Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 8 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 11 năm 2024 | 16:57

Ngọc Lâm – Ngôi trường thân yêu của tôi

Mặc dù xa mái Trường THCS Ngọc Lâm đã lâu, nhưng mỗi khi đi ngang qua đó tâm trạng của tôi lại bồi hồi, xúc động. Hình ảnh của thầy cô, bè bạn và những kỷ niệm ngày xưa khi học ở ngôi trường này lại ùa về, như muốn níu giữ chân tôi.

Nhất là trong những ngày này, khi nhà trường chuẩn bị chào đón kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, trong tôi lại háo hức mong chờ đến ngày đó, để được về gặp lại các thầy cô và bè bạn.

Ký ức trong tôi

Trường THCS Ngọc Lâm ngày nay, tiền thân là Trường cấp 1-2 Gia Lâm A trước đây, được thành lập vào năm 1964 trong những năm tháng đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt, chuẩn bị leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Do là trường có 2 cấp học, nên buổi sáng dành cho các học sinh cấp II, buổi chiều dành cho học sinh cấp I, tôi may mắn là những thế hệ học sinh của thị trấn Gia Lâm được học ở đây cả 2 cấp học.

Thế hệ lãnh đạo, giáo viên nhà trường thời kỳ mới thành lập.

Trong ký ức của tôi, ngôi trường ngày ấy là mấy dãy nhà cấp bốn cũ kỹ, mái ngói thâm nâu, sân trường rộng và có nhiều cây xà cừ, cây phượng cổ thụ. Trường nằm cạnh cánh đồng, nên mỗi khi lúa trổ đòng, mùi thơm ngào ngạt của lúa non theo gió ùa vào kín các phòng học. Lớp của tôi chỉ cách cánh đồng lúa có một bức tường, những lúc thảnh thơi, hay những lúc “chữ thầy trả thầy” chúng tôi thả hồn với những suy nghĩ miên man đưa ánh mắt xa xăm, nhìn cánh đồng lúa đang chín vàng với những bông lúa nặng trĩu hạt.

Sân trường ngày đó đối với chúng tôi là cả một thế giới với biết bao nhiêu điều kỳ diệu, nhất là mỗi khi tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi, các lớp học như những đàn ong vỡ tổ, ào ra sân, có rất nhiều trò chơi mà đến nay mỏi mắt cũng “khó tìm”. Đông vui, náo nhiệt, ồn ào là thế, nhưng có những lúc cả sân trường như chìm vào trong giấc ngủ sâu, chỉ còn tiếng ve râm ran và những cánh phượng hồng sót lại trên sân trường, đó là lúc học sinh chúng tôi được nghỉ hè. Đây có lẽ là quãng thời gian mong chờ nhất của những ai cắp sách đến trường.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Công, Hiệu trưởng nhà trường (bên trái) tặng thưởng cho học sinh trong ngày khai giảng năm học.

Năm học 1982 - 1983 tôi lên học cấp II, đây cũng là năm đầu tiên nhà trường tổ chức lớp chọn, lớp chuyên, chúng tôi là lứa học sinh học các lớp đó. Để vào học ở những lớp này không phải dễ dàng, bắt buộc học sinh phải trải qua kỳ thi khảo sát chất lượng, Sau mỗi năm học, nhà trường tổ chức thi lại, học sinh nào không đủ điều kiện sẽ bị loại ra và những học sinh giỏi ở các lớp khác khi thi tuyển bổ sung đủ điều kiện sẽ được vào học thay thế. Do vậy, học sinh học các lớp chọn, lớp chuyên thực sự là những học sinh giỏi toàn diện.

Chủ nhiệm lớp 6A của chúng tôi năm đó là thầy Hiếu dạy môn Toán và cô giáo Phùng Thị Hữu dạy môn Văn, ngoài ra, còn có nhiều thầy, cô giáo dạy các bộ môn khác mà đến nay tôi không còn nhớ. Đối với tôi, môn Văn do cô giáo Phùng Thị Hữu dạy là môn tôi thích học nhất, bởi mỗi khi nghe cô giảng bài, tôi như bị “hớp hồn” bởi giọng giảng bài hay và nét chữ viết như “Rồng bay, phượng múa” của cô.

Thật may mắn cho tôi khi được học ở ngôi trường này, bởi ở đây tôi đã được các thầy cô giáo truyền đạt cho những kiến thức của nhân loại, dạy cho “cách làm người” sau này làm hành trang tự tin bước vào đời. Đây cũng là ngôi trường có bề dày truyền thống và thành tích cao trong học tập, các thế hệ học sinh được học tập dưới mái trường này đến nay đều đã thành danh. Đây không chỉ là niềm tự hào cho nhà trường mà còn cả cho các thế hệ học sinh chúng tôi.

Đã mấy chục năm qua đi, các thầy cô giáo dạy chúng tôi những năm tháng đó cho đến nay “người mất, người còn” và đều ở vào những “tuổi xưa nay hiếm”. Mỗi khi nhắc lại chúng tôi lại không khỏi bùi ngùi, xúc động.

Viết tiếp trang sử hào hùng

Để có một ngôi trường khang trang, nhiều thành tích được ghi nhận như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của tập thể Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, học sinh của nhà trường qua các thời kỳ. Đến nay, đội ngũ lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh vẫn đang nối tiếp truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước.

Ngay từ những năm 1970, Ban Giám hiệu nhà trường và đội ngũ nhà giáo tâm huyết, giàu kinh nghiệm, yêu nghề của nhà trường đã phát động phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, xây dựng mô hình lớp chọn, lớp chuyên để gây dựng lên mũi nhọn về chất lượng. Sau thời gian phát động phong trào học tập, nhiều học sinh đạt thành tích xuất sắc, học sinh giỏi và đạt kết quả cao trong các kỳ thi cấp nhà trường, cấp huyện và thành phố. Để rồi phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” không những được duy trì, lan toả mà còn phát triển trở thành truyền thống của nhà trường cho đến ngày hôm nay.

Chủ tịch UBND quận Long Biên trao tặng khen thưởng cho nhà trường.

Nhà giáo ưu tú Ngô Hồng Giang, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thành tích nổi bật nhất của nhà trường giai đoạn 1976 - 1994 đó là xây dựng được các lớp chọn, lớp chuyên, đây là một hình mẫu cho các trường trong huyện Gia Lâm lúc bấy giờ học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, kết quả của nhà trường luôn là điểm sáng của ngành Giáo dục huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội.

Đến nay, với phương châm: “Đoàn kết - Trách nhiệm - Tôn trọng - Đổi mới - Hội nhập - Cùng phát triển”, thầy và trò nhà trường luôn ý thức phải giữ gìn và phát huy truyền thống của nhà trường. Hiện tại, nhà trường có tổng số 71 cán bộ, giáo viên, nhân viên, gần 1.400 học sinh trên 28 lớp, đội ngũ nhà trường luôn phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, hiện tại nhà trường có hai thầy cô giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú. 10 thầy cô giáo là thạc sĩ, 100% thầy cô có bằng đại học trở lên.

Tính từ năm 2003 đến nay, nhà trường có: 1 thầy cô giáo đạt giáo viên giỏi cấp Quốc gia; 20 thầy cô giáo đạt Giáo viên Giỏi cấp Thành phố; 119 lượt thầy cô giáo đạt Giáo viên Giỏi cấp Quận với nhiều giải cao. 901 lượt học sinh đạt Học sinh Giỏi cấp Quận, 393 lượt học sinh đạt Học sinh Giỏi cấp Thành phố, 490 lượt học sinh đạt Học sinh Giỏi tại sân chơi trí tuệ, nghệ thuật cấp Quốc gia, Quốc tế với nhiều giải Huy chương Vàng, Bạc, Đồng… Tỉ lệ học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập luôn giữ vững Top đầu của quận Long Biên và được xếp trong Top 100 các trường có học sinh đỗ cao của thành phố Hà Nội. Nhiều học sinh đỗ từ 2 - 3 trường chuyên THPT của thành phố Hà Nội.

Được Chủ tịch nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ 2 lần tặng thưởng Bằng khen, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, ban, ngành, do có nhiều thành tích cao trong hoạt động dạy và học. Trường THCS Ngọc Lâm là niềm tự hào của các thế hệ giáo viên, học sinh.

Tập thể Ban Giám hiệu nhà trường đương nhiệm.

Đánh giá về trường THCS Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Trường THCS Ngọc Lâm là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục quận Long Biên, đó là một tập thể đoàn kết, năng động, sáng tạo, vì vậy luôn tạo nên được sức mạnh tập thể, minh chứng là kết của nhà trường trên tất cả mọi mặt đều đứng trong top đầu các trường THCS của quận. Lãnh đạo quận đặt niềm tin vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo và tập thể giáo viên nhà trường và hy vọng nhà trường sẽ phát triển, vươn xa hơn nữa.

Con tàu tri thức vẫn chuyển bánh, hành trình khám phá những miền đất mới vẫn tiếp tục được mở ra với thầy và trò nhà trường. Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với niềm tin, niềm hy vọng, sự kế thừa và phát huy những thành tích đáng tự hào trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển của biết bao thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và sự nỗ lực phấn đấu của học sinh nhà trường qua các thời kỳ, chúng ta với một lòng quyết tâm cao: “Tự hào – Vươn cao – Tỏa sáng”. Trường THCS Ngọc Lâm sẽ mãi tiếp tục thành công với những bước tiến dài, khẳng định vị thế, sáng mãi trang sử vàng truyền thống của một ngôi trường 60 năm tuổi, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành giáo dục quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến nói chung.

Chúng tôi, những thế hệ học sinh cũ của Trường hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển của nhà trường trong tương lai. Trường THCS Ngọc Lâm sẽ là lá cờ đầu trong ngành Giáo dục không những của quận Long Biên, thành phố Hà Nội mà còn là tiên phong trong cả nước. Bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Trường THCS Ngọc Lâm nhất định sẽ gặt hái được nhiều thành công.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top