Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  

Phát triển Chương trình OCOP từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC

Thứ năm, ngày 23 tháng 5 năm 2024 | 10:12

Những năm qua, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) luôn quan tâm, khuyến khích các chủ thể, trong đó có chủ thể các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tham gia vào Chương trình OCOP. Đến nay, huyện đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Phát huy thế mạnh địa phương

Là huyện phát triển sản xuất nông nghiệp nên khi bắt tay triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Yên Dũng có nhiều thuận lợi khi thực hiện. Giờ đây, Chương trình OCOP đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, chương trình đã từng bước đưa các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng của địa phương trở thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP có thương hiệu, chất lượng, giá trị cao hơn.

Huyện đã quy hoạch được 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Yên Dũng đã xây dựng và phát triển được 5 nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện gồm: Gạo thơm Yên Dũng, luvacoop, tương Trí Yên, rau sạch Yên Dũng, khoai tây sao thần nông.

Huyện Yên Dũng có hơn 50 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, huyện cũng đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, cứng hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, đường điện phục vụ sản xuất; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; hỗ trợ giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình…

Điển hình trong các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là mô hình của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng, Yên Dũng). HTX có quy mô 60 ha, trong đó có gần 10 ha được sản xuất theo mô hình nhà lưới công nghệ cao ứng dụng hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động theo công nghệ Israel. Các sản phẩm rau, củ, quả của HTX đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã đã trở thành nhà cung cấp chủ lực rau an toàn cho hệ thống các siêu thị lớn như: Tmart, Winmart, Copmart, Big C,… Doanh số năm 2023 của Hợp tác xã so với các năm trước tăng từ 20-22%, được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.

Theo lãnh đạo Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng, để xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay, HTX nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh. Hiện, HTX sản xuất khoảng 60 loại rau, củ, quả  cung cấp cho thị trường miền Bắc, miền Trung. HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 lao động, với mức lương trung bình từ 7 - 8 triệu/người/tháng.

Dưa kim hoàng hậu của HTX Rau sạch Yên Dũng được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Dưa màu vàng sáng đẹp, bắt mắt; có vị ngọt, mát và rất an toàn.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, quảng bá sản phẩm, HTX đã xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp cao, đã thu hút được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh thăm quan, trải nghiệm. Trong 4 năm qua, tham gia Chương trình OCOP, HTX đã có nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP. Các sản phẩm khi được chứng nhận không chỉ giúp HTX khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm mà còn cổ vũ HTX phát triển. Nhiều sản phẩm của HTX đã được đánh giá, phân hạng, chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao như: Dưa thiên nữ, dưa lưới, dưa leo baby, dưa lê HQ đạt OCOP 3 sao; dưa kim hoàng hậu đạt OCOP 4 sao.

Năm 2024, phấn đấu có thêm 17 sản phẩm OCOP

Theo kế hoạch năm 2024, huyện Yên Dũng sẽ phấn đấu có 17 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu có tối thiểu từ 6-8 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó có tối thiểu 01-2 sản phẩm OCOP năm 2024 gắn với điểm dịch vụ du lịch trải nghiệm nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch của huyện.

Theo đó, có 16 sản phẩm mới có tiềm năng đạt OCOP gồm: măng tây Yên Dũng (HTX Rau sạch Yên Dũng); dưa lưới (HTX CNC Trí Yên); rượu đông trùng hạ thảo, trà đông trùng hạ thảo HunDu (HTX nuôi cấy đông trùng hạ thảo Hùng Uyên); khoai tây Yên Dũng (HTX Sao Thần nông); bình hút lộc đắp nổi, lộc bình cỡ đại đắp nổi (Doanh nghiệp gốm sứ Hoàng Vũ); mắm tép trưng thịt Phương Thảo (cơ sở Nguyễn Thị Phương Thảo); tinh bột củ sen, củ sen chiên giòn, củ sen tươi, củ sen khô (HTX TMDVNN Bảo Ngọc); mật ong Khe Róc (HTX NN&DV Nham Biền); bánh hạt ngũ  cốc, mật ong núi Phượng Hoàng, tinh bột sắn dây ta (HTX NN sạch Thùy Dương). Có 01 sản phẩm đánh giá lại Tương Tiên la (HTX DVSX&KD sản phẩm Tương Tiên La).

Năm 2024, huyện Yên Dũng phấn đấu có 17 sản phẩm OCOP.

Để chương trình OCOP đạt kết quả cao, hiệu quả UBND huyện xây dựng các giải pháp thực hiện cụ thể như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyền truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương 6 tiện thông tin đại chúng. Khuyến khích xây dựng các gói quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP gắn với lịch sử văn hoá vùng miền, địa phương.

Hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt từ 3 sao trở lên theo Nghị quyết số 67/2023/NQ-HĐND ngày 13/12/2023 của HĐND tỉnh Bắc Giang về khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024- 2025. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, chủ thể tham gia chương trình OCOP xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm. Rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch nông thôn. Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT.

 

Hoàng Văn

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top