Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 11 năm 2022 | 14:4

Để Tuyên Quang giàu lên từ rừng

Từ rừng, đặc biệt là trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, đã giúp người dân Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Hiệu quả từ rừng FSC

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên cho biết, tỉnh có thế mạnh về phát triển sản xuất lâm nghiệp với 448.556 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện đất có rừng là 426.042,45 ha (rừng tự nhiên là 233.170,65 ha, rừng trồng 192.871,8 ha), hàng năm tỉnh trồng được trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác 880 nghìn m3/năm, độ che phủ rừng luôn duy trì trên 65%, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó, có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ…

Từ rừng, đặc biệt là trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ông Phạm Ngọc Mạnh, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, (Yên Sơn) cho biết, năm 2015 hơn 400 ha rừng của thôn chuyển sang trồng FSC. Trồng rừng FSC kích thước gỗ lớn hơn, bán nhiều khối lượng hơn, giá cũng cao hơn nên tiền thu về cũng nhiều hơn. Trước đây, mỗi ha rừng chỉ đạt 70-80 m3, hiện lên tới 140m3, thu về 160-170 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120-130 triệu đồng/ha, cao hơn so với trước đây 30-40 triệu đồng/ha. Giờ đây, cuộc sống người trồng rừng đã khá giả hơn.

Anh Đinh Văn Dự, ở thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, (Yên Sơn) vui mừng cho biết, năm 2016, hơn 9 ha rừng của gia đình chuyển sang trồng FSC. Trồng rừng FSC tăng hơn từ 20-30 triệu đồng/ha, nhờ rừng giúp gia đình có khoản thu lớn, mua sắm những đồ dùng đắt tiền. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động, mỗi ngày công làm gỗ từ 300.000-400.000 đồng, công trồng rừng từ 200.000-250.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, để phát huy thế mạnh, Tuyên Quang đã và đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và giúp nâng cao đời sống của người trồng rừng. Như: hỗ trợ cây giống chất lượng cao, hỗ trợ chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng, đồng thời tạo điều kiện để các hộ dân chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế dưới tán rừng...

Hiện, tỷ lệ che phủ ở Tuyên Quang trên 65%; GRDP ngành Lâm nghiệp tỉnh đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm trên 17,5% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Sản xuất lâm nghiệp đã giúp cho hàng vạn hộ gia đình có cuộc sống ổn định, trong đó có hàng ngàn hộ có thu nhập từ 500 triệu đến vài tỷ đồng.

Phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ

Liên quan tới công tác chế biến, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh có nhiều giải pháp để phấn đấu sẽ trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng trong thời gian tới và là một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững.

Tuyên Quang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến gỗ, trong đó nhà máy giấy và bột giấy An Hòa với công suất 130.000 tấn sản phẩm/năm (lớn nhất cả nước) và nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất 150.000 m3 sản phẩm/năm (tương đương khoảng 600.000 m3 gỗ nguyên liệu/năm). Nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hằng năm trên 1 triệu m3...

Việc liên kết giữa các công ty lâm nghiệp, các nhà máy chế biến gỗ và các hợp tác xã, nhóm hộ đã xây dựng được liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng. Điển hình như: Công ty Cổ phần giấy An Hoà có chính sách liên kết với hộ trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu giấy (đầu tư 21,097 tỷ đồng để hỗ trợ cây giống cho 2.130 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh trồng 3.860 ha rừng trồng sản xuất); Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) được 18.017 ha rừng cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Đó là yếu tố nền tảng để Tuyên Quang phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng NTM, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Cổ phần giấy An Hoà cho biết, hàng năm công ty đang tiêu thụ từ 600.000-650.000 tấn gỗ nguyên liệu. Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng như chính sách thu mua của công ty, nhà máy có đủ nguyên liệu cho sản xuất, thậm chí còn sản xuất vượt từ 110-120% kế hoạch.

Trong đó, có giải pháp được ông Lâm đưa ra: “Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, rà soát quy hoạch, cơ cấu lại diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, hiệu quả. Rà soát đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để lập, hoàn thiện quy hoạch vùng nguyên liệu và có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp liên kết phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp chế biến phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, khai thác hiệu quả diện tích 1.584.315 ha rừng sản xuất các tỉnh vùng Đông Bắc, đảm bảo quy mô, chất lượng đáp ứng mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng có uy tín của cả nước và thị trường quốc tế”.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngoài 8 cơ sở chế biến lớn tỉnh còn hơn 300 cơ sở chế biến nhỏ là cánh tay nối dài của các cơ sở chế biến lớn. Nguyên liệu đảm bảo ổn định, các cơ sở chế biến duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo các chế độ chính sách cũng như các đơn hàng theo đặt hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp đang tăng tốc để khắc phục các thiệt hại cũng như những khó khăn trong 2 năm vừa qua.

Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ…

Lấy nguồn phát triển lâm nghiệp làm kinh tế lâm nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Cổ phần giấy An Hoà cho biết thêm, những năm tới, công ty tiếp tục thực hiện chính sách liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con, theo hình thức hỗ trợ bà con một phần vốn là cây giống và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm bán.

Trong khi đó, ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên  Quang cho biết, thực hiện Nghị quyết 36 cũng như Đề án 461 về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tỉnh xác định một số nhóm giải pháp chủ yếu. Thứ nhất, phải thực hiện tốt quy hoạch lâm nghiệp, cung cấp thông tin để hoàn thành quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Thứ hai, phát huy các vùng quy hoạch cho các cơ sở chế biến lớn, đảm bảo vùng nguyên liệu phát triển ổn định, đủ cho các nhà máy chế biến hoạt động. Thứ ba, thực hiện các chính sách như: hỗ trợ cây giống, vốn, kéo dài chu kỳ sản xuất của rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, tăng khối lượng/đơn vị diện tích, tăng giá trị gia tăng, giúp người trồng rừng ổn định hơn.

Theo kế hoạch, mục tiêu của Nghị quyết 36 cũng như Đề án 461, đến năm 2025 một ha rừng đạt khoảng 350 triệu đồng, để làm được việc này phải thực hiện nhiều giải pháp. Ngoài giải pháp kéo dài chu kỳ kinh doanh, sử dụng giống tốt, áp dụng các giải pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến phải thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng cộng với chính sách hỗ trợ của nhà nước và hỗ trợ của doanh nghiệp tạo liên kết chặt chẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Khi lợi ích hoài hòa giữa các bên thì kinh tế lâm nghiệp chắc chắn sẽ phát triển, ông Khoa cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung; bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp.

Từ bóc gỗ, trung bình mỗi người lao động đạt 300.000 đồng/ngày công.

Quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển du lịch...; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Năm 2022, thực hiện chính sách hỗ trợ cây giống theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tuyên Quang đã hỗ trợ trồng được 2.064 ha, gồm các loài cây: keo lai mô, keo tai tượng hạt ngoại, giổi ăn hạt, trám trăng, sấu, dự toán kinh phí hỗ trợ là 8,8 tỷ đồng.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, công xuất 2 triệu cây/năm cho Trường Đại học Tân trào với tổng mức đầu tư 5,38 tỷ đồng, dự án hoàn thành và đã sản xuất cây giống keo lai mô đảm bảo chất lượng cung ứng cho nhân dân trồng rừng. Hằng năm tỉnh bố trí kinh phí thu từ nguồn bán đấu giá rừng trồng Chương trình 327 và dự án 661 để đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, với tổng số vốn của giai đoạn là 34,49 tỷ đồng.

 

Ý kiến bạn đọc
Top