Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) Thừa Thiên - Huế đã thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn, giúp họ vượt qua những rào cản, phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Cầu nối bảo trợ
Với bề dày truyền thống hoạt động, Trung tâm CTXH-QBTTE tỉnh Thừa Thiên - Huế đã không ngừng lớn mạnh về cả quy mô lẫn chất lượng. Nơi đây trở thành cầu nối bảo trợ người cao tuổi và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bình quân số người Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc là 120 người, bao gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, lang thang xin ăn, lang thang cơ nhỡ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đây là những người yếu thế trong xã hội.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng được quan tâm từ khâu mua lương thực, thực phẩm đến nấu nướng để làm sao bữa ăn của các đối tượng được an toàn, có chất lượng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đủ dinh dưỡng mỗi ngày... đến công tác điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần cho các đối tượng.
Trung tâm CTXH-QBTTE tỉnh Thừa Thiên - Huế là “Nơi đáng sống” của những người yếu thế, là cơ sở dưỡng lão có chất lượng của người tự nguyện đóng kinh phí vào sống tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trung tâm phối hợp tốt với các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Huế tổ chức khám bệnh định kỳ cho các đối tượng, với sức khỏe của mỗi người, Trung tâm sẽ có giải pháp chăm sóc, điều trị và phục vụ phù hợp.
Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng, Trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến dạy dỗ, tổ chức vui chơi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại Trung tâm và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng với nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa, nhân văn. Trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề nhằm giúp các cháu phát triển toàn diện cả thể chất, trí tuệ, nhân cách.
Bên cạnh chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, từ năm 2017 đến nay, được sự cho phép của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm triển khai dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng kinh phí vào sống tại Trung tâm; dịch vụ này ngày càng được xã hội đón nhận và ngày càng phát triển (gọi tắt là dịch vụ chăm sóc người tự nguyện). Hiện tại, Trung tâm nuôi dưỡng 33 người tự nguyện (nữ 19 người, nam 14 người).
Lãnh đạo, viên chức, người lao động của Trung tâm luôn yêu thương, có trách nhiệm với người tự nguyện, thân nhân người tự nguyện; nhiều người thân người tự nguyện phối hợp tốt với cán bộ của Trung tâm. Hầu hết người tự nguyện sau một thời gian sống tại Trung tâm đều đánh giá cao công tác chăm sóc, nuôi dưỡng của đơn vị.
Ông Trần Văn Khải, Giám đốc Trung tâm CTXH-QBTTE Thừa Thiên -Huế, cho biết: “Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là vấn đề chăm lo sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Vấn đề sức khỏe của các đối tượng, đặc biệt những trường hợp bị liệt, khuyết tật nặng thường xuyên được quan tâm chăm sóc, nhất là khâu vệ sinh. Thời gian qua, đơn vị cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các mạnh thường quân nên chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn của các đối tượng được nâng lên so với trước.
Năm 2024, Trung tâm tiếp nhận thêm 13 người (6 bảo trợ xã hội, 6 lang thang xin ăn chuyển sang dài hạn, 01 trẻ em bị bỏ rơi vào nuôi dưỡng dài hạn); có 536 lượt người được đưa đi khám tại bệnh viện. Hiện, Trung tâm có 12 cháu đang theo học tại các trường công lập (02 cháu mầm non, 5 cháu tiểu học, 03 cháu học trung học phổ thông, 02 cháu học đại học).
Lãnh đạo Trung tâm CTXH-QBTTE tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm hỏi và tặng quà cho người được nuôi dưỡng tại Trung tâm.
“Nơi đáng sống” của người yếu thế
Để góp phần duy trì, nâng cao sức khỏe, tạo môi trường tươi vui, giảm thời gian nhàn rỗi, đồng thời mang lại thu nhập cho các đối tượng, Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - lao động trị liệu, qua đó thu hút: 9 người tham gia làm hương; 6 người xếp giấy vàng mã; 2 người chăn nuôi; 9 người trồng trọt và một số người tham gia các hoạt động khác, từ đó sức khỏe và tinh thần các đối tượng được nâng lên rõ rệt.
Cũng theo ông Khải: “Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song bằng tình thương, trách nhiệm của những người làm công tác xã hội, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm CTXH-QBTTE Thừa Thiên - Huế đã mang yêu thương, thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn. Trung tâm vẫn còn nhiều việc phải làm để chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tốt hơn nữa, như: Tiếp tục hình thành môi trường sống, môi trường lao động sản xuất - lao động trị liệu xanh, sạch, sáng, thoáng mát; đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và giải trí; kêu gọi xã hội cùng chung tay để chăm lo các đối tượng ngày càng tốt hơn… Vất vả nhiều khi không đong đếm được nhưng cán bộ Trung tâm luôn tự hào về nghề của mình; cống hiến hết mình bằng cái Tâm, nhằm giúp đỡ người yếu thế vượt qua những rào cản của cuộc sống, giúp họ phát triển, hòa nhập với cộng đồng và để Trung tâm là “Nơi đáng sống” của người yếu thế, là cơ sở dưỡng lão có chất lượng của người tự nguyện đóng kinh phí vào sống tại Trung tâm.