Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 2 năm 2023 | 8:14

Vị Xuyên - Đất thiêng nơi địa đầu Tổ quốc

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức hào hùng của mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi địa đầu của Tổ quốc vẫn còn lưu mãi.

Chính ở mảnh đất này, hàng nghìn người con đất Việt đã ngã xuống để tạo nên một “bản hùng ca bất tử” cho non sông hôm nay, ngày mai và mãi muôn đời sau.

Bản hùng ca bất tử

Trong dịp đầu Xuân, tôi rất may mắn được hòa theo cùng đoàn công tác của Tạp chí Kinh tế nông thôn ngược lên cao nguyên đá Hà Giang để thắp nén hương tri ân các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ở mặt trận Vị Xuyên (giai đoạn 1979-1989). Sau khi vượt qua hàng trăm cây số với quãng đường đèo dốc, đoàn đã đến vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc, đó là huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang hôm nay.

Đoàn vào thắp hương tri ân các Anh hùng Liệt sỹ.

Đoàn đứng nghiêm trang trước Đền thờ Liệt sỹ.

Đoàn dâng hoa, dâng hương...

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của 1.863 liệt sỹ và một phần mộ liệt sỹ tập thể, trong đó trên 1.600 liệt sỹ từ khắp cả nước hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Mùa này, lên với cao nguyên đá Hà Giang nói chung, huyện Vị Xuyên nói riêng khí hậu thật trong lành. Nằm sát bên QL2, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên là điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi khi đặt chân tới đây. Được biết, quần thể Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên được thiết kế xây dựng nằm tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng ra phía trước là dòng sông Lô lịch sử. Ấy cũng là biểu trưng cho sức sống quật cường của nhân dân các dân tộc anh em trên mảnh đất Hà Giang này.

Tại đây, cô giáo Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vị Xuyên cho biết, khu nghĩa trang này được ví như “bản hùng ca bất tử” về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài suốt một thập kỷ. Nghĩa trang Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của 1.756 liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến này, đặc biệt là mặt trận phía Tây của Vị Xuyên và các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang.

Một nhân viên hướng dẫn tại Nghĩa trang cho biết, đầu năm 1990, khu nghĩa trang này được khởi công xây dựng, đến năm 1991 thì hoàn thành. Nghĩa trang có đài hương với kiến trúc uy nghiêm, thiết kế 3 chân vững chắc của đài hương tượng trưng cho 3 nén hương thơm. Vòng tròn và hai đai bệ của chân đài hương là biểu tượng những chiếc cầu vai vững chãi của những người lính hiên ngang, hùng dũng. Đặc biệt, trên đỉnh đài hương là 7 vòng tròn tượng trưng cho 7 năm kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, bên dưới là dòng chữ “TỔ QUỐC GHI CÔNG”. Tới thăm viếng nơi này, ắt mọi người sẽ cảm nhận một không gian linh thiêng và cảm động trước sự tàn khốc của cuộc chiến với tâm nguyện “ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ”.

Sau khi kính cẩn dâng lên các Anh hùng Liệt sỹ những vòng hoa tươi thắm và những nén hương thơm ngọt ngào, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn không khỏi xúc động chia sẻ: Cách đây 44 năm, rạng sáng 17/2/1979, quân bành trướng đã tấn công chúng ta trên toàn biên giới phía Bắc, từ Pò Hèn (Quảng Ninh) đến Pa Nậm Cúm (Lai Châu). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc với hào khí quật cường của dân tộc anh hùng đã kiên cường, sáng tạo, bẻ gãy và giáng nhiều đòn đau xuống đầu kẻ thù xâm lược. Kết quả là, ngày 5/3/1979, tức là chỉ sau 17 ngày, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân. Ngày 18/3/1979, về cơ bản, Trung Quốc đã rút quân ra khỏi nước ta trên tất cả các hướng. Tuy vậy, mặt trận Vị Xuyên(Hà Giang) vẫn chưa dừng tiếng súng. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương ở Vị Xuyên kéo dài khốc liệt tới 10 năm, đến tháng 10 năm 1989 mới chính thức kết thúc.

Trước anh linh của các Anh hùng liệt sỹ, thay mặt đoàn công tác Tạp chí Kinh tế nông thôn, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã không tiếc máu xương, hiến dâng cả tuổi thanh xuân đời mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Không những thế, các anh, chị (các Anh hùng Liệt sỹ) còn là những người con bất tử, đã hy sinh cho Tổ quốc. Các Anh hùng Liệt sỹ ở Vị Xuyên còn viết nên những trang sử vàng chói lọi, soi đường cho các thế hệ tiếp theo bước tiếp. Điều đáng nói, tinh thần và ý chí của những người đã hy sinh nơi đây vẫn luôn và sẽ sống mãi với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Đó chính là sự trường tồn, bất diệt và cũng là chân lý, là lẽ sống mà không một thế lực nào có thể khuất phục được. Vì thế, chúng ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh to lớn đó.”

Nhân dịp này, Chương trình trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó của Trường Tiểu học, THCS Thị trấn Vị Xuyên đã được tổ chức.

Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại biết vươn lên để học tập tốt của cả 2 cấp học.

Cô giáo Trần Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vị Xuyên phát biếu cảm ơn đoàn.

Ấm lòng người ngã xuống

Được biết, hiện nay Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên giống như một điểm nhấn về du lịch tâm linh. Hằng năm có hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về để kính cẩn nghiêng mình dâng vòng hoa thắm, thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính đối với các anh, các chị - những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh cho dân tộc.

Hòa trong dòng người về đây thăm viếng Nghĩa trang, ông Đào Ngọc Quỳnh (một cựu chiến binh - nguyên là Đại tá của một đơn vị quân đội) từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở đây chia sẻ: Dẫu đã về hưu và cùng gia đình định cư ở Hà Nội nhưng năm nào tôi cùng một số cựu chiến binh, cũng từng là bạn chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên rủ nhau lên đây thắp hương cho đồng đội đã nằm lại ở chiến trường xưa.

Vì là người trực tiếp tham gia chiến đấu nên Đại tá Đào Ngọc Quỳnh đã chứng kiến sự ác liệt và tàn khốc của cuộc chiến này. Vì thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm (kể từ 1984- 1989), đã hơn 4.000 chiến sỹ của ta hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy. Đại tá Quỳnh còn nhớ, trong đó ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến này là ngày 12/7/1984, hơn 1.000 người đã ngã xuống. Họ đa phần là thanh niên chỉ mới mười tám, đôi mươi, cái tuổi đang đầy nhiệt huyết và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc.

Cùng đoàn đến từ Thủ đô Hà Nội, cựu chiến binh Lại Duy Quỳ, nguyên Thượng tá Quân đội (thuộc Tổng cục Kỹ thuật, QK1) là người trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên cũng không dấu nổi xúc động khi về đây thắp hương cho đồng đội của mình. Thượng tá Lại Duy Quỳ cho biết, ngày đó, mặc dù đã học xong đại học nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, cũng như bao người con yêu dấu khác của quê hương đất Việt , tôi tình nguyện lên đường chiến đấu. Tại mặt trận Vị Xuyên, Thượng tá Quỳ là người trực tiếp phục vụ chiến đấu nên đã chứng kiến nhiều đồng đội của mình đã chiến đấu ngoan cường cho đến hơi thở cuối cùng. Vì thế, mỗi lần về bên nghĩa trang này không khỏi rơi lệ, vì nhớ thương đồng đội của mình đang nằm lại nơi đây.

Thượng tá Lại Duy Quỳ không khỏi xót xa: “Một số đồng đội của tôi đã được an nghỉ vào nghĩa trang, nhưng cũng không biết bao nhiêu người vẫn đang còn nằm lại nơi rừng xanh, vách đá của mảnh đất cao nguyên Hà Giang này”.

Cũng trong chuyến hành hương về Vị Xuyên lần này, điều rất đặc biệt đó là đoàn công tác của Tạp chí Kinh tế nông thôn cùng với Câu lạc bộ Tennits báo chí Nghệ An kết hợp Công ty TNHH Bia Quốc tế CAMEL, Công ty Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An đã trao tặng 20 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, chăm ngoan học giỏi của Trường THCS và Tiểu học thị trấn Vị Xuyên (Hà Giang), mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng ngay tại khuôn viên Nghĩa trang Vị Xuyên này.

Tóm tắt diễn biến chiến sự mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (tức Hà Giang và Tuyên Quang ngày nay).  

- Từ 2/4 – 28/4/1984: Địch tập trung pháo binh bắn phá khu vực Vị Xuyên, từ điểm cao 1545 đến điểm cao 1030.

- Từ 28/4 – 30/4/1984: Địch bắn pháo để chi viện cho bộ binh tấn công đánh chiếm các điểm cao 226, 233, bình độ 300 - 400, 1509, 772, 685. Trong 2 ngày địch đã chiếm được 226, 233, 772, 1509, bình độ 300 - 400, E1, 685 và lấn vào lãnh thổ VN khoảng 2 km.

- Ngày 15/5/1984: Địch mở đợt tiến công phía đông sông Lô và sau đó đã chiếm được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250, đài 2, M13 (như vậy, từ 28/4 đến 16/5/1984, địch chiếm 18 điểm, triển khai phòng ngự chốt giữ 29 điểm trên lãnh thổ VN. Trong đó có khu 1509, 772, Si Cà Lá 1030, 1250 Núi Bạc).

- Ngày 12/7/1984: Ta nổ súng tiến công giành lại các chốt bị chiếm đóng. Tuy đã chiến đấu rất quyết liệt nhưng đợt tiến công của ta đã không thành công.

- Bộ Tư lệnh mặt trận mở đợt tấn công vây lấn từ 18/11/1984 đến 18/1/1985. Dù chưa khôi phục hoàn toàn khu vực A5, 300 - 400, 685 nhưng ta đã giành được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ, bám sát địch.

- Trong 2 năm 1985 - 1986: Địch tiếp tục mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm trận địa của ta. Chiến sự diễn ra khá quyết liệt, có những nơi như ở Bốn Hầm, ta và địch giành giật nhau tới 38 lần, điểm cao 685 tới 41 lần, đồi Cô Ích tới 45 lần.                           

- Từ năm 1987 trở đi: Chiến sự ở mặt trận Vị Xuyên dần lắng xuống. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm phía bắc suối Thanh Thủy.

- Ngày 13/3/1989: Địch rút khỏi 20 điểm chiếm đóng và đến tháng 9/1989, địch rút khỏi 9 điểm còn lại.

(Theo Đại tá Bùi Thuận Hóa, nguyên Trưởng phòng, Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị)

 

 

Phan Sáng
Ý kiến bạn đọc
Top