng được bạn bè, đồng nghiệp cũ, người thân chào đón, động viên nên Sỹ không còn mặc cảm về thân thể không lành lặn của mình, nhất là khi anh được gặp vợ cùng 2 đứa con thơ, một trai 5 tuổi, một gái 2 tuổi rất đáng yêu.

Nghỉ ngơi chưa được bao lâu  sau cuộc “thập tử nhất sinh” ở xứ người, Sỹ bàn bạc với vợ rồi quyết định mở một vườn hoa cảnh để bán kiếm sống. Bởi công việc gieo trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh đúng chuyên môn được đào tạo bài bản của hai vợ chồng.

“Ý tưởng mở một vườn hoa, cây cảnh được tôi ấp ủ từ khi còn nằm viện điều trị ở Nhật Bản. Tôi muốn mỗi ngày thức giấc, không gian xanh mướt của vườn cây, hay những loài hoa khoe sắc đưa hương sẽ như liều thuốc bổ giúp cho tâm hồn tôi nhẹ nhàng hơn, lạc quan, yêu cuộc sống hơn. Tôi xác định nó vừa là nghề kiếm sống nhưng đồng thời cũng là tình yêu, đam mê mà tôi tâm huyết, gửi gắm vào để quên đi phiền muộn”, Sỹ chia sẻ.

Gia đình là động lực lớn nhất giúp anh vượt lên số phận. 

Dù mang trên mình đôi tay giả, nhưng với nghị lực phi thường, anh Sỹ đã kiên trì rèn luyện và sử dụng đôi tay giả được lắp ráp bởi chuyên gia y tế Nhật Bản khá thành thạo cho sinh hoạt cá nhân, chăm sóc vườn cây, ngay cả việc sử dụng điện thoại di động, máy tính nhắn tin, trao đổi công việc, liên hệ khách hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... cũng được anh thao tác nhanh đến bất ngờ, thậm chí nhanh hơn nhiều người lành lặn.

Sỹ chia sẻ: “Happy Garden là “đứa con” tinh thần mà tôi gửi gắm vào đó đam mê với cây cảnh, niềm tin và hy vọng vào một cuộc sống mới. Mỗi sớm mai thức dậy, được gieo trồng và chăm sóc những mầm xanh, tôi tìm được bình yên trong cuộc sống”.

Hành trình khởi nghiệp của chúng tôi chỉ mới bắt đầu nhưng với phương châm “gieo mầm xanh - gặt hạnh phúc”, tôi mong muốn khu vườn của mình không chỉ là nơi khách đến mua cây mà sẽ trở thành nơi gặp gỡ của những con người đồng cảm, lan tỏa lối sống lạc quan, tích cực đến những người xung quanh”, Sỹ tâm sự.

Vợ chồng Tô Hữu Sỹ và Nguyễn Hồng Nhung trước “khu vườn hạnh phúc”.

“Happy Garden mới triển khai nhưng đã tạo được việc làm cho 2 công nhân. Doanh thu hàng tháng đạt 50 triệu đồng; lãi khoảng 20%. Song với Sỹ, đó là thành công bước đầu.

Giờ đây, bên cạnh việc cùng vợ chăm sóc cây cảnh tại khu vườn nhỏ, anh cũng dành thời gian nghiên cứu thêm tài liệu, kiến thức chuyên sâu về cây trồng từ sách báo, internet để đảm nhận thêm dịch vụ thiết kế cảnh quan sân vườn, tư vấn, bảo dưỡng cây cảnh...

Biến cố cuộc đời đã không làm chàng trai trẻ gục ngã mà càng khiến anh mạnh mẽ hơn, những nỗ lực phi thường của Tô Hữu Sỹ đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng, gieo thêm niềm tin yêu cuộc sống cho mọi người.

 

Nội dung: Trà Giang - thiết kế: Trường Minh
Ý kiến bạn đọc
Top