Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 2 năm 2020 | 14:27

Vừa hoàn thiện chuỗi liên kết, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Việc thực thi EVFTA ngay trong năm 2020 càng có ý nghĩa hơn khi mà kim ngạch xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm và ngưng trệ do dịch Covid-19.

 

tr8d.jpg

Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới đây (sau khi được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 của chúng ta thông qua và Chủ tịch nước phê chuẩn). Đây là cơ hội lớn, tác động tích cực tới nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thuỷ sản.  Bởi EVFTA ngoài ưu đãi về thuế quan và những mặt hàng nông, thủy sản không cạnh tranh nhau, thì tiếp cận thị trường này, doanh nghiêp của ta còn được tiếp cận một nền sản xuất công nghệ cao và giàu tiềm lực về vốn, khoa học, công nghệ.

Việc thực thi EVFTA ngay trong năm 2020 càng có ý nghĩa hơn khi mà kim ngạch xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm và ngưng trệ do dịch Covid-19.

Nói vậy vì, ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần lớn hàng hóa của ta xuất sang EU (27 quốc gia với GDP gần 18.000 tỷ đôla Mỹ, GDP đầu người gần 33.000 USD/năm) được hưởng ưu đãi về thuế quan ngay năm đầu tiên và sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế sau một lộ trình ngắn. Được xóa bỏ thuế quan, các mặt hàng của ta sẽ có giá cạnh tranh hơn so với những mặt hàng cùng loại của quốc gia khác vào EU. Trên sơ sở đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các chuyên gia kinh tế đã tính toán khá chi tiết về việc tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP của chúng ta ngay trong năm 2020 này và nhiều năm tiếp theo.

Tuy nhiên, việc tính toán của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các chuyên gia kinh tế là trên cơ sở ta triển khai tốt nhất các điều khoản của hiệp định. Có nghĩa là chúng ta phải vượt qua các yêu cầu kỹ thuật đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm. Điều này không dễ dàng vì lâu nay, nguyên liệu 2 ngành chủ lực (dệt may, day giày) của chúng ta chủ yếu nhập từ Trung Quốc (quốc gia ngoài EU và chưa có FTA với EU); và những yêu cầu khắt khe về an toàn, minh bạch, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ theo nghĩa rộng (cả quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường, và đời sống người lao động) đối với nông, lâm,  thủy sản. Đó là những quy định không dễ thực hiện bởi các ngành kinh tế có sản phẩm xuất khẩu vào EU của ta chưa phát triển đồng bộ.

Tuy nhiên, với lộ trình từ 3 đến 7 năm tùy ngành hàng, nếu chúng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thì hàng rào kỹ thuật này sẽ không còn làm khó chúng ta. Bởi vậy mới nói, các yêu cầu về kỹ thuật của EVFTA chính là lực đẩy để chúng ta làm nhanh hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường, bài toán mà lâu nay ta còn “đủng đỉnh”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những thách thức mà chúng ta phải vượt qua khi thực hiện EVFTA là con đường phải đi trong hành trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Trong thời điểm này, để có thể đạt thắng lợi kép (vừa chống dịch Covid -19 hiệu quả, vừa giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế), rất cần sự chung tay của mọi cấp, mọi ngành điều chỉnh cơ chế cho phù hợp và sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nông, nhà vườn trong việc tận dụng cơ hội từ EVFTA mang lại.

           

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Vinamilk
Tan A Dai Thanh
hanvet.com.vn
Top