Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  

Chó thả rông, hiểm họa lớn

Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2024 | 15:1

Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

Rất cần phải có những chế tài để xử lý mạnh đối với những hộ dân nuôi chó thả rông, không rọ mõm tấn công người.

Liên tiếp gây họa

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ chó dữ cắn người gây thương tích nặng, thậm chí là tử vong, kể cả chủ nuôi chó cũng bị cắn. Điểm lại một số vụ chó cắn người tử vong hết sức đau lòng thời gian qua mới thấy hiểm họa từ việc nuôi chó thả rông cắn người là không nhỏ.

Chúng ta hẳn vẫn chưa quên vào tháng 5/2023, một bà cụ già 82 tuổi ở tỉnh Bình Dương bị chó Pitbull nhà nuôi cắn xé đến chết. Trước đó vào tháng 2/2023, cháu bé 8 tuổi ở tỉnh Bình Phước sang chơi nhà bà nội bị chó Pitbull cắn dẫn đến tử vong.

Tháng 8/2022, một bà cụ 64 tuổi ở tỉnh Thanh Hóa bị con chó Pitbull nhà nuôi cắn chết chỉ vì vô tình đá đổ đĩa cơm của con chó. Tháng 3/2022, tại Hà Nội, một cháu bé 22 tháng tuổi bị chó Ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong…

Xử lý mạnh tay đối với chó nuôi thả rông không rọ mõm.

Hay tại các gia đình ở miền Tây, hầu như nhà nào cũng nuôi 1 - 2 con chó. thậm chí nhiều hơn để giữ nhà hoặc làm thú cưng. Điều đáng quan tâm là thay vì rọ mõm hay có chuồng, dây xích cẩn thận thì một số gia đình lại thả rông vật nuôi.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Luân, một người dân tại thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) cho biết đã từng không ít lần chứng kiến cảnh người đi đường “trở tay không kịp” khi đang lái xe thì bất thình lình chó từ trong nhà chạy thục mạng ra đường.

Theo anh Luân, việc các con đường nhỏ, hẹp, chó, mèo thả rông tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. “Nguy hiểm quá, nuôi thì phải nhốt lại chứ. Để vậy rồi xe đụng vô té người ta rồi sao. Nông thôn mình là thả ra xuyên suốt luôn mà. Đi ngoài đường gặp nhiều lắm. Mình đụng vô cái mình té đi theo nó luôn à”.

Em Trần Minh Thuận (TP. Long Xuyên, An Giang) cho biết, có hôm đi làm thêm ở một quán ăn về nhà khuya, bất ngờ có một con chó băng ngang đường va vào bánh xe trước, khiến em té lộn mấy vòng.

“Nhờ em chạy chậm và đội nón bảo hiểm, chứ thôi là nguy hiểm rồi. Vụ va chạm khiến em bị trầy tay chân, rách quần áo, còn xe thì gãy kính chiếu hậu và hư hỏng. Vì là chó chạy rông nên em không biết chủ nuôi là ai để yêu cầu chịu trách nhiệm. Do vậy, mọi chi phí xử lý vết thương và sửa xe đều do em tự chi trả. Em mong sao người nuôi chó đừng thả chó chạy rông ngoài đường nữa, quá nguy hiểm” - Thuận chia sẻ.

Chị Phạm Thị Tuyết Hoa (Phú Tân – An Giang) chưa hết ám ảnh tâm sự: “Có lần, tôi chở các con đi trên đường, bỗng một con chó từ trong bụi rậm xông ra rượt theo. Hai con tôi trên xe hốt hoảng, còn tôi thì thất kinh hồn vía, sợ nó cắn 2 đứa nhỏ. Theo quán tính, tôi chỉ biết lao xe như bay đi một khoảng xa, con chó rượt theo không kịp thì 3 mẹ con mới thoát nạn. 

Phương pháp xử lý khi bị chó cắn

Để nhận biết chó có khả năng tấn công khi gặp chúng ở ngoài đường hoặc nơi công cộng, theo huấn luyện viên dạy chó tại nhà Đông Minh Toàn, các vụ chó tấn công người đều có 2 giai đoạn trước và sau tấn công.

Nếu thấy chó có các hành vi như nhe răng, gầm gừ hoặc xù lông cổ, quặp đuôi vào bụng, mắt nhìn không bình thường (trợn mắt hoặc lấm lét nhìn) thì người đối diện phải cảnh giác bởi đây chính là các dấu hiệu chó chuẩn bị tấn công. Đặc biệt cảnh giác, chú ý cao độ nếu bắt gặp pitbull (và các loài chó to) thả rông, không rọ mõm xuất hiện tại nơi bạn đi qua.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS Việt Nam, điều đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, không nên hoảng sợ mà bỏ chạy, vì chó có tập tính săn mồi nên càng bỏ chạy càng kích thích tập tính của chó.

“Trường hợp bỏ chạy áp dụng nếu khi trên tay mình có áo khoác hoặc đồ ăn, nếu là áo thì cố gắng tìm cách che đầu chó lại, nếu là đồ ăn thì vứt ra chỗ khác để đánh lạc hướng. Trong thời gian đó bạn có thể chạy đi”, ông Hà nói.

Khi bị tấn công thì cần một tay che phần cổ, một tay che bộ phận sinh dục, đồng thời hai bàn tay nắm chặt và đứng nguyên. Phần cổ là nơi tập trung nhiều động mạch và tĩnh mạch chính nên rất dễ bị tổn thương. Nếu trong trường hợp khi đang chạy mà bị ngã thì phải nằm úp xuống, hai tay nắm chặt che gáy, như thế độ sát thương khi bị chó cắn sẽ giảm đi.

Nếu lỡ đã bị chó cắn thì cần cố gắng chịu đựng nằm yên vì chúng có thể chỉ cắn một đến hai cái rồi bỏ đi, nếu càng chống cự chúng sẽ càng cắn mạnh và hung hăng. Thậm chí nếu chống cự khi bị chó cắn có thể sẽ làm cho vết thương nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia đều cho rằng, điều quan trọng nhất sau khi bị chó cắn là làm sạch vết thương, dùng bông và nước sạch nhẹ nhàng rửa để vệ sinh ban đầu vết cắn. Tiếp đó dùng thuốc sát trùng để làm sạch vết thương, có thể dùng những thuốc sát trùng như cồn y tế hoặc nước ôxy già để loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định.

Sau khi rửa sạch vết thương, nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để băng bó vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Trường hợp vết thương lớn quá thì cần phải đến ngay bệnh viện để được xử lý và tiêm phòng dại.

Chế tài xử lý

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua (từ năm 2013 đến 2023), Việt Nam vẫn ghi nhận có từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 8 tháng năm 2023, đã có 61 trường hợp tử vong ở 26 tỉnh thành, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù số ca tử vong do bệnh dại ở một số tỉnh đã giảm đáng kể, chỉ số này vẫn tăng ở 20 tỉnh trong giai đoạn 5 năm từ 2017 đến 2021, so với giai đoạn từ năm 2011 đến 2016.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có khoản 1, Điều 7 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng.

Việc thả rông vật nuôi như chó, mèo… trong chung cư hay công viên có thể bị phạt đến 500.000 đồng. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 cũng quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cùng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm: Đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường.

Đáng chú ý, theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, nuôi chó như thế nào để an toàn cho bản thân và xã hội là câu chuyện pháp lý cả xã hội phải quan tâm.

Theo ông Hùng, khi chó gây ra thiệt hại, thì người nuôi chó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Thậm chí nếu chó cắn chết người, thì người nuôi chó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Khách thể của tội này là xâm phạm quyền sống của con người, hậu quả làm chết người.

“Mặt khách quan của tội này là không rọ mõm chó khi thả ra ngoài công cộng, mặt chủ quan của tội này là lỗi vô ý cẩu thả, vì người nuôi chó không nhận thức trước về khả năng đàn chó cắn chết người khi không rọ mõm, nên không cẩn trọng khi thả chó ra; mặt chủ thể của tội này là người nuôi chó trên 16 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt đối với tội vô ý làm chết người là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, người nuôi chó còn phải bồi thường theo quy định tại Điều 601, Bộ luật Hình sự đã nêu trên”, ông Hùng phân tích.

Tuy nhiên, theo luật sư Hùng, Nhà nước ban hành pháp luật rất chặt chẽ, nhưng các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đầy đủ, việc kiểm tra giám sát, xử lý chưa nghiêm dẫn đến tình trạng này.

Chính phủ Việt Nam đã có cam kết đạt được mục tiêu đến năm 2030 loại bỏ các ca tử vong ở người do bệnh dại bằng cách đổi mới Chương trình quốc gia về kiểm soát và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2022-2030.

 Những năm gần đây, số người tử vong do bệnh Dại trong cả nước đang có chiều hướng  tăng. 2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận khoảng 70.000 người bị chó, mèo cắn, phải điều trị dự phòng, 23 người đã tử vong vì bệnh Dại. Năm 2023, cả nước đã có 82 trường hợp tử vong vì bệnh này, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh Dại cho chó, mèo và sau khi bị chó, mèo cắn.

Trước tình hình đó, ngày 14/3/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại do chó, mèo thả rông, gây nguy hiểm cho con người.

 

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top