Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 10 năm 2023 | 11:24

Sữa chua Vinamilk tìm đường vào Trung Quốc

Thị trường sữa chua của Trung Quốc bùng nổ, các tên tuổi sữa của Việt Nam tìm cách đến sân chơi này bằng con đường chính ngạch.

Tạo vị thế riêng

Sau khi tham quan nhà máy sản xuất của Vinamilk, ông Ye Can Jiang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý chợ sỉ về rau quả Quảng Châu Giang Nam cảm thấy yên tâm vì hệ thống dây chuyền tiên tiến theo các tiêu chuẩn cao của quốc tế, đảm bảo yêu cầu chất lượng cho sản phẩm của hãng sữa Việt này.

Ông đã nếm thử rất nhiều sản phẩm của Vinamilk mang hương vị sầu riêng như: bánh sầu riêng, kem sầu riêng, thậm chí là cà phê sầu riêng. Khi nếm thử sữa chua sầu riêng của Vinamilk, ông Ye Can Jiang cảm nhận được hương vị thơm nồng, thêm tự tin cho ông khi đưa sản phẩm này đến với người tiêu dùng Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Zou Li Qiang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sữa Changsha Yiyiyuan cho rằng, Vinamilk hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm từ sữa.

Sản phẩm sữa chua của Vinamilk có chất lượng cao, hứa hẹn sẽ chinh phục thị trường Trung Quốc.

Trong quá trình phân phối sản phẩm sữa đặc Ông Thọ tại Trung Quốc thời gian qua, ông Zou Li Qiang cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ kinh doanh của Vinamilk. Trong thời gian tới, ông rất tự tin đem các sản phẩm của Vinamilk sang Trung Quốc, cũng như giới thiệu thêm các đối tác lớn cho Vinamilk.

Sữa chua là một trong những ngành hàng chủ lực của Vinamilk, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ khép kín. Sản phẩm sữa chua Vinamilk được xử lý nhiệt thanh trùng, loại bỏ vi khuẩn và giữ nguyên dưỡng chất; áp dụng công nghệ lên men tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản và từng khâu sản xuất đều đảm bảo tính an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài sản phẩm sữa chua truyền thống, Vinamilk liên tục cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, kết hợp với thành phần có lợi cho sức khỏe từ thiên nhiên như nha đam, lựu đỏ, dâu, collagen… Nhờ đó, các sản phẩm nhanh chóng thống lĩnh thị trường nội địa, giúp Vinamilk trở thành nhà sản xuất dẫn đầu thị phần sữa chua trong nước.

Vừa qua, tên tuổi này dậy sóng trên truyền thông khi bắt tay với Công ty TNHH Quản lý chợ sỉ về rau quả Quảng Châu Giang Nam và Công ty TNHH Sữa Changsha Yiyiyuan để đưa sản phẩm sữa chua Vinamilk vào thị trường Trung Quốc. Động thái này mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm sữa chua “made in Vietnam” hiện diện và tạo vị thế riêng tại thị trường 1,4 tỷ dân này.

Trong đó, Vinamilk sẽ sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm sữa chua với chủng loại và chất lượng theo thỏa thuận. Danh mục sản phẩm hợp tác sẽ được nghiên cứu kỹ để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng Trung Quốc.

Hai đối tác Trung Quốc chịu trách nhiệm nhập khẩu, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối; đăng ký lưu hành sản phẩm theo pháp luật để phân phối sản phẩm Vinamilk trên thị trường này. Họ cũng sẽ phối hợp với Vinamilk cùng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo thỏa thuận tại từng thời điểm.

Theo ông Ye Can Jiang, sữa chua là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu với người tiêu dùng Trung Quốc. Trước đó, nhiều người dân tại đất nước này đã dùng và yêu thích sản phẩm sữa chua Vinamilk khi du lịch Việt Nam, hoặc do một số thương nhân đưa sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.

Vì vậy, ngay từ khi Nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu các sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, ông Ye Can Jiang đã luôn mong muốn có cơ hội hợp tác với Vinamilk để đưa sản phẩm sữa chua của thương hiệu này nhập khẩu theo con đường chính ngạch.

Đây là công ty quản lý chợ sỉ lớn nhất tại tỉnh Quảng Đông, chuyên phân phối các mặt hàng thực phẩm nông sản khắp Trung Quốc. Trong khi đó, đối tác còn lại là nhà nhập khẩu, phân phối các mặt hàng thực phẩm, am hiểu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.

Đây cũng chính là nhà phân phối đã giúp sản phẩm sữa đặc Ông Thọ của Vinamilk trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc, hiện diện tại chuỗi các nhà hàng, quán trà sữa, cà phê hoặc trong gian bếp của nhiều gia đình.

Theo ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Vinamilk, việc bắt tay với hai doanh nghiệp nhiều năm kinh nghiệm và có hệ thống phân phối rộng tại Trung Quốc giúp Vinamilk có thể rút ngắn tối đa thời gian đưa sản phẩm từ nhà máy sản xuất đến tay người tiêu dùng, trong điều kiện bảo quản lý tưởng nhất.

Tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế của Vinamilk đến nay đã vượt 3 tỷ USD. Trong đó, Trung Đông là thị trường chủ lực, đóng góp hơn 85% vào tổng doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Vinamilk. Ngoài ra, Vinamilk cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand, Australia và có mặt tại hầu hết các nước Đông Nam Á.

Đối mặt với những tay chơi “sừng sỏ”

Trong một thời gian dài, người Trung Quốc cho rằng, sữa chỉ là sản phẩm dành cho trẻ em và người cao tuổi, nhưng trong những năm gần đây, thị trường sữa tại Trung Quốc đã bùng nổ do khẩu vị người dân thay đổi. Đây là thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất nhì thế giới, với nguồn nhập khẩu đa dạng từ New Zealand tới Đức.

Các nghiên cứu chỉ ra, trẻ em thường sản sinh được enzyme giúp chúng tiêu thụ được sữa, nhưng theo thời gian, tỷ lệ giảm dần. Người dân châu Âu có khả năng tiêu thụ được sữa ngay cả khi đã trưởng thành, khu vực châu Á thì không như vậy, tính riêng tại Trung Quốc có tới 92% người trưởng thành khó dung nạp lactose. Bởi thế, trong thế kỷ XX, kinh doanh sữa tại Trung Quốc thường không thu được nhiều lợi nhuận.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, sữa bột chủ yếu là sản phẩm dành cho trẻ em và người cao tuổi. Đến thập niên 90 và đầu những năm 2000, nhiều cơ sở sản xuất bơ sữa lớn được xây dựng tại Trung Quốc. Cũng từ đây, các sản phẩm từ sữa như sữa tươi tiệt trùng, sữa chua uống trở nên phổ biến tại đất nước tỷ dân này.

Đáng chú ý, sản phẩm sữa chua ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc, quá trình lên men làm giảm lượng lactose, vì vậy không gây ảnh hưởng đến người sử dụng.

Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu hơn 10 tỷ USD/năm. Theo dự báo của Mordor Intelligence, sữa chua là một trong những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ngành sữa Trung Quốc, với doanh thu tăng trưởng kép khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2023 - 2029 và dự kiến đạt mốc hơn 73 tỷ USD vào năm 2029.

Trở lại với tham vọng của Vinamilk, kết thúc năm 2022, doanh thu thuần của Vinamilk tại thị trường nước ngoài đạt 9.252 tỷ đồng. Trong đó, các chi nhánh nước ngoài đạt 4.424 tỷ đồng và xuất khẩu đạt 4.828 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài đạt 3.342 tỷ đồng. Các chi nhánh nước ngoài là đầu tàu tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh quốc tế của Vinamilk trong năm 2022.

Dẫu vậy, hoạt động xuất khẩu của Vinamilk đối mặt với nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng giảm, tồn kho tăng cao tại các thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng từ biến động kinh tế, chính trị, lạm phát và suy thoái. Song với nhiều giải pháp, Vinamilk vẫn có hơn 3.300 container sản phẩm được xuất khẩu trong kỳ, duy trì được các thị trường truyền thống và đón bắt các cơ hội xuất khẩu mới.

Vinamilk đang tập trung hoạt động xúc tiến thương mại, hiện diện tại các hội chợ, triển lãm thực phẩm quốc tế để giới thiệu sản phẩm ra thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình xuất khẩu vẫn tiếp tục khó khăn. Vinamilk gắng duy trì sự hiện diện tại các thị trường truyền thống, cùng với đó, tích cực gia tăng độ phủ kênh phân phối, nhận diện thương hiệu, nghiên cứu phát triển sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu mới. Vinamilk cũng thay đổi nhận diện thương hiệu để phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, việc thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa trải nghiệm cho người dùng và tạo đà bứt phá trong tương lai. Từ đó, gia tăng giá trị thương hiệu, kết nối tốt hơn với nhóm khách hàng trẻ, tạo nhận định mới về một Vinamilk có chất lượng và giá trị đẳng cấp quốc tế dành cho người Việt.

Một thực tế là ở thị trường quốc tế, sản phẩm sữa chua là phân khúc bị cạnh tranh cao, với sự hiện diện của nhiều tay chơi sừng sỏ như Danone SA, Chobani LLC, General Mills Inc., Nestlé SA và China Mengniu Dairy Company Limited.

Các tên tuổi này đang tập trung đánh mạnh vào việc cung cấp cho người tiêu dùng những hương vị sáng tạo, nhưng vẫn đảm bảo các lợi ích chức năng trong mỗi loại sản phẩm sữa chua. Đặc biệt, họ tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến cho sản phẩm, tiếp thị trực tuyến và xây dựng thương hiệu để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Để “ăn thêm” được miếng bánh thị phần, các nhà sản xuất đang hồi sinh danh mục sản phẩm của họ để phô diễn hết các khía cạnh sức khỏe của sữa chua.

Cụ thể, họ pha trộn sữa chua với đồ uống lợi khuẩn (probiotic) để khiến người tiêu dùng chọn sản phẩm thay vì các sản phẩm lợi khuẩn thông thường. Minh chứng, Nestle SA, cung cấp thức uống sữa chua Bliss Plus có chứa các chủng lợi khuẩn để duy trì sức khỏe tiêu hóa. Vào tháng 8/2021, Silk của Danone ra mắt một loại sữa chua Hy Lạp có nguồn gốc thực vật. Với cơ sở là nước cốt dừa và protein đậu, dòng sữa chua dừa kiểu Hy Lạp có sẵn 4 hương vị vani, dâu tây, chanh và việt quất. Mỗi khẩu phần được chứng nhận thân thiện với người ăn chay.

Cùng thời điểm, Lactalis India - công ty con của Tập đoàn Lactalis (Pháp), gia nhập thị trường sữa chua Ấn Độ với việc ra mắt Lactel Turbo Yoghurt Drink, với hương vị xoài và dâu tây.

Trung Quốc là thị trường sữa chua lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì thế những tay chơi ở thị trường sữa không thể bỏ qua, họ liên tục giới thiệu các loại sữa chua có hương vị mới. Chẳng hạn, vào tháng 7/2022, CP-Meiji đã giới thiệu một loại sữa chua có hương vị cam quýt và thạch dừa dai.

Thị trường rộng mở, nhưng cạnh tranh khốc liệt. Vinamilk sẽ phải không ngừng cố gắng nếu không muốn bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank lập “Hat-trick” giải thưởng quốc tế với giải pháp Quản trị nguồn vốn C-Cash

    Techcombank lập “Hat-trick” giải thưởng quốc tế với giải pháp Quản trị nguồn vốn C-Cash

    Giải pháp Quản trị nguồn vốn C-Cash của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) vừa được Tạp chí Corporate Treasurer vinh danh ở hai hạng mục cao nhất “Sáng kiến quản trị nguồn vốn sáng tạo nhất” (Most Innovative Treasury Initiative) và “Giải pháp quản trị nguồn vốn bền vững tốt nhất” (Best for Sustainable Treasury Solutions) trong khuôn khổ lễ trao giải tổ chức tại Hồng Kong (Trung Quốc).

  • Khách hàng hưởng lợi kép từ giải pháp bán xe cũ, lên đời xe mới của VinFast

    Khách hàng hưởng lợi kép từ giải pháp bán xe cũ, lên đời xe mới của VinFast

    Theo các chuyên gia, việc VinFast bắt tay FGF triển khai chương trình “Thu cũ xe xăng - Đổi mới xe điện” không chỉ giúp xóa bỏ các rào cản và tiếp thêm động lực để khách hàng dễ dàng chuyển đổi sang xe điện mà còn cho thấy một chiến lược tổng lực của hãng xe Việt nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu phủ xanh Việt Nam.

  • PVcomBank nhận hai giải thưởng tại Hội nghị Tổ chức thành viên NAPAS 2024

    PVcomBank nhận hai giải thưởng tại Hội nghị Tổ chức thành viên NAPAS 2024

    Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa được vinh danh ở hai hạng mục giải thưởng dành cho “Ngân hàng dẫn đầu trong việc triển khai dự án mang tính đổi mới” và “Ngân hàng năng động trong việc hợp tác, triển khai các dự án với NAPAS” do Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) trao tặng tại sự kiện Hội nghị tổ chức thành viên NAPAS 2024, tại Cam Ranh, Khánh Hòa.

Top