Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024  

Sẽ làm rõ trách nhiệm, có biện pháp khắc phục nguy cơ sạt lở đất nông nghiệp do nạo vét lòng hồ Khe Trầu

Thứ năm, ngày 13 tháng 6 năm 2024 | 8:15

“Những phản ánh về dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu gây sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất đất nông nghiệp, ảnh hưởng đời sống của người dân là có cơ sở về mặt thực tiễn. Trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, biện pháp khắc phục ra sao chúng tôi sẽ có báo cáo sau”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định.

Không thực hiện theo hồ sơ thiết kế

Sau khi Tạp chí Kinh tế nông thôn đăng bài “Nỗi lo sạt lở đất nông nghiệp do hoạt động nạo vét tận thu cát ở hồ Khe Trầu”, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra thực tế.

Theo kết quả của đoàn kiểm tra, Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia khi nạo vét lòng hồ Khe Trầu đã không thực hiện theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Kết quả làm việc cho thấy: “Qua kiểm tra, phạm vi nạo vét đang nằm trong phạm vi phương án được chấp thuận, đã được cắm mốc ngoài thực địa. Tuy nhiên, quá trình nạo vét đơn vị đã nạo vét đến sát mốc đã cắm và chưa tạo mái bờ hồ theo hồ sơ thiết kế; mái hiện trạng đang dựng đứng có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp như phản ánh của bài báo là đúng”.

Biên bản cũng cho biết, phạm vi thực hiện dự án có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đây là phạm vi đã được đưa vào phương án để chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định. Qua báo cáo của UBND phường Trúc Lâm, chủ đầu tư đang thực hiện phương án trên phạm vi đơn vị đã thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định, không thực hiện trên phạm vi chưa giải phóng mặt bằng, không gây ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp chưa được giải phóng và không ảnh hưởng đến đời sống của người dân...

Ông Nguyễn Văn Hùng (tổ dân phố Đại Thủy) chỉ vị trí ruộng canh tác của gia đình bị sạt lở cho ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn kiểm tra.

Về vấn đề này, phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ liên quan để chứng minh việc đã giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, không làm sạt lở đất nông nghiệp của các hộ dân, thời gian thực hiện nạo vét trong ngày, cũng như phạm vi nạo vét, thì UBND thị xã Nghi Sơn cũng như UBND phường Trúc Lâm không có hồ sơ chứng minh, mà chỉ chứng minh qua lời nói với đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa cho biết, trên thực địa không thể xác định được đâu là giới hạn lòng hồ. Công ty TNHH MTV Sông Chu tiếp nhận nguyên trạng trên cơ sở được UBND tỉnh thống nhất, sau đấy từng bước mới khôi phục quản lý hồ.

Ông Nam khẳng định thêm, dự án thực hiện đến đâu thì xác định lòng hồ đến đấy. Qua quá trình kiểm tra phản ánh về dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu gây sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất đất nông nghiệp, ảnh hưởng đời sống của người dân là có cơ sở về mặt thực tiễn. Trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, biện pháp khắc phục ra sao chúng tôi sẽ có báo cáo sau.

Như vậy, theo kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra thì Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia khi nạo vét lòng hồ Khe Trầu đã không thực hiện theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, dấu hiệu này cần được làm rõ, xử lý theo quy định.

Đơn vị quản lý không nắm được diện tích hồ

Ông Khương Bá Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, khẳng định, hiện dự án vẫn thực hiện trong phạm vi chấp thuận của UBND tỉnh Thanh Hóa, không có việc gây sạt lở đất nông nghiệp của các hộ dân. Diện tích thực tế tại hồ như thế nào chúng tôi không nắm được, khi nào đơn vị thi công bàn giao thì chúng tôi mới có số liệu báo cáo. Đơn vị thi công vẫn đang thực hiện đúng như phương án được phê duyệt.

Theo khẳng định trên của ông Luận thì Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia đang thực hiện nạo vét đúng như phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, tại buổi đoàn kiểm tra thực tế, phóng viên ghi nhận có cọc tre dùng làm mốc giới được cắm xuống còn tươi; quá trình nạo vét đơn vị nạo vét đến sát mốc đã cắm và chưa tạo mái bờ hồ theo hồ sơ thiết kế; mái hiện trạng đang dựng đứng có nguy cơ sạt lở (đoàn kiểm tra đã chỉ rõ-PV).

Bà Phạm Thị Tĩnh dẫn đoàn kiểm tra vị trí thửa ruộng của gia đình canh tác bị sạt lở sát bờ.

Không dừng lại ở đó, vào khoảng 10 giờ ngày 29/5, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT đến kiểm tra thực địa hồ Khe Trầu, khi các hộ dân ở tổ dân phố Đại Thủy có đất sản xuất nông bị ảnh hưởng đến phản ánh với đoàn kiểm tra, thì bị Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm - ông Đỗ Văn Hưng yêu cầu ra về và nói: “Việc của các anh về nhà lên phường giải quyết sau”(!?)

Trong những người bị Chủ tịch UBND phường yêu cầu ra về có hộ ông Nguyễn Văn Hùng, hộ có thửa đất lúa số thửa số 73 và thửa số 129 trên bản đồ thục địa năm 2011 đã và đang bị sạt lở. Ông Hùng khẳng định, 2 thửa đất trên chưa giải phóng mặt bằng và đền bù. Đối với hộ bà Phạm Thị Tĩnh (làm ruộng của hộ bà Nguyễn Thị Én đã mất) có thửa ruộng các số 109,108,168 đã bị sạt lở sát bờ ruộng nhưng không có mốc giới.

Những cọc tre còn tươi được đóng làm mốc giới.

Trước đó, ngày 19/4/2024, làm việc với phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm, khẳng định, năm 2022, UBND phường có nhận được phản ánh của 2 hộ (hộ bà Nguyễn Thị Sáu và hộ ông Vũ Bá Hoàn) về việc sạt lở đất nông nghiệp (được biết ông Hoàn có thửa ruộng số 142 Đồng Cầu Mắm Trên), ông Hưng đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc đền bù cho hai hộ trên.

Ông Hưng còn cho biết thêm, có 76 hộ dân trên lòng hồ bị ảnh hưởng với diện tích 80.966,4 m2 (phía Bắc 65 hộ, diện tích 46.629,5m2; phía Nam 11 hộ, 34.326,9m2). Chính quyền địa phương chỉ thực hiện công tác hành chính, còn việc thực hiện giám sát đơn vị thi công dự án có đúng pháp luật thì bên phía Công ty Sông Chu quản lý.

Như vậy, việc ông Khương Bá Luận khẳng định dự án vẫn thực hiện trong phạm vi chấp thuận của UBND tỉnh Thanh Hóa, không có việc gây sạt lở đất nông nghiệp của các hộ dân có đúng sự thật?

Ngày 26/9/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 3690/QĐ-UBND thu hồi 41.377,1m2 (hơn 4,1 ha) đất tại xã Trúc Lâm giao cho Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý, khai thác sử dụng nước mặt công trình hồ Khe Trầu để phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt.

Ngày 10/9/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản 12522/UBND-NN chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ Khe Trầu do Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia làm chủ đầu tư diện tích nạo vét 10,22ha (102.200m2).

Căn cứ theo diện tích được UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi, giao cho Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý, khai thác ban đầu là 41.377,1m2 (4,1 ha) và diện tích 80.966,4m2 (8 ha) đất nông nghiệp bị ảnh hưởng (Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm cho biết) thì tổng diện tích lên tới 12 ha. Với diện tích tăng lên như vậy, đoàn kiểm tra hoàn toàn có cơ sở để đặt dấu hỏi cho việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu của Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia.

Thế nhưng, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và PTNT chưa ra quyết định “kiểm tra, đo đạc lại thực địa dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu”. Trong biên bản làm việc của đoàn kiểm tra cũng chưa có bất cứ ý kiến nào của người dân, được hỏi về việc nạo vét có gây sạt lở hay ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp không?

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề Tạp chí Kinh tế nông thôn đề cập, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động nạo vét lòng hồ Khe Trầu của Công ty Cổ phần Xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia, có giải pháp bảo vệ an toàn bờ hồ Khe Trầu khi mùa mưa lũ đã đến, bảo vệ diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân.

 

Thanh Duyên

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top