Nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường thế giới, Công ty Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã đầu tư, hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics đa phương thức nhằm giảm chi phí logistics, đảm bảo chất lượng nông sản trong quá trình vận chuyển.
Logistics vẫn luôn là “nút thắt” khiến nông sản Việt xuất khẩu khó cạnh tranh về giá và chất lượng. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, chi phí logistics nông sản của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, chiếm từ 12 - 38% giá thành sản phẩm. Từ câu chuyện logistics “ăn mòn” lợi nhuận, các doanh nghiệp giao nhận - vận chuyển phải đầu tư nâng cao năng lực, xây dựng mô hình logistics chuyên biệt, chất lượng dành cho nông nghiệp.
Cảng Chu Lai cửa ngõ trung chuyển hàng hóa quốc tế tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.
Là doanh nghiệp kết nối hàng nông sản xuất khẩu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Lào, Campuchia, THILOGI chú trọng đầu tư, phát triển mô hình dịch vụ logistics trọn gói phục vụ nông nghiệp, gồm: vận chuyển, thủ tục xuất khẩu, kiểm định, khai báo hàng hóa, lưu kho, bảo quản… Phương án vận chuyển và bảo quản tối ưu cùng các chính sách hậu mãi ưu việt giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
THILOGI sở hữu đội xe vận chuyển và container lạnh chuyên dụng (40, 45 feet), đảm bảo nông sản được bảo quản trong nền nhiệt tương thích theo quy định của từng chủng loại. Ngoài ra, hệ thống tổng kho, depot tại các Khu liên hợp nông nghiệp ở Lào, Campuchia, cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai) với tổng diện tích 15.500m2 và kho, bãi lạnh tại cảng Chu Lai hơn 12.500 m2, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng lạnh từ khâu sơ chế, phân loại, bảo quản đến vận chuyển, xuất khẩu, giúp đảm bảo chất lượng hàng nông sản và tạo sự thuận tiện cho khách hàng.
Nông sản được vận chuyển từ Tổng kho (Koun Mom, Campuchia) qua cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) về cảng Chu Lai (Quảng Nam).
Tháng 9 vừa qua, THILOGI đã thành lập 3 chi nhánh vận tải đường bộ tại Hà Nội, Gia Lai và Đồng Nai, phát triển hệ thống logistics trên cả nước, kết nối mạng lưới đường bộ nội địa và xuyên biên giới. Toàn bộ hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng kịp thời yêu cầu giao nhận vận chuyển của khách hàng từ Lào, Campuchia, khu vực Tây Nguyên đến 2 đầu Nam, Bắc; kết nối với các cửa khẩu như: Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay các cảng: Chu Lai (Quảng Nam), Cát Lái, VICT (TP. Hồ Chí Minh) phục vụ xuất khẩu.
Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu nông sản với chi phí tối ưu.
Nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, thời gian tới, THILOGI quy hoạch, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư phương tiện, thiết bị tại các vùng nông sản tập trung; kết nối hoạt động giao nhận - vận chuyển đường bộ, đường thủy, phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa và quốc tế.
Cùng với việc tập trung khai thác các tuyến đường mới: Bo Keo (Ratanakiri, Campuchia), Quốc lộ 14E (Quảng Nam) đang được nâng cấp, mở rộng, THILOGI sẽ đưa vào vận hành các trạm trung chuyển tại Ba Tơ (Quảng Ngãi) và Phước Sơn (Quảng Nam), góp phần kết nối toàn tuyến vận chuyển trên cả nước, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Lào, Campuchia về cảng Chu Lai. Bên cạnh đó, THILOGI tiếp tục đầu tư hơn 50 xe đầu kéo và sơ-mi rơ-moóc (giai đoạn 1), bố trí phương tiện có công suất phù hợp với từng cung đường.
Ông Bùi Minh Trực, Tổng Giám đốc THILOGI, cho biết: “Chúng tôi sẽ quy hoạch các tuyến vận chuyển đường bộ, kết nối đường bộ - đường thủy - đường sắt và mở rộng vận chuyển bằng đường hàng không, hoàn thiện dịch vụ logistics đa phương thức, giúp khách hàng có nhiều sự lựa chọn hoặc kết hợp nhiều dịch vụ. Hiện nay, dịch vụ vận tải đường bộ tại THILOGI được đánh giá cao về chất lượng với chi phí thấp hơn 10% so với thị trường, đồng thời các biểu phí dịch vụ tại cảng Chu Lai cũng thấp hơn từ 5 - 30% so với các cảng trong khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản với chi phí tối ưu”.
THILOGI đang kết nối hiệu quả mô hình đường bộ - Cảng Chu Lai - đường biển phục vụ nông sản xuất khẩu.
Để nâng cao hiệu quả của hệ thống logistics trong chuỗi giá trị nông sản, THILOGI tiếp tục đầu tư đồng bộ về hạ tầng; mở rộng, kiện toàn hệ thống kho, trạm liên kết trên cả nước, kết nối chuỗi xuất khẩu nông sản (vùng nguyên liệu tập trung - trạm sơ chế - nhà máy - kho lạnh - hệ thống vận tải - cảng biển); đẩy mạnh liên kết với các hãng tàu lớn trong và ngoài nước, ổn định giá cước vận chuyển, qua đó góp phần thúc đẩy sự gắn kết và nâng cao vai trò của logistics trong việc gia tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt trên thị trường thế giới.