Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2024  

Sơn La tích cực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Thứ ba, ngày 21 tháng 5 năm 2024 | 15:10

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã tích cực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, như hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở bản Mạt

Trước đây, bản Mạt là bản khó khăn nhất của xã biên giới Mường Lèo, huyện Sốp Cộp. Nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm của cấp ủy, Ban quản lý bản và sự đoàn kết, nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của nhân dân, đời sống của 111 hộ trong bản từng ngày thay đổi.

Nông dân bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, chăm sóc đàn gia súc.

Năm 2018, gia đình bà Lường Thị Tin vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng 2 ha sắn cao sản, 0,5 ha cà phê; nuôi 6 con trâu, bò sinh sản. Đến nay, gia đình đã phát triển đàn gia súc với 34 con trâu, bò, duy trì trồng sắn cao sản và cà phê. Bà Tin chia sẻ: Từ năm 2018 đến nay, ngoài bán gia súc thương phẩm cho các thương lái, mỗi năm gia đình còn cung cấp từ 8-10 con trâu, bò giống cho bà con; thu hoạch 18-22 tấn sắn củ tươi, 3 tấn cà phê, thu nhập hơn 350 triệu đồng/năm.

Còn gia đình bà Lò Thị Hiên nuôi 16 con trâu, bò và trồng 0,5 ha cây ăn quả, gần 1 ha ngô lai, 0,5 ha lúa ruộng. Bà Hiên cho biết: Mỗi năm, gia đình thu 6-7 tấn ngô hạt, bán 5-6 con trâu, bò thịt và giống, trừ chi phí, thu trên 200 triệu đồng. Gia đình đã có của ăn của để, tu sửa nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng để phục vụ đời sống và sản xuất.

Trước đây, sản xuất của bà con trong bản chủ yếu trồng ngô, sắn giống địa phương, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Từ năm 2015, Chi bộ, Ban quản lý bản phối hợp với Đội sản xuất số 6, Đoàn Kinh tế quốc phòng 326, tuyên truyền, vận động nhân dân đưa cây giống, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Năm 2017, trục đường liên bản được nhà nước đầu tư rải nhựa; xây dựng điểm trường mầm non, tiểu học khang trang; được hỗ trợ gần 100 tấn xi măng cùng với nhân dân đóng góp đổ bê tông 100% các tuyến đường nội bản, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển sản phẩm nông sản.

Hiện nay, bản có trên 30 ha nhãn, xoài ghép, mận, cam; 10 ha cây cà phê, 40 ha lúa nước và trồng 104 ha thông mã vĩ; nuôi trên 900 con trâu, bò, 300 con lợn giống địa phương và trên 1.500 con gia cầm. Để phát triển chăn nuôi gia súc, bản đã cải tạo, rào chắn bãi chăn thả hơn 70 ha để tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Ngoài ra, bà con đã chuyển đổi gần 2 ha đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn; thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh; làm chuồng trại, chăn thả trên những phiêng bãi khi thời tiết thuận lợi; chống rét cho gia súc vào mùa đông; phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại định kỳ 3 lần/năm.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lò Văn Oai chia sẻ: Đến nay, bản có 40% số hộ khá, nhiều hộ có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm bản có từ 5-8 hộ thoát nghèo. Hiện nay, bản chỉ còn 7 hộ nghèo. Bà con tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc tổ chức lễ cưới đảm bảo văn minh, tiết kiệm; đám hiếu được tổ chức gọn nhẹ, đúng quy định. Bản duy trì 12 nhóm liên gia tự quản về an ninh trật tự, 1 tổ hòa giải hoạt động hiệu quả. 100% số hộ dân được sử dụng điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, được xem truyền hình. Lớp học cắm bản từ mẫu giáo đến tiểu học, nhà văn hóa bản được xây dựng kiên cố; có sân thể thao, đáp ứng nhu cầu văn hóa của bà con.

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, cuộc sống của nhân dân bản Mạt đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn mới đang đổi thay, bà con đoàn kết, đồng lòng xây dựng bản ngày càng phát triển.

Xây dựng thương hiệu chè Tà Xùa

Nằm ở độ cao khoảng 1.800m so với mực nước biển, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp. Nơi đây, có cây chè cổ thụ shan tuyết hàng trăm năm tuổi cho hương vị thơm ngon đặc trưng không nơi nào có được. Phát huy những giá trị hiếm có này, nhân dân trong xã đang nỗ lực xây dựng thương hiệu chè Tà Xùa.

Nông dân bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên thu hái chè.

Những ngày này, trên khắp các nương đồi, nông dân xã Tà Xùa đang tất bật thu hái chè. Ông Mùa A Sang, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chung Chinh, chia sẻ: Cây chè đã gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay. Hiện nay, bản có gần 60 ha chè, nhận thấy giá trị từ cây chè mang lại, bà con đã áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhanh tay hái những búp chè non, chị Lầu Thị Song, bản Chung Chinh, nói: Gia đình tôi có hơn 3 ha chè, trong đó có 1 ha chè cổ thụ. Những cây chè được trồng lâu năm, phát triển hoàn toàn tự nhiên nên có sản phẩm chất lượng cao, an toàn. Dự kiến vụ chè năm nay, gia đình thu về hơn 4 tấn chè búp tươi.

Còn tại bản Bẹ, có khoảng 40 ha cây chè cổ thụ từ 70-100 năm tuổi, có cây gần 300 năm tuổi. Để giữ được chất lượng riêng cho sản phẩm, các cây chè cổ thụ được giao cho từng hộ gia đình chăm sóc, nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Anh Mùa A Dê, bản Bẹ, chia sẻ: Thu hái chè cổ thụ vất vả hơn, bởi phải đeo gùi, dùng thang trèo lên cây mới hái được. Để cho ra sản phẩm chè chất lượng, chúng tôi tuân thủ kỹ thuật hái chè hai lá một tôm. Với 2 ha chè, mỗi năm gia đình thu hơn 3 tấn chè búp tươi, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Hiện nay, xã Tà Xùa có hơn 200 ha chè shan tuyết; trong đó, khoảng 40 ha cây chè cổ thụ, sản lượng khoảng hơn 300 tấn chè búp tươi/năm. Chè shan tuyết Tà Xùa thường thu hoạch từ 3 đến 4 lần trong năm; vụ chè đầu tiên cuối tháng 3 và đầu tháng 4, thường cho chất lượng tốt nhất; vụ tiếp theo thu hoạch vào tháng 5 và tháng 6, đây là vụ cho năng suất cao nhất trong năm; vụ thứ ba thu hoạch vào tháng 8 và vụ cuối năm thu hoạch vào tháng 10 và 11. Để xây dựng thương hiệu chè Tà Xùa, cùng với vận động bà con mở rộng diện tích, xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn bà con chăm sóc đúng kỹ thuật, thu hoạch đúng thời vụ, đảm bảo năng suất, chất lượng; giữ gìn và bảo tồn diện tích chè cổ thụ.

Ông Đinh Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Cây chè là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, phục tráng diện tích chè hiện có, xã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất kinh doanh, chế biến, làm tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Những năm gần đây, phần lớn sản phẩm chè cổ thụ búp tươi ở xã Tà Xùa được Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc thu mua với giá 40.000-80.000 đồng/kg, để sản xuất thành các sản phẩm, như: Trà viên, trà trúc, trà mây và trà túi lọc... Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc, thông tin: Trung bình mỗi năm Công ty thu mua 50 tấn chè cổ thụ búp tươi, chế biến thành hơn 10 tấn sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Công ty vừa đầu tư thêm máy ép trà bánh để chế biến chè theo công nghệ lên men hiện đại. Với ưu điểm của trà bánh là có thời hạn sử dụng kéo dài, càng để lâu, chất lượng trà càng tăng lên.

Việc bảo tồn và phát triển cây chè shan tuyết Tà Xùa đã gắn kết nông dân với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương và thu hút khách du lịch, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nông dân huyện Bắc Yên phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế rủi ro dịch bệnh, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Nông dân bản Trạng, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên nuôi dê thương phẩm.

Song Pe là một trong những xã có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi gia súc, với hơn 2.300 ha đất sản xuất nông nghiệp gieo trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhiều phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; nhân dân các bản tận dụng diện tích đất bỏ hoang, đất nương trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc; xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ... Đến nay, xã Song Pe mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 80 ha, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên 9.800 con.

Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, cho biết: Xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng diện tích trồng cỏ, xây dựng chuồng trại kiên cố phát triển đàn gia súc. Qua đó, giúp nông dân có thu nhập ổn định.

Là một trong những hộ tiêu biểu của xã Song Pe phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò theo hướng nhốt chuồng, gia đình ông Hà Văn Quang, bản Suối Song luôn duy trì đàn từ 36 con trở lên; mỗi năm gia đình ông xuất bán hơn 10 con bò, thu nhập trên 130 triệu đồng. Ông Quang cho biết: Năm 2014, gia đình tôi đã chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô sang trồng cỏ voi và đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi bò. Việc nuôi nhốt có nhiều cái lợi, không mất công chăn thả, luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh và thức ăn, nên đàn gia súc khỏe mạnh, sinh sản nhanh, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Còn tại xã Mường Khoa, gia đình anh Lừ Văn Hoàng, bản Trạng, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi do Phòng Nông Nghiệp và PTNT huyện tổ chức. Nhận thấy nhu cầu thị trường và việc chăn nuôi dê phù hợp điều kiện của gia đình, anh mạnh dạn vay vốn, xây dựng chuồng trại nuôi dê. Đến nay, đàn dê duy trì hơn 70 con dê, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu.

Anh Hoàng chia sẻ: So với các loại vật nuôi khác, nuôi dê chi phí đầu tư ban đầu ít, không tốn nhiều tiền mua thức ăn, khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt. Một năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1-3 con; giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn. Cùng với đó, chủ động nguồn thức ăn ổn định cho đàn dê, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng cỏ voi, trồng thêm ngô, sắn làm thức ăn dự trữ cho đàn dê về mùa khô.

Để tăng số lượng đàn, cũng như chất lượng đàn vật nuôi, huyện Bắc Yên tập trung tuyên truyền vận động các hộ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi; hướng dẫn phòng chống đói, rét, dự trữ, sơ chế, chế biến thức ăn cho vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin, phun khử trùng tiêu độc đạt 100% so với chỉ tiêu giao.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; mở các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi cho nông dân. Tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đảm bảo yêu cầu về chất lượng giống cũng như đáp ứng quy chuẩn, quy định pháp luật. Đến nay, toàn huyện trồng trên 1.000 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, đưa đàn gia súc đạt 81.240 con, từng bước nâng cao thu nhập từ phát triển chăn nuôi.

Huyện Bắc Yên phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 100.000 con; nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật; mở rộng diện tích trồng cỏ, thực hiện phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; giúp người dân vùng cao nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Theo baosonla.org.vn

 

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top