Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  

Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung

Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024 | 11:37

Thời gian gần đây, tình trạng tôm chết hàng loạt ở các hộ nuôi tôm tại các tỉnh miền Trung. Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân tôm chết hàng loạt là do dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, vì thế, cần phải có những biện pháp kịp thời ngăn chặn và khắc phục hậu quả để người nuôi tôm không bị thiệt hại.

Người nuôi tôm điêu đứng vì tôm chết hàng loạt

Những ngày qua, tại các vùng nuôi tôm huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xuất hiện tình trạng tôm mới thả được thời gian bỗng nhiên chết hàng loạt. Tôm chết chưa rõ nguyên nhân nên khiến các hộ dân rất lo lắng.

Gia đình bà Hồ Thị Hoà, trú ở xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu thả hơn 200kg tôm giống xuống 5 ao rộng hơn 2ha. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, tôm bắt đầu nổi trên mặt nước, ăn kém và chết hàng loạt dưới đáy ao.

Người nuôi tôm nhặt tôm chết (ảnh NA)

Ở xã Quỳnh Bảng hàng chục hộ nuôi tôm khác cũng rơi vào tình trạng giống như gia đình bà Hoà. Nhiều hộ gia đình có diện tích ao từ 500m2 - 1.000m2 tôm đã nuôi được gần 2 tháng cũng chết hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân. Những hộ gia đình này phải tháo nước trong ao, phơi khô đáy, xử lý ao để tránh ô nhiễm môi trường. Họ đang chờ thời tiết thuận lợi để mua thả giống vụ mới.

Theo số liệu thống kê từ Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, địa bàn xã có 168ha đầm ao nuôi tôm. Đến ngày 20/4, người dân đã thu hoạch được 50% diện tích tôm vụ chính. Tôm nuôi gối vụ thả từ 7 đến 20 ngày bị chết đến 90%.

Không những Quỳnh Bảng, mà nhiều diện tích ao nuôi tôm ở các xã: Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên… cũng bị chết với tỷ lệ cao.

Không chỉ có ở Nghệ An diễn ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt, mà tại huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế tôm chết cũng đã xảy ra.

Xã Vinh Hưng là điển hình về nuôi tôm của huyện Phú Lộc và cũng là nơi dịch bệnh đốm trắng bùng phát đầu tiên. Ðến ngày 6-4, tại đây đã có hơn 350 ha trong tổng số 500 ha tôm bị chết và mỗi ngày lại có thêm hàng chục hồ tôm bị lây nhiễm. Nghiêm trọng nhất là các khu vực như Ðầm Rau Câu, Ðồng Dừa, Ðình Ðôi, Ô Ðầm... 100% số hồ bị xóa sổ.

Nếu tính bình quân, mỗi ha tôm 50-60 ngày tuổi, đầu tư 20-25 triệu đồng thì bà con Phú Lộc đã mất trắng gần 10 tỷ đồng. Nhiều hộ nông dân làm ăn lớn bị thiệt hại nặng như ông Tôn Thất Ký có bốn ha nuôi tôm đều chết cả, mất trắng hơn 50 triệu đồng. Chủ tịch xã Trần Ðình Quang có 4,5 ha cũng chết gần hết, thiệt hại hơn 75 triệu đồng... Không khí lo âu, hốt hoảng bao trùm lên cả những vùng tôm bệnh chưa lan tới.

Tỉnh Khánh Hòa cũng thông tin về tình trạng tôm chết nhiều tại thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, Vạn Ninh. Theo đó từ 20 - 30 ngày gần đây, tôm hùm có hiện tượng chết nhiều, mỗi ngày chết 3-30 con/hộ nuôi. Nhiệt độ nước khu vực nuôi năm nay được cho là nóng hơn so với cùng kỳ năm 2023 và tôm chết với dấu hiệu nghi bệnh sữa.

Đơn vị này cũng lấy mẫu đánh giá các yếu tố môi trường khu vực xảy ra tôm hùm chết vào ngày 8/4/2024 và cho kết quả các yếu tố môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.

Được biết, huyện Vạn Ninh hiện có khoảng 35.000 lồng nuôi tôm, trong đó 50% là tôm hùm xanh, 50% là tôm hùm bông. Đây là vùng có nuôi có mật độ thả nuôi cao, trên 17 con/m2.

Ô nhiễm môi trường, dịch bệnh là những nguyên nhân chính làm tôm chết hàng loạt

Trước tình trạng tôm nuôi xảy ra chết hàng loạt, nhiều ngành chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc để kiểm tra, xác minh nguyên nhân dân đến tình trạng tôm chết hàng loạt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, có tình trạng tôm hùm chết nhưng không quá nhiều. “Thời gian gần đây, thời tiết thay đổi, một số lồng tôm của người chăn nuôi chết lẻ tẻ. Đây là hiện tượng bình thường, bởi mỗi lồng tôm nuôi từ 100 - 120 con, chết vài đến vài chục con là không quá nhiều”, ông Ý nói.

Tôm hùm bông chết nhiều tại vùng nuôi thuộc thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức)

Còn ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện Quỳnh Lưu có 465ha ao đầm nuôi tôm, thuộc sở hữu của hơn 400 hộ dân. Có khoảng 20ha có tôm chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã về lấy mẫu tôm chết gửi Cơ quan thú y vùng 3 xét nghiệm song chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể.

“Hiện, chúng tôi đang cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An lấy thêm mẫu gửi xét nghiệm lại để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, bước đầu chúng tôi xác định tôm chết có thể là do vùng nuôi tôm đã bị ô nhiễm, cộng với thời tiết nắng nóng”, ông Trúc cho biết thêm.

Tình trạng tôm chết hàng loạt hiện nay ở Thừa Thiên-Huế nói chung và huyện Phú Lộc nói riêng được tập trung vào ba nguyên nhân chính: Giống kém chất lượng, môi trường bị ô nhiễm và sự thiếu ý thức của nhiều hộ nuôi. Ðó cũng là những nguyên nhân "kinh điển" trong nghề nuôi tôm các tỉnh miền trung mấy năm vừa qua đã được nói đến rất nhiều trên các diễn đàn.

Mặc dù nguyên nhân dẫn đến việc tôm chết xảy ra hàng loạt đã được chỉ ra, nhưng những bài học được rút ra từ những vụ việc tôm chết hàng loạt như thế này vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Đó là các biện pháp quản ý của Nhà nước luôn đi sau và không tương xứng với tốc độ, quy mô của phong trào nuôi tôm trong nông dân. Đặc biệt là quy hoạch cho các vùng nuôi cơ bản vẫn nằm trên giấy, đo đó các vùng nuôi tôm đều do tự phát. Vì vậy, mỗi khi có dịch bệnh, công tác xử lý môi trường, khoanh vùng dịch rất khó khăn.

Mặc dù, ngành nuôi tôm được một số tỉnh coi là mũi nhọn, nhưng cán bộ kỹ thuật phụ trách nuôi trồng thủy sản lại thiếu, thời gian vừa qua các địa phương đã có nhiều cố gắng để chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm đến tận hộ nông dân, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn quá xa.

Sự bất cập còn ở hệ thống dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng, nhất là chung quanh con giống, nhiều địa phương cơ sở cung cấp giống mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu trên địa bàn, số còn lại đều phải lấy từ các tỉnh khác. Vì thế khi đến mùa vụ, bà con nhập con giống về ồ ạt, trong thời gian ngắn việc kiểm nghiệm là vô cùng khó khăn đối với các cơ quan chức năng.

Việc chính quyền các cấp triển khai các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả là kịp thời và có hiệu quả nhất định. Theo chúng tôi, vấn đề cơ bản là phải có các giải pháp mang tính chiến lược để nhanh chóng khắc phục tình trạng quản lý không theo kịp phong trào. Có như thế mới đưa hoạt động nuôi tôm vào đúng "kênh" quy hoạch, mới có thể chủ động và kịp thời trong việc xử lý dịch bệnh, mới có thể xây dựng được quy trình sản xuất bền vững, khẳng định một mũi nhọn kinh tế của Thừa Thiên-Huế.

Cần có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời

Theo Cục Thủy sản nhận định hiện tượng tôm chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vừa qua, có nguyên nhân ban đầu do nắng nóng, mật độ lồng nuôi cao, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức đề kháng trên tôm nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm xác định nguyên nhân cụ thể gây chết đối với tôm hùm bông; hướng dẫn người nuôi thu gom toàn bộ xác tôm chết lên bờ xử lý, không để ô nhiễm môi trường.

Địa phương cũng cần áp dụng các biện pháp phòng, trị bệnh trên tôm hùm bông và các đối tượng thủy sản nuôi khác, vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi.

Các địa phương có tôm hùm bông được yêu cầu chủ động xây dựng phương án khi có thời tiết chuyển mùa, từ tháng 4-6, như che lưới trên bề mặt ô/lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp; dự phòng oxy tươi nguyên chất phòng khi tôm hùm nuôi thiếu oxy cục bộ.

Với vùng có nguy cơ cao về môi trường, Cục Thủy sản khuyến cáo nên di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

Theo Cục Thủy sản, hiện kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ 3 tháng đầu năm cho thấy nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc vùng nuôi tôm hùm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thông số về môi trường cũng vượt giới hạn cho phép, chất lượng môi trường nước tiếp tục có xu hướng suy giảm.

Dự báo đến hết tháng 6, một số thông số môi trường tiếp tục biến động bất lợi, mật độ vi khuẩn Vibrio tăng cao rất dễ xảy ra hiện tượng phù dưỡng thủy vực, nguy cơ dẫn đến tảo nở hoa, làm ôxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Vì vậy các địa phương và người nuôi tôm cần nắm chắc diễn biến môi trường, thời tiết để có biện pháp phòng chống, ngăn chặn việc tôm chết hàng loạt xảy ra.

 

Theo Báo Nghệ An điện tử; Báo Nhân dân điện tử; VTC New điện tử

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top