Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về BHTG 2024.
Có thể nói, việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu chính sách BHTG có thể đóng vai trò như một "cú hích" để thu hút sự quan tâm của người dân đối với lĩnh vực này. Cuộc thi không chỉ giúp giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của người dân về chính sách mà còn thúc đẩy họ tìm hiểu đầy đủ hơn về quyền lợi của người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng.
Chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG
Diễn ra sôi nổi và hào hứng trong 4 tuần thi, từ ngày 7/10/2024 đến ngày 2/11/2024, BHTGVN đặt mục tiêu thông qua cuộc thi không chỉ chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (9/11/1999 – 9/11/2024) mà còn là một chiến dịch truyền thông góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người gửi tiền – người dân về chính sách bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của BHTGVN. Từ đó gia tăng niềm tin vào chính sách BHTG – chính sách bảo vệ người gửi tiền của Đảng và Nhà nước ta; góp phần xây dựng, tạo niềm tin, uy tín và hình ảnh của các tổ chức tín dụng đối với người gửi tiền nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Ban Tổ chức cho biết Bộ câu hỏi và đáp án thi đã được xây dựng một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc. Nội dung thi bám sát theo yêu cầu đã được quy định trong thể lệ, thiết thực và gần gũi với thực tế của đa số người dân đã, đang và sẽ gửi tiền, bao gồm: mục tiêu của BHTG, loại tiền gửi được bảo hiểm, người gửi tiền được BHTG, đối tượng tham gia BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm, các tình huống gửi tiền – BHTG thường gặp...
Những con số ấn tượng
So với các cuộc thi truyền thống được tổ chức trực tiếp có thời gian, địa điểm cố định, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về BHTG với lợi thế linh hoạt và tự do về thời gian, không giới hạn khoảng cách địa lý đã mang lại sự tiện lợi cho người tham gia dự thi. Người tham gia có thể dự thi bất cứ lúc nào, dễ dàng truy cập và tham gia dự thi nhanh chóng thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet. Do đó, cuộc thi đã thu hút đông đảo người tham gia từ nhiều vùng miền khác nhau, mở rộng ra phạm vi toàn quốc tạo nên môi trường giao lưu học hỏi phong phú và đa dạng. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu thông tin của người dân về BHTG là rất lớn.
Cuộc thi tìm hiểu về BHTG đã thu hút 1.122.065 người đăng ký, tập trung ở một số tỉnh thành lớn trên cả nước bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Hà Nội, Tỉnh Nghệ An, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Đà Nẵng, Tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh Bình Dương, Tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh Bình Định. Trong đó, có 412.391 người tham gia thi với 5.127 người dự thi tham gia thi đủ 4 tuần thi.
Với mức độ lan tỏa mạnh mẽ khi người dự thi có thể giới thiệu cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng tham gia thi, sau 4 tuần, có 1.086.918 lượt giới thiệu tham dự cuộc thi.
Bên cạnh đó, cuộc thi chứng kiến sự quan tâm và hưởng ứng từ các tổ chức tham gia BHTG với 236 đơn vị tham gia BHTG có cán bộ nhân viên tham gia làm bài thi với số lượng bài thi là 78.551 bài.
Trong quá trình diễn ra cuộc thi, có 18.481 bài thi đạt điểm tuyệt đối (150 điểm) cho thấy người dân và các cán bộ nhân viên tại các tổ chức tham gia BHTG đã nhận thức đúng và có sự tìm hiểu về chính sách BHTG.
Cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều đối tượng công chúng khác nhau, từ các nhóm đối tượng có mối liên quan trực tiếp đến BHTG (người gửi tiền, nhân viên các tổ chức tín dụng, hoặc sinh viên ngành tài chính – ngân hàng) đến các nhóm đối tượng không phải chuyên gia về tài chính (người lao động phổ thông, sinh viên, người tiêu dùng). Điều này cho thấy tính phổ biến và sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người dân trong lĩnh vực tiền gửi, từ đó góp phần nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG, giúp cộng đồng an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Sức mạnh của truyền thông
Xác định công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, tạo sức lan tỏa, góp phần quyết định vào công tác tổ chức thành công cuộc thi, thông tin về cuộc thi được truyền tải rõ ràng và dễ hiểu. Hoạt động truyền thông cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng được triển khai đồng bộ, tạo thành đợt cao điểm truyền thông, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa sâu rộng, huy động đông đảo sự tham gia của người dân, đặc biệt tới các thành viên thuộc tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN phối hợp với UB GROUP triển khai các hoạt động truyền thông gồm: Truyền thông trên cổng thông tin cuộc thi; Truyền thông trên mạng xã hội; Gửi công văn tới các tổ chức tham gia BHTG và các trường đại học, cao đẳng, cụ thể:
Truyền thông trên cổng thông tin cuộc thi
Cổng thông tin chính thức của cuộc thi đã thu hút lượng truy cập ấn tượng với 1.122.065 người dùng và tổng số 6.315.115 triệu lượt truy cập, tương tác trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi.
Truyền thông trên mạng xã hội
Đăng tải thường xuyên các tin, bài truyền thông về Cuộc thi trên các Fanpage Facebook của BHTGVN; Fanpage Facebook, Group thuộc UB Network trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi:
- Tổng cộng 70 bài viết đã được đăng tải, với một lượng nội dung đều đặn, trung bình 1-2 bài viết mỗi ngày/nền tảng.
- Tổng số người tiếp cận bài viết: Các bài viết đã tiếp cận được 2.284.426 người, phản ánh sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng mạng.
- Tổng số lượng tương tác: Đã đạt 29.199 lượt tương tác, cho thấy sự quan tâm và hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng đối với cuộc thi.
Truyền thông tới trường đại học và tổ chức giáo dục
Truyền thông tới các trường đại học và câu lạc bộ sinh viên truyền thông về cuộc thi trên các kênh trực tiếp và mạng xã hội. Cuộc thi đã thu hút hàng ngàn người dùng là cán bộ nhân viên, sinh viên của các trường đại học với 369.961 lượt tham gia dự thi. Nổi bật trong đó là: Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Vinh, Đại học Ngoại thương (Câu lạc bộ Truyền thông YMC), Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính, Đại học Hải Phòng và Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tham gia BHTG tích cực kêu gọi các cán bộ nhân viên và người gửi tiền cùng tham gia. Những tổ chức tham gia BHTG có số lượng bài dự thi cao nhất gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (37.758 bài dự thi), Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (12.741 bài dự thi), Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (11.704 bài dự thi)… Cuộc thi là dịp để các tổ chức tham gia BHTG thể hiện vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ nhân viên ngân hàng, từ đó lan tỏa đến công chúng, cộng đồng về chính sách BHTG, nâng cao uy tín và cam kết trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tiếp tục nỗ lực đáp ứng nhu cầu thông tin về BHTG của người dân
Cuộc thi tìm hiểu về BHTG 2024 được đánh giá là hoạt động có sức lan tỏa mạnh mẽ với nội dung gần gũi, thiết thực với mọi công dân Việt Nam và các cán bộ nhân viên của các tổ chức tham gia BHTG. Qua đó tuyên truyền chính sách BHTG đến công chúng và quảng bá hình ảnh, hoạt động của BHTGVN tới toàn xã hội, nâng cao hiểu biết của công chúng về chính sách BHTG, phù hợp với mục tiêu đặt ra của Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau cuộc thi, việc xác định hiệu quả của chiến dịch truyền thông là rất quan trọng để đánh giá mức độ thành công mà cuộc thi đem lại để có thể cải tiến và điều chỉnh chiến lược truyền thông trong tương lai.
Khảo sát nhận thức của công chúng: Sau cuộc thi và các hoạt động truyền thông trong thời gian tới, BHTGVN cần có cơ chế thu thập phản hồi từ người tham gia (thông qua khảo sát, phiếu đánh giá) để hiểu rõ hơn về mức độ tiếp cận thông tin của công chúng, nhu cầu tìm hiểu về chính sách BHTG và các chính sách tài chính khác.
Đánh giá hiệu quả truyền thông: Phân tích các số liệu về mức độ tương tác trên các nền tảng truyền thông (lượt xem, bình luận, chia sẻ) và sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng sau cuộc thi. Điều này giúp xác định các yếu tố thành công và các điểm cần cải thiện trong chiến lược truyền thông trong tương lai.
Mặc dù cuộc thi đã kết thúc, công tác tuyên truyền chính sách BHTG và phổ biến kiến thức tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh theo hướng tạo sự mới mẻ, hấp dẫn và khai thác, tận dụng những thế mạnh của không gian mạng nhằm tăng cường nhận thức cộng đồng về chính sách BHTG, phổ cập nhanh chóng nội dung chính sách đến mọi tầng lớp người dân. Cụ thể:
Thứ nhất, các diễn đàn trực tuyến, nhóm trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) dành cho người dân quan tâm đến các chính sách BHTG cần được duy trì thường xuyên. Đây sẽ là nơi để người dân chia sẻ thông tin, thảo luận về BHTG và các vấn đề tài chính khác.
Thứ hai, tổ chức các khóa học, buổi giao lưu trực tuyến để tiếp tục cung cấp thông tin chi tiết về BHTG và các sản phẩm tài chính. Những khóa học này có thể được tổ chức miễn phí hoặc với mức phí thấp để khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân.
Thứ ba, áp dụng nền tảng công nghệ hỗ trợ tuyên truyền chính sách BHTG để đảm bảo thông tin được truyền tải hiệu quả. Tăng cường truyền thông đa phương tiện như video, đồ họa thông tin (infographic) và các bài viết dễ hiểu về các khái niệm, nội dung cốt lõi của chính sách BHTG sẽ thu hút sự chú ý và dễ dàng tiếp thu; Xây dựng hệ thống trả lời tự động (chatbot), ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thiết kế các module đào tạo trực tuyến phù hợp cho từng đối tượng công chúng.
Cuộc thi tìm hiểu về BHTG 2024 là một sáng kiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức công chúng về vai trò và tầm quan trọng của BHTG đối với hệ thống ngân hàng và người gửi tiền. Nỗ lực đổi mới trong công tác phổ biến chính sách của BHTGVN đã và đang đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với chính sách BHTG và hệ thống ngân hàng. Trong thời gian tới, việc tổ chức các cuộc thi tương tự không chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn là cơ hội để công chúng giao lưu, chia sẻ kiến thức về chính sách BHTG. Từ đó tạo ra cộng đồng hiểu biết và chia sẻ thông tin về các chính sách tài chính quan trọng, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.