Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 7 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 7 năm 2024 | 21:5

Lào Cai tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn

Hôm nay (12/7), Lào Cai tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2024) với sự tham gia của nhiều chuyên gia về du lịch thuộc Hiệp Hội du lịch Việt Nam và đông đảo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên dịa bàn.

Lào Cai ngày càng được du khách đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn. Toàn tỉnh có 53 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 48 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 05 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Có 380 hướng dẫn viên (HDV) du lịch đang hoạt động, trong đó, có 141 HDV du lịch quốc tế, 127 HDV du lịch nội địa và 112 HDV tại điểm.

Tổng số cơ sở lưu trú hiện tại có 1.574 cơ sở lưu trú, với khoảng 16.000 phòng, gồm: 4 khách sạn hạng 5 sao, 9 khách sạn hạng 4 sao, 13 khách sạn hạng 3 sao, 61 khách sạn hạng 2 sao, 129 khách sạn hạng 1 sao; 890 cơ sở lưu trú không xếp hạng (khách sạn, nhà nghỉ) và 468 (homestay).

Lào Cai có khoảng 2.436 cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch.

Hiện, lượng khách du lịch đến với Lào Cai đạt 4.586.912 lượt. Trong đó,  khách du lịch nội địa: 4.120.310 lượt, khách quốc tế: 466.602 lượt, tăng 9% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 15.005 tỷ đồng, tăng 12% so với lũy kế cùng kỳ năm 2023.

Khu du lịch quốc gia Sapa được du khách trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích.

Một số sản phẩm du lịch đã trở thành thương hiệu nổi tiếng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa, Tái hiện Chợ tình Sa Pa, Festival Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai, các sản phẩm du lịch mới - vở diễn thực cảnh “Sa pa lặng lẽ yêu - The Mong Show”, sản phẩm du lịch văn hóa: “Điểm hẹn” và “Vũ điệu dưới trăng”, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng; mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, lạ, hấp dẫn. Các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm độc đáo được đưa vào khai thác như: Dù lượn, chèo thuyền kaya, vượt thác, leo núi,… cũng đang dần được khai thác.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn về nguồn nhân lực là đồng bào các dân tộc tại địa phương nên có sự yếu kém về chuyên môn, thiếu trách nhiệm trong công việc. Một số tuyến đường giao thông chưa hoàn thiện, xuống cấp đã gây khó khăn cho hoạt động đưa đón khách ở các khu vực du lịch trọng điểm như tuyến đường vào xã Tả Phìn (Sapa). Tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, dừng đỗ xe không có qui hoạch, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, vấn đề rác thải... gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Sa Pa.

Doanh nghiệp muốn khai thác sản phẩm du lịch mạo hiểm nhưng vướng mắc về thủ tục đủ điều kiện hoạt động, chủ yếu liên quan đến các chương trình du lịch lưu trú qua đêm và các chứng chỉ phù hợp.

Đặc biệt là, các doanh nghiệp cũng bày tỏ những mong muốn được tạo điều kiện về quỹ đất, khai thác các tour du lịch mạo hiểm, phát triển thêm các sản phẩm nghệ thuật đặc sắc... đa dạng hoá sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Tiềm năng phát triển du lịch ở Lào Cai còn rất lớn

Đại diện cho khu du lịch trọng điểm trên địa bàn, ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sapa cho biết, hiện, thị xã Sa Pa đang đầu tư nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại phát triển kinh tế xã hội và dịch vụ du lịch. Có chính sách về giá đồng bộ cho các loại phương tiện giao thông tham gia phục vụ du khách.

Đối với tình trạng xe chở vật liệu xây dựng không thực hiện đúng quy định như: Chở quá tải, không thực hiện việc che phủ khi chở vật liệu, không thực hiện vệ sinh sạch lốp khi ra khỏi công trường, UBND thị xã Sa Pa sẽ giao cho Công an thị xã Sa Pa chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông - Trật tự tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vi phạm trên địa bàn.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm ánh sáng, thị xã Sa Pa sẽ mời chuyên gia thiết kế mô hình ánh sáng đô thị hiện đại, văn  minh, tiết kiệm, thân thiện môi trường. Thiết kế hệ thống đèn một vài tuyến đường phố kiểu mẫu... Chọn một vài biểu trưng văn hóa tiêu biểu các dân tộc Sa Pa để thiết kế đèn trang trí trên các tuyến đường như: Khèn dân tộc Mông, Trống dân tộc Dao, Còn dân tộc Tày... để đèn, điện, ánh sáng của Sa Pa hài hòa, đẹp, có bản sắc và thân thiện với môi trường hơn.

Đối với các hoạt động văn hoá nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hoá để thu hút nhiều khách du lịch tới Lào Cai như các show diễn: Festival "The Mông Show, Vũ điệu dưới trăng và các lễ hội truyền thống từ nét đẹp văn hóa của nguời dân tộc bản địa rất cần sự chung tay xã hội hóa của các doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

UBND thị xã Sapa cũng đã phê duyệt phương án vệ sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo việc xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Người dân đã có quy dịnh về thời gian, địa diểm tập kết rác, định kỳ 1 tuần 3 lần, có đơn vị thu gom, vận chuyển về lò đốt rác thải để xử lý.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, tỉnh rất quyết tâm đầu tư hạ tầng, tạo cơ chế chính sách tốt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch nổi bật. Để ngành du lịch phát triển, các doanh nghiệp cần phải luôn tiên phong vượt, tạo ra những sản phẩm du lịch hợp xu thế, du lịch xanh, du lịch mạo hiểm, du lịch đường sắt, đường sông, du lịch qua biên giới... để tăng lượng khách lưu trú. Các sở ban ngành cần lắng nghe, ghi nhận các chuyên gia ngành du lịch hiến kế và tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp  để có phương án tháo gỡ khó khăn riêng đối với mỗi lĩnh vực mà đơn vị phụ trách.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top