Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 3 năm 2021 | 13:12

Mong ước nhỏ nhoi của người mẹ nghèo

Lấy chồng nhưng sớm ly hôn, một mình nuôi con nhỏ, chị Đặng Thị Hồng Nhung ở xã Hoà Mỹ Đông, huyện Tây Hoà cùng con gái đã lay lắt sống tạm qua ngày nhờ tình thương của hàng xóm. Khi “ra riêng” với căn chòi nhỏ dựng tạm, mẹ con chị mừng rơi nước mắt.

Một ngày đầu tháng 3/2021, chúng tôi di chuyển gần 40 cây số từ TP. Tuy Hòa về thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa, Phú Yên) đến thăm “nhà” của chị Đặng Thị Hồng Nhung (SN 1990). Gọi là “nhà” cho sang, bởi thực chất đó chỉ là một căn chòi nhỏ được dựng bằng khung tre, vách quây bạt công trình xây dựng còn lấm lem bụi xi măng, còn mái lợp bằng những tấm tôn cũ, chắp vá và phủ bạt để che mưa che nắng. Vật dụng trong nhà thì vô cùng đơn sơ, chỉ có chiếc giường nhỏ đủ chỗ cho hai mẹ con, một cái bàn nhựa kê ở góc làm nơi tiếp khách. Đối diện với “phòng khách” là một chiếc bàn gỗ nhỏ kê làm bếp; xoong, chảo thì được treo móc gọn gàng trên tấm lưới B40 ngăn với nhà hàng xóm. Đó là cả gia tài của mẹ con chị Nhung, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng có ý chí kiên cường.
 
Lập gia đình vào năm 23 tuổi, chị Đặng Thị Hồng Nhung theo chồng về sinh sống ở huyện Sơn Hòa. Những tưởng sau khi cưới vợ, chồng chị Nhung sẽ tu chí làm ăn, nhưng “ngựa quen đường cũ”, anh này suốt ngày rượu chè, bài bạc; chị Nhung nhắc nhở thì “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Kể cả khi chị Nhung mang thai, rồi sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Đặng Thảo Nhi vào năm 2014, chồng chị vẫn không đổi tính nết nên chị đưa con gái về nhà ba mẹ đẻ của mình ở xã Hòa Mỹ Đông nương nhờ.
 
img_20210312_221910.jpg
Mẹ con chị Nhung bên cạnh căn chòi dột nát

Thế nhưng, ba mẹ chị Nhung không khá giả, lại đang sống chung với gia đình em trai chị Nhung, giờ phải cưu mang thêm mẹ con chị thì rất khó khăn. Chưa kể, em trai chị Nhung tính tình nóng nảy, mỗi khi nghe tiếng khóc của trẻ con trong nhà, anh này nổi trận lôi đình, chửi bới cả chị lẫn cháu.

“Thấy tình hình này không thể kéo dài, tôi đành gạt nước mắt, dọn đồ, ôm con đi khỏi nhà ba mẹ. May sao lúc đó có một người trong xóm thương tình, bảo tôi cứ vào ở ké nhà họ rồi làm lụng nuôi con chứ thân gái một mình đi đâu cũng bất tiện. Như người sắp chết đuối vớ được cọc, tôi cảm ơn cô rối rít”, chị Nhung nhớ lại.

Ở nhờ nhà hàng xóm được một thời gian thì người này phải sửa lại nhà nên chị Nhung đành dọn đi. Khi mẹ con chị Nhung chuẩn bị đối mặt với cảnh “màn trời chiếu đất” thì ba mẹ chị gọi về. “Ba mẹ tôi bảo nhà nghèo, không thể giúp đỡ mẹ con tôi nhưng cũng không nỡ để con gái và cháu phải lang thang hết chỗ này đến chỗ khác nên đồng ý cắt một phần đất vườn cho mẹ con tôi dựng chòi tá túc. Sáng hôm sau, tôi liền chạy đi mua mấy cây tre to về dựng chòi. Biết hoàn cảnh khó khăn của mẹ con tôi, hàng xóm cho tre mà không lấy tiền. Rồi một nhà khác cho tấm bạt che chắn công trình xây dựng và mấy tấm tôn cũ. Với bao nhiêu nguyên vật liệu chắp vá đó, cùng công sức phụ giúp của ba mẹ và mấy đứa em trai, trong 1,5 ngày, căn chòi của hai mẹ con tôi đã thành hình. Chỉ là căn chòi đơn sơ nhưng đêm đầu tiên “ở riêng”, mẹ con tôi mừng đến phát khóc. Con gái nhỏ ngây thơ nói: Mừng quá mẹ ơi, từ nay mình không phải ở ké nữa rồi”, kể tới tới đây, mắt chị Nhung rơm rớm nước.

Hàng ngày, chị Nhung gửi con đi học rồi rong ruổi khắp các đường to, đường nhỏ để bán vé số dạo. Vì còn phải lo con nhỏ nên chị không bán được nhiều, mỗi ngày chỉ lời được 70.000 - 80.000 đồng. Với số tiền này, chị chi tiêu, lo ăn uống trong nhà, đóng tiền học cho con, và nhín nhịn tiết kiệm được 20.000 - 30.000 đồng/ngày, để phòng khi trái gió trở trời thì có tiền lo liệu cho con, cho mình. Chị cho biết, lúc con gái 5 tuổi, còn gửi trẻ thì hôm đó con bỗng dưng con sốt cao, đau bụng, ói mửa. Chị đang đi bán vé số thì cô giáo gọi, bảo đưa cháu đi bệnh viện. Một thân một mình, chị sấp ngửa quay về chở con đến bệnh viện huyện, rồi chuyển xuống tuyến tỉnh ở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Con qua cơn nguy kịch nhưng phải nằm điều trị một thời gian, tiền thuốc thì đã có bảo hiểm y tế lo vì lúc đó con chị chưa đến 6 tuổi nhưng tiền ăn không biết kiếm đâu ra. “May sao lúc đó, những người đi chăm con ở cùng phòng mách tôi biết bệnh viện có chỗ phát cơm từ thiện, họ bảo tôi cứ đi lấy cơm, họ sẽ trông con giúp. Nghe vậy, tôi mừng lắm, đi ngay. Nhờ cơm, cháo từ thiện của bệnh viện mà mẹ con tôi vượt qua những ngày khó khăn đó”.

Theo chị Nhung, chị chịu khổ từ nhỏ nên bây giờ, khổ thêm một chút chị cũng cố gắng được. Chỉ thương đứa con nhỏ, gầy yếu thiếu ăn, lại phải sống trong cảnh thiếu thốn, ở chòi tạm mưa dột, gió lùa nên sức khỏe không đảm bảo. “Bây giờ, mong ước lớn nhất của tôi là xây được căn nhà, dù nhỏ thôi, nhưng vững chãi để hai mẹ con có chỗ che mưa che nắng an toàn. Thú thật, từ ngày ở chòi, mặc dù nhẹ nhõm vì không phải “ăn nhờ ở đậu” nữa nhưng tôi luôn nơm nớp lo lắng, sợ mưa to gió giật thổi bay căn chòi này rồi mẹ con tôi biết sống ra sao...”, chị Nhung ngập ngừng nói, ánh mắt nhìn về phía xa xăm như mong mỏi một điều kỳ diệu sẽ đến với mẹ con chị./.
 
 
 
Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top