Người dân lo lắng cho rằng, việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu tại địa bàn tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm (thị xã Nghi Sơn) gây ra hiện tượng sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và mong sớm có hướng khắc phục hiệu quả.
Nỗi lo mất đất canh tác
Thời gian gần đây, Tạp chí Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở đất nông nghiệp do hoạt động hút cát của doanh nghiệp đang thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu.
Giữa tháng 4/2024, có mặt tại hiện trường, phóng viên thấy nước hồ Khe Trầu luôn trong tình trạng đục ngầu, phía Đông Bắc của hồ bị sạt lở chạy dài lên tới cả trăm mét, tạo thành mái ta luy đứng như những bức tường đất. Khu vực sạt lở chỉ cách ruộng canh tác của người dân có vị trí hơn 1m nhưng không hề cắm cảnh báo. Cách đó không xa, vẫn có tàu khai thác cát và bãi tập kết cát với khối lượng rất lớn.
Tỉnh Thanh Hoá chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ Khe Trầu, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn cho Công ty CP xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia.
Bà N.T.H (người dân tổ dân phố Đại Thủy, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn) cho biết, tình trạng khai thác cát diễn ra trên 10 năm rồi, khối lượng cát khổng lồ trên bờ có từ đó đến nay. Trước đây, vị trí đất làm màu của người dân ngay dưới chân cột điện, nay cột điện đã ở giữa hồ.
"Hoạt động hút cát khiến ruộng đất cứ sụt dần xuống lòng hồ, không bán ruộng cho họ thì cũng mất trắng nên buộc người dân phải bán để vớt vát ít đồng… Ruộng cứ sụt đến đâu họ lại đi mua đến đó. Thửa ruộng nhà tôi ngày trước ở giữa hồ ấy, ruộng sạt lở mất xong rồi họ cũng mới đền bù cho một khoản, giờ hồ rộng mênh mông không thể xác định được vị trí của ruộng nữa", bà H. chia sẻ thêm.
Người dân lo lắng về lâu dài đất cấy lúa có thể bị sạt lở.
Trong tình trạng sợ mất đất canh tác và nguy cơ sạt lở vào đất ở của gia đình, bà N.T.V lo lắng: Khu vực này chúng tôi có 3 hộ sinh sống, đơn vị hút cát suốt ngày đêm gây ồn ào. Thửa ruộng nhà tôi chỉ còn cách mép hồ hơn 1m, nếu họ cứ hút cát như thế này cũng chẳng mấy nữa không còn ruộng canh tác. Những đêm họ hút sát vào khu vực đất ở, chúng tôi cảm nhận rõ độ rung của căn nhà, ở đây có người già, trẻ nhỏ mà từ vị trí hút cát cho đến đất ở của gia đình còn 11m, cứ tình trạng này có khả năng sẽ sạt lở đến cả đất ở của gia đình tôi … Gia đình có điện thông báo đến chủ tịch phường nhưng sau đó con trai tôi lại nhận cuộc tự xưng là người của bên đó (PV- Bên đơn vị hút cát) gọi đến đe dọa nên chúng tôi cũng không dám kêu ai nữa.
Tàu vào sát mép hồ, gần ruộng canh tác của người dân, để hút cát.
Theo bà V., trước khi thực hiện dự án nạo vét lòng hồ không có cuộc họp dân nào thông báo. Ngày trước Công ty sông Chu về đánh mốc cách xa, nhưng nay máy hút lên trên này nên họ cũng nhổ cột mốc bỏ đi. Trong cuộc họp tiếp xúc cử tri của thôn, gia đình có ý kiến việc đơn vị hút cát ảnh hưởng đến đời sống, cũng như diện tích đất nông nghiệp sắp có nguy cơ sạt lở, nhưng vẫn chưa nhận được sự phản hồi của chính quyền địa phương.
Cũng theo bà V., đầu năm 2023, gia đình có làm đơn “Khiếu nại khẩn cấp” đến UBND thị xã Nghi Sơn, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá. Cuối tháng 3/2023, trưởng thôn đưa công an về bãi cát làm việc với đơn vị hút cát trước rồi mới về nhà bà làm việc. Sau đó, họ có trả lời, do chưa vào đất ở của gia đình, nên chưa xử lý và yêu cầu phía công ty dừng hoạt động 1 tháng.
Chính quyền nói không ảnh hưởng tới đất sản xuất nông nghiệp
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND phường Trúc Lâm, cho biết: Dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu do bên Công ty TNHH MTV Sông Chu làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện là Công ty CP xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia, thời gian thực hiện từ năm 2020- 2024. Dự án này với hình thức xã hội hóa, được tận thu toàn bộ khu đất đó, không phải giải phóng mặt bằng, phía Công ty Tĩnh Gia tự họp và thỏa thuận với người dân.
Vị trí xảy ra sạt lở chưa lâu, nước còn đục ngầu.
“Việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu không có chuyện ảnh hưởng tới đất sản xuất nông nghiệp, ở khu vực này cách xa khu dân cư nên cũng không có việc ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Người dân không có phản ánh về phường nên phường không có biên bản làm việc với đơn vị”, ông Hưng nói.
Ông Hưng còn cho biết thêm, có 76 hộ dân trên lòng hồ bị ảnh hưởng với diện tích 80.966,4 m2 (phía Bắc 65 hộ, diện tích 46.629,5m2; phía Nam 11 hộ, 34.326,9m2. Chính quyền địa phương chỉ thực hiện công tác hành chính, còn việc thực hiện giám sát đơn vị thi công dự án có đúng pháp luật thì bên phía Công ty Sông Chu quản lý.
Điểm sạt lở chạy dài tới cả trăm mét.
Thế nhưng, cũng theo thông tin của Chủ tịch phường Trúc Lâm cung cấp, chúng tôi nắm bắt được: Năm 2022, phường có nhận được phản ánh của 2 hộ dân (hộ bà Nguyễn Thị Sáu và hộ ông Hoàn) về việc sạt lở đất nông nghiệp và đã yêu cầu chủ đầu tư đến thỏa thuận với các hộ dân về đất sạt lở. Năm 2023, tiếp tục nhận được phản ánh của hộ ông Thành về nạo vét sát đất ở của gia đình, thời điểm đó Công an có về làm việc với hộ dân, trách nhiệm đấy thuộc thẩm quyền của Công an nên chính quyền địa phương không tham gia.
Bãi tập kết cát cách mép hồ không xa.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn cho biết, hiện tại thị xã chưa nắm bắt được các thông tin về vấn đề này. Chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và có thông tin cụ thể.
Còn ông Khương Bá Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu khẳng định, theo báo cáo hiện tại, không có việc nạo hút lòng hồ gây sạt lở đất nông nghiệp của người dân, toàn bộ phạm vi diện tích đất từ cao trình mặt đê đều là đất thuộc khu vực lòng hồ do đơn vị chủ hồ quản lý.
Vị đại diện đơn vị công ty Sông Chu cũng cho rằng, có thể đây là đất do người dân tự ý canh tác, vấn đề này cần phải xem xét lại mới có thể khẳng định.
Tuy nhiên, với vai trò là đơn vị quản lý hồ, khẳng định toàn bộ diện tích dưới mặt đê trong khu vực lòng chảo đều là khu vực do đơn vị quản lý, nhưng diện tích đất người dân đang canh tác ở khu vực lòng hồ có phải đất nông nghiệp hay không thì đại diện Công ty Sông Chu lại chưa nắm cụ thể (!?) Hơn nữa, khi dự án bắt đầu được triển khai, ông Luận cũng cho rằng, trách nhiệm họp và thông báo về dự án là của doanh nghiệp.
Trước tình trạng sạt lở và có nguy cơ ảnh hưởng đến đất canh tác của người dân, để kịp thời khắc phục cũng như tránh việc xảy ra đơn thư không đáng có, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc quản lý, giám sát chặt chẽ công tác nạo vét lòng hồ Khe Trầu theo quy định. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân gây ra sạt lở, từ đó có giải pháp khắc phục, để bảo vệ bờ hồ khi mùa mưa lũ đến gần, bảo vệ diện tích đất canh tác của người dân.
Ngày 10/9/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá có Văn bản số 12522/UBND-NN, về việc chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ Khe Trầu, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn cho Công ty CP xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia (Công ty Tĩnh Gia). Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận phương án nạo vét lòng hồ Khe Trầu, phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn do Công ty cổ phần xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia lập; giao Công ty cổ phần xây dựng và Khai thác mỏ Tĩnh Gia làm chủ đầu tư tự bỏ vốn để thực hiện và được thu hồi phế liệu đất, cát để làm vật liệu san lấp, xây dựng. Mục tiêu và nhiệm vụ của phương án là nạo vét lòng hồ Khe Trầu để tăng khả năng trữ nước của hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cải tạo 2 tuyến đường thi công kết hợp quản lý, vận hành để chủ động trong phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn. Thu hồi phế liệu đất, cát để làm vật liệu san lấp, xây dựng. Các hạng mục công trình chính: Nạo vét lòng hồ trong phạm vì từ cao trình mực nước dâng bình thường (+6.54) m xuống cao trình (+2.00) m, với diện tích 10,22 ha, tạo mái dốc m = 2 xung quanh lòng hồ. Phạm vi nạo vét cách chân các hạng mục công trình đầu mới của hồ tối thiểu 50 m và chân công trình khác tối thiểu 20 m. Cải tạo 2 tuyến đường thi công kết hợp quản lý, vận hành với chiều dài L = 850 m, chiều rộng cứng hóa mặt 3,5 m, kết cấu bê tông thường M250 đá (1x2)em, dây 20 cm, chiều rộng lề 0,75 m, kết cấu đấp đất đảm bảo độ chặt K≥ 95. Biện pháp thi công: Nạo vét lòng hồ bằng tàu hút bùn công suất < 1.000 CV, kết hợp máy đào dung tích gầu 0,8 m² và vận chuyển bằng xe ô tô 7 tấn. Cải tạo 2 tuyến đường thi công kết hợp quản lý, vận hành bằng máy đào, máy ủi, máy lu 8 tần và lu rung từ 14-25 tấn. Khối lượng chính (bùn, đất, cát): khoảng 284.419 m². Thời gian thực hiện: 4 năm (vào mùa khô hàng năm). |