Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  

HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024 | 10:55

Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

Xây dựng mô hình vườn chuẩn

Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch HLV tỉnh Nghệ An, cho biết, quyết định xây dựng vườn chuẩn giai đoạn 2, từ năm 2021 – 2025, được Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh giao HLV tỉnh chủ trì và triển khai.

Tại huyện Nghĩa Đàn, sau 3 năm thực hiện, vườn chuẩn nông thôn mới của gia đình ông Lê Trọng Mừng ở xóm Lung Thượng (xã Nghĩa Lợi) đã được “khoác áo” bằng màu sắc khác biệt so với trước đây. Với diện tích hơn 2.800m2, trước năm 2020, vườn gần như không cho hiệu quả kinh tế. Cải tạo vườn, gia đình đã quy hoạch theo từng khu: chuồng trại chăn nuôi; khu vực trồng cây ăn quả, rau màu; vườn cây thuốc Nam, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng, sử dụng nhiều biện pháp sản xuất, chăn nuôi sạch như đệm lót sinh học, tăng tỷ lệ thảo dược làm thức ăn trong chăn nuôi. Với cách làm đó, các sản phẩm từ khu vườn của gia đình ông được nhiều thương lái đặt hàng thu mua và thu nhập tăng lên nhiều lần so với trước.

Chủ tịch HLV Việt Nam Lê Quốc Doanh (thứ tư từ phải sang) thăm mô hình VAC tiêu biểu ở Nghệ An.

Ông Mừng phấn khởi cho biết, khi bắt tay xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, cũng có lo lắng, băn khoăn nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, nhất là HLV, gia đình mạnh dạn thực hiện và đến nay thấy rõ được hiệu quả kinh tế cũng như cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đã có nhiều hộ trong xóm tự giác chăm sóc vườn theo hướng vườn chuẩn nông thôn mới.

Vườn hộ của anh Lương Quang Yên ở xóm Xuân Tầm (xã Nghĩa Thành) là mô hình vườn chuẩn nông thôn mới sản xuất theo hướng hữu cơ. Được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, anh Yên mạnh dạn quy hoạch lại vườn và đầu tư thực hiện các hạng mục như làm đường bê tông để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch; lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động điều khiển từ xa; rác hữu cơ được ủ làm phân bón cho cây trồng; áp dụng biện pháp hữu cơ để phòng trừ dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vườn cây phát triển xanh tốt, cây trái trĩu cành, hoa lá đua sắc, đã có nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và đặt hàng thu mua với giá cao hơn so với thị trường, đôi khi không còn đủ để cung ứng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Điều này khẳng định, không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường nhằm gìn giữ cảnh quan, không gian sống trong lành của làng quê theo hướng xanh - sạch - đẹp, mà vườn chuẩn nông thôn mới còn tạo nên cảnh quan nông thôn đáng sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vườn hộ của gia đình anh Yên đoạt giải Nhất cuộc thi “Vườn chuẩn nông thôn mới đẹp năm 2022” của huyện Nghĩa Đàn và đoạt giải Ba của tỉnh.

Hiện, HLV tỉnh Nghệ An có 983 vườn chuẩn đã và đang hoàn thiện để cấp giấy chứng nhận; đến thời điểm này, 348 vườn đã được cấp Giấy chứng nhận vườn chuẩn.

Ngoài ra, mô hình vườn trên sân thượng được HLV tỉnh đẩy mạnh triển khai xây dựng, làm mô hình điểm và nhân rộng, tạo nơi cho hội viên tham quan học hỏi.

Điển hình là mô hình kinh tế VAC tổng hợp của hộ ông Phan Văn Dương. Ông là hội viên người mù Xóm Trù Mét, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn). Mô hình của ông Dương có tổng diện tích 5.000m2, trong đó có 2 ao thả cá, kết hợp trồng ổi, bưởi, chăn nuôi bò, lợn, vịt, gà; thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng/năm, đạt chuẩn vườn nông thôn mới năm 2023.

HLV huyện Thanh Chương cũng đã xây dựng được các mô hình như: Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa trong thời kỳ hội nhập; một số xã đã xây dựng được mô hình nhà lưới công nghệ cao, sản xuất những sản phẩm đạt hiệu quả và giá trị kinh tế cao,  thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 nhà lưới ở các xã Thanh Liên, Thanh Tiên, Võ Liệt, Thanh Lĩnh, Thanh Dương.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm

Thời gian qua, HLV tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật.

Những hoạt động điển hình như: HLV tỉnh kết nối tiêu thụ qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch BiBi Green, qua nhà hàng, khách sạn, tiêu thụ ba ba, gà, cá, nghệ bột,… cho hội viên; HLV Nghi Lộc hỗ trợ tiêu thụ được 3 tấn dưa lưới, dưa chuột, cà chua các loại cho nông dân.

HLV huyện Quỳ Châu tiếp tục tuyên truyền, triển khai có hiệu quả phong trào “May áo chống rét cho trâu, bò”. Trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ 600 chiếc áo bằng bạt và kinh phí mua vật tư trên 21 triệu đồng. Qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại đàn vật nuôi cho bà con nông dân.

HLV- Sinh vật cảnh huyện Nghĩa Đàn đã tham gia giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm bằng cách tạo sản phẩm sạch (đạt sản phẩm OCOP do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 19/05 - Nghĩa Đàn, hội viên của Hội xây dựng nên sản phẩm ổi sạch); kết nối tiêu thụ sản phẩm bưởi sạch, na sạch của hợp tác xã, HLV xã Nghĩa Hiếu; sản phẩm mật ong sạch ở xã Nghĩa Hội; sản phẩm vịt sạch của xã Nghĩa Lợi.

Mô hình vườn chuẩn nông thôn mới của gia đình ông Lê Trọng Mừng, ở xóm Lung Thượng, xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Đàn.

Đẩy mạnh công tác phối hợp theo Nghị quyết liên tịch số 06

HLV tỉnh Nghệ An đã tích cực, chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyên, vận động, hướng dẫn hội viên triển khai thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và kinh tế VAC của tỉnh nói riêng, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất, áp dụng học công nghệ, phát triển các hình thức liên kết gắn sản xuất với với chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho nông dân, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ông Thắng cho biết, năm 2024, Hội tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tập huấn và xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý cấp Giấy công nhận vườn chuẩn cho hội viên, theo kế hoạch của tỉnh, huyện đề ra.

Đẩy mạnh công tác phối hợp theo Nghị quyết số 06/NQLT/BNNPTNT-HLV ngày 09/10/2023 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam giai đoạn 2023-2030 nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển hiệu quả nghề làm vườn, chuỗi giá trị nông sản Việt, từ đó phối hợp đồng cấp giữa hai bên cũng nhịp nhàng hơn, tập huấn xây dựng vườn sân thượng, vườn công nghệ trong khu đô thị, mô hình VAC, ứng dụng công nghệ 4.0 sản xuất theo hướng sạch, xây dựng mô hình và tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên.

Phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn về KHKT, KHCN, xây dựng các mô hình, dự án kinh tế trong lĩnh vực VAC và nhân rộng mô hình.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn.

Xây dựng một số điểm du lịch canh nông, du lịch làng quê nông thôn mới, phát huy vai trò chuyên môn và kết nối của Hội.

 

Vân Nhi

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top