Như vậy sau hơn nửa năm triển khai, chương trình của Tân Hiệp Phát đã khởi công được 12 cây cầu thép dây văng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đưa con số người dân được hưởng lợi trực tiếp lên hàng trăm ngàn.
Cầu Cựa Gà, ấp 8, xã Tân Lộc bắc qua sông Cựa Gà ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bị bong tróc bê tông, lòi cả sắt ra ngoài, phải dùng cây gỗ chống đỡ |
Vùng đất Mũi Cà Mau sông nước mênh mông, có những nơi đã có cây cầu nhưng nằm trong vùng ngập mặn nên cầu chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là hư hỏng, dẫn đến nguy hiểm cho những người lưu thông trên cầu, đặc biệt là những học sinh đi học hàng ngày.
Điển hình là cây cầu Cựa Gà, ấp 8, xã Tân Lộc bắc qua sông Cựa Gà ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau bị bong tróc bê tông, lòi cả sắt ra ngoài, phải dùng cây gỗ chống đỡ. Hơn 1200 hộ dân trong xã thường xuyên phải đi lại trên cây cầu như thế ai cũng cảm thấy bất an vì không biết lúc nào cầu sẽ sập.
Ở Ấp 8, xã Trí Lực với dân số trên 7000 người còn khổ hơn nhiều vì không có cây cầu bắc qua kênh Kiểm để đi lại. Ý tưởng làm một cây cầu cũng có từ rất lâu rồi, nhưng ngặt nỗi lòng sông rộng trên 35 m, nước chảy siết, nếu bắc cầu tạm thì không đủ vững chắc, làm cầu kiên cố thì không đủ kinh phí. Chính quyền địa phương dù biết nhưng lực bất tòng tâm, còn người dân thì quá nghèo chỉ có thể lo “chạy ăn” từng bữa mà không thể làm gì hơn được.
Không hiếm những cảnh các em học sinh sau khi tan học phải đứng bên bờ sông đợi cha mẹ chèo ghe đón về, nhiều hôm cha mẹ có việc đi đón trễ mà đứng bên bờ đói meo bụng.
Cô Nguyễn Hồng Gấm chèo đò đưa khách qua kênh Kiểm được 6 năm cho biết: "Người ta qua lại tôi lấy cũng có hai ngàn một chiếc xe máy vậy đó, còn đi bộ thì khỏi. Tôi mong có chiếc cầu qua đây dữ lắm, mấy hôm nửa đêm đau bệnh, đi qua đi lại nó khó dữ lắm. Ngày nào tôi cũng ra đây đúng 11h ngồi canh để đưa mấy đứa nhỏ kịp đi học đúng giờ. Lúc nào cũng vậy, phải có một người ở nhà đưa đò, không nghỉ được."
Thấu hiểu những khó khăn của bà con, nhãn hàng Trà Thảo Mộc Dr Thanh của Tập đoàn Number 1 đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đi khảo sát và chọn ra xã Tân Lộc và Trí Lực tham gia chương trình “Nhịp cầu ước mơ”. Theo đó, hai xã sẽ trải qua những phần thi đấu mô phỏng sự khó khăn khi không có cây cầu, xã nào giành chiến thắng sẽ giành được quyền xây dựng chiếc cầu thép dây văng trị giá 700 triệu đồng. Xã thua cuộc sẽ nhận được phần thưởng 50 triệu đồng nộp về Quỹ Hỗ trợ người nghèo của xã.
Cho đến tháng 06/2016, sau hơn nửa năm triển khai chương trình, Tập đoàn Number 1 – Tân Hiệp Phát đã khởi công được 12 cây cầu tại các tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau). Trong số đó có 6 cây cầu đã được khánh thành tại các tỉnh: Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại cho hàng trăm ngàn người dân./.
PV