Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Chủ động kiến tạo để phát triển

Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2024 | 15:22

Quy hoạch vùng tập trung vào xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành-vùng-tỉnh đồng thời mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng nhanh, bền vững.

Ngày 24/5, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đồng thời công bố quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bản quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển. Nội dung tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh đồng thời mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng và nhiều di tích lịch sử, văn hóa có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng.

Do vậy, Bộ trưởng cho biết quy hoạch đã nhấn mạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc hướng tới xây dựng hệ thống đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhấn mạnh việc giữ chân nguồn nhân lực, phát triển du lịch và nông nghiệp dựa trên giá trị bản sắc của các cộng đồng bản địa.

Món ăn tiêu biểu, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Hà Giang tham dự Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ nhất. (Ảnh: Minh Tâm/TXVN)

 

Để hướng tới hình mẫu phát triển xanh của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quy hoạch đã tập trung vào việc phát triển vùng trên cơ sở bảo đảm sinh thái bền vững, bởi vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đóng vai trò trọng yếu là “phên dậu," cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với an ninh nguồn nước và môi trường sinh thái, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn của cả vùng Bắc Bộ. Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng, khoáng sản, đất và nước cần được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đề xuất hình thành các hành lang phát triển sinh thái liên tỉnh, liên vùng thông qua kết nối những khu vực sinh thái trọng điểm và rừng phòng hộ bằng những hành lang xanh; trong đó cải thiện chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ quanh khu vực rừng đặc dụng và các khu bảo tồn nhằm tăng đa dạng sinh học. Các loại hình dịch vụ môi trường rừng mới sẽ được triển khai rộng rãi, như dịch vụ hấp thụ carbon (tham gia thị trường tín chỉ carbon), dịch vụ hệ sinh thái rừng và du lịch sinh thái rừng.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Theo đó, nội dung quy hoạch vùng nêu rõ định hướng phát triển hạ tầng kết nối, trong đó ưu tiên các kết nối kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và quốc tế và các kết nối Đông-Tây. Bên cạnh đó, vùng cũng kết nối quốc tế qua Lào, kết nối về phía biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng với việc ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị.

Trên cơ sở đó, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn-Hà Nội, Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh sẽ được đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng. Mặt khác, vùng cũng liên kết để phát triển theo 5 hành lang kinh tế (Lào Cai-Yên Bái-Phú Thọ-Hà Nội; Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội; Điện Biên-Sơn La-Hòa Bình-Hà Nội; Hà Giang-Tuyên Quang-Phú Thọ-Hà Nội; Cao Bằng-Bắc Kạn-Thái Nguyên-Hà Nội), và khu vực động lực tại vành đai Bắc Giang-Thái Nguyên-Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô.

Để làm được điều này, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh. Mặt khác, vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng cần tăng cường, để bảo đảm liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương.

Song song đó, quy hoạch này cũng đề ra các định hướng nhằm giải quyết nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh biên giới, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo.../.

 

Theo Vietnam+

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top