Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 3 năm 2021 | 13:49

Doanh nhân Phạm Thị Huân: Một đời tìm hướng phát triển cho trứng gia cầm Việt Nam

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (9-10/12/2020), bà được vinh danh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới giai đoạn 2016-2020.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Kinh tế nông thôn giới thiệu với bạn đọc một nữ doanh nhân gắn bó với nông nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng - Bà Ba Huân (nữ hoàng hột vịt), người tiên phong đưa trứng gia cầm Việt ra thị trường thế giới. 

 

t14.jpg
Doanh nhân Phạm Thị Huân bên dây chuyền công nghệ tự động hóa, xử lý trứng sạch theo tiêu chuẩn quốc tế được nhập từ Hà Lan.
 

Khởi nghiệp từ năm 16 tuổi, bà Phạm Thị Huân cùng với mẹ ngược xuôi khắp các tỉnh miền Tây sông nước để thu gom và phân phối trứng gia cầm.

Từ nền móng đầu tiên như vậy, nữ doanh nhân Phạm Thị Huân, giờ là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ba Huân (doanh nghiệp Ba Huân), người cả một đời luôn canh cánh tìm hướng đi cho trứng gia cầm Việt Nam.

Thương hiệu trứng Ba Huân và những bước đi đầu tiên

Bắt đầu từ việc xuôi ngược khắp vùng sông nước từ Long An đến Kiên Giang để thu gom và phân phối trứng gia cầm; sau ngày Giải phóng, doanh nhân Phạm Thị Huân tham gia vào Công ty Nông sản Thực phẩm tỉnh Kiên Giang để tiếp tục kinh doanh ngành trứng.

Năm 1985, bà quyết định lên Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) mở vựa trứng riêng và hình thành thương hiệu trứng Ba Huân. Năm 2001, bà bước đầu đi vào chuyên nghiệp hóa với việc kinh doanh sản phẩm gia cầm. Doanh nghiệp Ba Huân ra đời ngày 30/7/2001. Từ đó, thương hiệu Ba Huân đã trở thành  cái tên quen thuộc của người tiêu dùng Việt và một số quốc gia khác Malaysia, Singapore, Trung Quốc...

Năm 2003, trước khủng hoảng dịch cúm gia cầm, nhiều gia đình nông dân với chuồng trại nuôi gà, vịt lấy trứng truyền thống bỗng chốc phá sản. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến mất nguồn cung ứng nguyên liệu.

Trước sự việc đó, bà Huân đã đi khắp các nước châu Âu, châu Á và dừng chân tại Tập đoàn MOBA Hà Lan, nơi có thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giới. Từ đây, bà mạnh dạn đầu tư một dây chuyền công nghệ tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/ giờ.

Năm 2009, do nhu cầu phát triển, Doanh nghiệp Ba Huân tiếp tục mua thêm máy xử lý trứng thứ 2, công suất gấp đôi (120.000 trứng/giờ). Đến năm 2013, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và hình thành chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp đã xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại Tân Uyên (Bình Dương) chuyên nuôi gà lấy trứng, quy mô 18 ha, tổng đàn 1 triệu con; song song đó xây dựng Nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 15 tấn/giờ.

Năm 2014, để đa dạng hóa sản phẩm gia cầm, công ty xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm tại huyện Đức Hòa (Long An) với quy mô 7ha. Năm 2015, công ty xây dựng trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao tại huyện Thạnh Hóa (Long An) chuyên nuôi gà lấy thịt, quy mô 30ha. Những năm tiếp theo trong xu hướng mở rộng phát triển, công ty đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại Phúc Thọ (Hà Nội).

Trang trại gà lấy thịt cùng các sản phẩm chế biến như trứng luộc, xúc xích, lạp xưởng, chân gà ngâm chua, bánh flan... được triển khai 2 năm qua là bước tiếp nối trên chặng đường đồng hành với người tiêu dùng của công ty.

Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp có 6 trạm trung chuyển, 30 đại lý, 400 điểm bán lẻ và kệ hàng hóa phân phối tại các siêu thị, chợ truyền thống.

Làm nông nghiệp bằng cái Tâm với người nông dân

Trải qua chặng đường dài từ ngày đặt những viên gạch đầu tiên, thời điểm hiện tại, thương hiệu Ba Huân không những được người tiêu dùng trong nước tin tưởng sử dụng mà cả những thị trường khó tính cũng tin dùng.

Trong suốt quá trình phát triển, Doanh nghiệp Ba Huân luôn đồng hành cùng người nông dân và khách hàng sử dụng sản phẩm của mình. Minh chứng rõ nhất là việc doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường. Ngay sau khi đầu tư công nghiệp hóa cho ngành trứng gia cầm, Doanh nghiệp Ba Huân đã tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố với một mong mỏi cộng đồng cư dân được sử dụng trứng sạch. Suốt 13 năm qua, công ty kiên trì đồng hành cùng hoạt động nhiều ý nghĩa này.

Doanh nghiệp Ba Huân ngoài việc liên kết với các hộ nông dân chăn nuôi gia cầm đã chủ động tạo nguồn nguyên liệu trứng tại các trang trại của công ty ở Kiên Giang, Bình Dương. Nguồn hàng bình ổn của công ty luôn ổn định và ngày càng phát triển. Ngoài việc chăn nuôi gà lấy trứng thông thường, công ty đã ổn định các trại gà lấy trứng omega3 nhằm tăng thêm dưỡng chất vào nguồn thực phẩm phục vụ đời sống ngày càng cao của người dân.

Khi được hỏi về việc nghỉ ngơi và chuyển giao cho thế hệ sau tiếp tục phát triển thương hiệu Ba Huân, doanh nhân Phạm Thị Huân chia sẻ: “Ở tuổi 67, tôi cảm thấy mình vẫn còn đủ sức khỏe, sự minh mẫn và tâm huyết để tiếp tục gây dựng Công ty Ba Huân. Nhiều CEO của các tập đoàn lớn cũng đã có ý định hợp tác với tôi nhưng tôi vẫn muốn tự mình chèo lái con thuyền Ba Huân. Bởi vì tôi làm nông nghiệp bằng niềm đam mê, bằng cái Tâm với người nông dân. Còn biết đâu, một số tập đoàn họ làm chỉ vì lợi nhuận. Hơn nữa, nếu có cổ phần hóa và đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông thì mục tiêu lợi nhuận phải đặt lên hàng đầu. Điều đó lại đi ngược lại với chủ trương bình ổn giá mà Công ty Ba Huân đang nỗ lực tham gia cùng TP. Hồ Chí Minh. Chạy theo lợi nhuận, bỏ rơi quyền lợi của người nông dân là điều tôi không thể làm.

Do đó, tôi sẽ cố gắng gây dựng thêm dăm năm nữa rồi sẽ chuyển giao cho con cái kế nghiệp. Mấy đứa con tôi cũng rất đồng tâm, có Tâm với nhà nông và gắn bó với trứng sạch, nhưng lúc này tôi vẫn phải dấn thân để là tấm gương, động lực cho các con noi theo”.

Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới để đưa trứng gia cầm sạch mang thương hiệu Ba Huân đến tay người tiêu dùng khu vực phía Bắc, Doanh nhân Phạm Thị Huân xác định: “Trứng gia cầm mang thương hiệu Ba Huân không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, vì giá trứng của Ba Huân vẫn ngang bằng với giá trứng chưa xử lý ngoài thị trường nên lợi thế cạnh tranh rất lớn. Chắc chắn, người tiêu dùng miền Bắc sẽ đón nhận và tin tưởng sản phẩm Ba Huân. Tôi tâm niệm làm gì cũng nghĩ đến lợi ích cộng đồng trước tiên. Tạo thương hiệu, tạo dấu ấn đã khó, giữ thương hiệu càng khó hơn, nên chúng tôi luôn đặt chất lượng hàng đầu, để giữ chữ Tín với người tiêu dùng”.

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top