Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 12 năm 2023 | 20:9

Hỗ trợ vật tư trồng cây dược liệu cho 80 hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Bá Thước

80 hộ nghèo, cận nghèo của 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) vừa được hỗ trợ vật tư sản xuất gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học để trồng cây dược liệu.

Tại lễ bàn giao, hơn 11,9 tấn phân bón hữu cơ tre xanh, 535,5 lít chế phẩm sinh học Organic tre xanh và 238 lít thuốc bảo vệ thực vật FasFix 150 được bàn giao cho các hộ dân nghèo, cận nghèo của 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hoá trao chế phẩm sinh học cho người dân hai xã Thiết Ống và Lũng Cao.

Đây là những hộ dân tham gia dự án “mô hình phát triển cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn xã Thiết Ống và Lũng Cao”, do Văn phòng Quốc gia giảm nghèo bền vững chủ trì, đặt hàng.

Cây giống được Liên minh HTX giao cho người dân 

Tháng 8/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện dự án “mô hình phát triển cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn hai xã Thiết Ống và Lũng Cao”.

Tháng 10/2023, các đơn vị triển khai thực hiện dự án đã tổ chức bàn giao hơn 132.000 cây xạ đen, 320 cây ngọc hoàn, 312.000 cây ngải cứu giống cho các hộ dân tham gia mô hình, mở rộng diện tích triển khai thực hiện dự án.

Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thuộc Liên minh HTX Việt Nam Vũ Quang Phong trao thuốc bảo vệ thực vật cho người dân 2 xã thuộc huyện Bá Thước.

Tổng diện tích cây dược liệu đã được triển khai thực hiện tại đây là khoảng 2 ha, các hộ đã đưa một số giống cây dược liệu, như: xạ đen, ngải cứu, hương nhu... vào sản xuất thay thế cho những diện tích sản xuất ngô, lúa, sắn hiệu quả kinh tế thấp. Toàn bộ sản phẩm sẽ được HTX dược liệu Pù Luông liên kết, bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định.

Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ trồng cây dược liệu trên địa bàn 2 xã Lũng Cao và Thiết Ống 

Hiện nay, diện tích cây ngải cứu của mô hình đã cho thu hoạch lứa đầu  với tổng sản lượng khoảng 35 tấn. Theo tính toán của người dân, giá trị kinh tế của dược liệu ước khoảng 180 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa, ngô từ 2-3 lần. Hơn nữa, sản xuất cây dược liệu không đòi hỏi kỹ thuật cao, khá phù hợp với trình độ sản xuất của người dân. Đây được kỳ vọng là mô hình sản xuất triển vọng, góp phần giảm nghèo hiệu quả cho người dân địa phương.

 

Lê Thức - Phạm Hưng
Ý kiến bạn đọc
Top