Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  

Triển khai các giải pháp về chống khai thác IUU: Nâng tầm ngành Thủy sản

Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024 | 10:36

Việt Nam xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

Làm tốt việc chống IUU cũng đồng thời giải quyết luôn cho vấn đề của ngành thủy sản, định hướng tương lai cho nghề cá Việt Nam, hướng tới bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vì sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam.

Nhiệm vụ cấp bách

Những năm qua, ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 9 triệu tấn, đóng góp khoảng 30% GDP của ngành nông nghiệp; sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đến 170 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ ba thế giới….

Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU cũng đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC), chưa tuân thủ đầy đủ quy định chống khai thác IUU.

Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; xây dựng chuỗi sản xuất thuỷ sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.

Để đẩy mạnh công tác chống khai thác IUU, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU) và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Cụ thể, xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân ven biển, hải đảo về phát triển bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác IUU.

Ban Bí thư cũng yêu cầu các cấp chú trọng công tác vận động, nắm tình hình, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm, nhất là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

“Khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bổ sung chế tài xử lý nghiêm vi phạm; khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác IUU” - Ban Bí thư nhấn mạnh và yêu cầu có chính sách hỗ trợ hiện đại hoá nghề cá, cải thiện sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nâng cao cuộc sống.

Ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, khai thác thủy sản

Một nhiệm vụ khác mà Ban Bí thư yêu cầu là tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Tăng cường quản lý tàu cá, tàu công vụ thuỷ sản, cảng cá, đội tàu, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, không đăng kiểm. Thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác.

“Giám sát được 100% sản lượng thuỷ sản khai thác trên biển, tại cảng; không có sản phẩm thuỷ sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài” - Ban Bí thư yêu cầu.

Song song đó, kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng Kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thuỷ sản, thực hiện công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Chiến sĩ đồn Biên phòng Sông Đốc (Cà Mau) tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện tốt các quy định chống khai thác IUU, nói không với việc sử dụng xung điện trong khai thác hải sải.

Đặc biệt phải kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hoá hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu…

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Ban Bí thư nhấn mạnh phải nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước châu Âu và EU, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng. Đặc biệt không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước thu thập hồ sơ, tài liệu, bản án, quyết định xử lý của nước sở tại đối với tàu cá, ngư dân vi phạm để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân.

Kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước.

“Thúc đẩy đàm phán, ký kết phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước” - theo Ban Bí thư.

“Gỡ” được thẻ vàng, thủy sản sẽ có bước phát triển mới

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với ngư dân và làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bộ trưởng  Lê Minh Hoan cho rằng, nếu nhìn một cách tích cực thì IUU đang làm cho chúng ta thực hiện gấp rút hơn một số quy định đã có trong Luật Thủy sản 2017.

“Chúng ta làm tốt việc chống IUU cũng đồng thời chúng ta giải quyết luôn cho vấn đề của ngành thủy sản, định hướng tương lai cho nghề cá Việt Nam, hướng tới bảo vệ hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vì sự phát triển của kinh tế biển Việt Nam. Thống nhất quan điểm như vậy, chúng ta cùng nhau nỗ lực, tích cực xử lý hiệu quả những vấn đề chống khai thác IUU và nghĩ đến những giá trị mới, khi EC “gỡ” thẻ vàng, thì chúng ta cũng có bước phát triển mới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đại diện lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khảo sát, kiểm tra tại cảng Cát Lở, thành phố Vũng Tàu. Ảnh Hoàng Nhị.

Đánh giá về chuyến công tác  lần này tại Bình Định, Bộ trưởng cho rằng, Bình Định có những mô hình cần được truyền thông rộng rãi để cả nước tham khảo, học tập; Bộ cũng thấy có một số vấn đề đáng tham khảo.

“Nhiều ngư dân nói, họ đã làm rất tốt. Qua khảo sát thực tế, tôi nhận thấy các ngư dân ở Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã nỗ lực rất nhiều và nguyện vọng tìm ra “con sâu làm rầu nồi canh” để đừng ảnh hưởng xấu đến họ là hết sức chính đáng. Vậy vấn đề là “con sâu” nằm ở đâu. Tôi tin mọi khó khăn luôn có giải pháp. Tôi đề nghị, phải tư duy hệ thống, hành động hệ thống, để có được hiệu quả cao nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đối với vai trò của người ngư dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, mỗi ngư dân không những chỉ có trách nhiệm chống lại việc đánh bắt thủy sản trái phép mà còn cần tích cực tham gia vào việc bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi sự hợp tác của ngư dân và doanh nghiệp thủy sản trong việc phản ánh các hành vi vi phạm về chống khai thác IUU để bảo vệ nguồn lợi từ biển và hình ảnh quốc gia; nhấn mạnh sự cần thiết của việc gỡ “thẻ vàng” của EC không chỉ là để cứu vãn ngành thủy sản mà còn là vì sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.

 

Đăng Quang

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top