Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Giải pháp để doanh nghiệp chào giá xuất khẩu gạo có lợi

Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024 | 9:41

So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ hay Thái Lan thì Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU và châu Mỹ nhờ việc đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKFTA, hay CPTPP. Các doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp để chào giá xuất khẩu gạo có lợi.

Dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo.

Làm gì để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn.

Hiện lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong, chỉ còn diện tích nhỏ ở một số địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh. Tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang tiếp tục thu hoạch sớm lúa Hè Thu.

Tại các tỉnh có diện tích lúa lớn như An Giang (hơn 200.000 ha), Kiên Giang (260.000 ha) một số huyện bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng này.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, năm nay, vùng xuống giống khoảng 1,4 triệu ha vụ Hè Thu với dự kiến chính vụ rơi vào tháng 6-7/2024. “Dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Để chào giá xuất khẩu gạo có lợi, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cho rằng: Doanh nghiệp phải dự trữ được gạo khi vào mùa vụ thu hoạch. Và để làm được, ngân hàng nên mở rộng hạn mức cho doanh nghiệp, giảm lãi suất cho phù hợp để luân chuyển được hàng hóa theo vụ mùa, linh hoạt trong giải ngân, tránh tình trạng "bán đổ bán tháo" để được hợp đồng.

Trên quan điểm của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA đề xuất, Chính phủ cùng các bộ, ngành và đơn vị có liên quan cần quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là khó khăn về vốn do hạn mức tín dụng dành cho doanh nghiệp còn thấp, chưa được điều chỉnh.

Đồng thời, doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo cũng cần được ngành chức năng hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết bền vững, cũng như quản lý chặt chẽ giá cả và chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Kịp thời rà soát, sửa đổi các quy định trong công tác điều hành, xuất khẩu gạo nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh và giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, theo ông Nam, các doanh nghiệp cần sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Cùng với đó phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo, nâng giá thành sản xuất.

Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường cao cấp

Ngoài các thị trường truyền thống, trong những tháng đầu năm nay hạt gạo Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường cao cấp tăng đến 3 con số.

EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng trong khi thị trường này việc tiêu thụ gạo lại không phổ biến. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ.

Nhu cầu và tiềm năng của hạt gạo Việt Nam tại thị trường EU còn rất lớn.

Thị phần gạo Việt Nam tại EU tăng từ 1% những năm trước lên 3,1% trong năm 2024. Theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA, EU chỉ cho hạn ngạch thuế quan 0% là 80.000 tấn gạo nhưng chỉ trong 3 tháng Việt Nam đã xuất khẩu tới 46.000 tấn, chiếm hơn 50%. Điều này cho thấy, nhu cầu và tiềm năng của hạt gạo Việt Nam tại thị trường EU còn rất lớn. Các số liệu hải quan của EU cho thấy nhu cầu thị trường này lên đến 3 - 4 triệu tấn gạo/năm.

Tương tự, thị trường châu Mỹ cũng không phải là thế mạnh của hạt gạo Việt Nam nhưng trong 3 tháng đầu năm nay đạt 135.300 tấn; với kim ngạch là 94,5 triệu USD, tăng 299% so với cùng kỳ.

So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ hay Thái Lan thì Việt Nam là nước có thể cạnh tranh lớn nhất ở các thị trường EU và châu Mỹ nhờ việc đã ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKFTA, hay CPTPP.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 2,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch 1,4 tỉ USD, tăng 12% về lượng và 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ chính của Việt Nam cũng xuất khẩu gần 2,5 triệu tấn gạo, tăng 19,4%. Đứng sau Việt Nam là Pakistan với gần 2 triệu tấn, tăng 68,5% và Mỹ đạt 800.000 tấn, tăng 90,5%.

Việc các nước xuất khẩu gạo lớn đều tăng cung ngay từ đầu năm cho thấy nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giớ đang ở mức cao. Mặt khác vì nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn duy trì các chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới với 4,3 triệu tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong giai đoạn tháng 3 - 4 giá gạo thế giới liên tục giảm do Việt Nam và nhiều nước đang vào vụ thu hoạch rộ. Ở thời điểm hiện tại, giá gạo đã tăng nhẹ trở lại. Loại gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan đang ở mức cao nhất 598 USD/tấn, Việt Nam đứng thứ 2 với 587 USD/tấn và Pakistan là 578 USD/tấn.

Cơ hội để gạo Việt tăng trưởng tại thị trường tiềm năng

Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá Philippines sẽ là nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, với lượng nhập khẩu trong năm nay tăng lên 4,1 triệu tấn, tăng 5,1% so với mức 3,9 triệu tấn vào năm ngoái. Báo cáo cũng nhận định Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu tới Philippines.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với Philippines. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên quốc gia này phải nhập khẩu gạo từ nhiều nước khác.

Hiện nay, chúng ta là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Philippines với sản lượng hàng năm đạt gần 3 triệu tấn.

Hàng năm, tùy điều kiện canh tác, sản xuất nội địa của Philippines đạt được từ 19 đến 20 triệu tấn lúa, tương đương 12 đến 13 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm của quốc gia này lên tới 15 triệu tấn gạo và dự trữ tối thiểu đảm bảo lương thực đầy đủ cho 30 ngày là 1 triệu tấn.

Theo đó, tổng nhu cầu hàng năm của Philippines lên đến 16 triệu tấn gạo. Vì vậy, mỗi năm trung bình quốc gia này phải nhập khẩu gần 3 triệu tấn gạo.

Thậm chí, mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định, lượng nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay có thể lên tới 4,1 triệu tấn.

Thái Lan và Ấn Độ, 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chiếm tỉ trọng lớn thị phần nhập khẩu gạo của Philippines. Thế nhưng hiện tại, Ấn Độ đang trong tình trạng cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong khi Thái Lan chỉ cạnh tranh ở phân khúc gạo cấp cao. Đây là cơ hội tốt để gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh tại thị trường tiềm năng này.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ cho biết: "Hiện nay chúng ta là nhà xuất khẩu lớn nhất vào Philippines với sản lượng hàng năm đạt gần 3 triệu tấn, đây là 1 thị trường quan trọng, chúng ta có thể điều tiết, điều phối dựa vào cung cầu cũng như chất lượng lúa gạo Việt Nam để chúng ta tăng giá trị và mang về kim ngạch cho quốc gia".

Gạo Việt Nam xuất khẩu vào Philippines năm nay sẽ vượt mức 4 triệu tấn. Việc chủ động thích ứng với phương thức mới của thị trường, vượt các rào cản xuất khẩu sẽ là giải pháp tốt nhất để doanh nghiệp giữ vững 80% thị phần tại thị trường nhập khẩu gạo lớn vùng Đông Nam Á./.

 

Thanh Tâm (t/h theo thanhnien, vov, thuongtruong...)

Xem thêm

4[5] 6
Top