Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024  

Bảo vệ những cánh rừng dễ cháy

Thứ năm, ngày 13 tháng 6 năm 2024 | 21:22

Hàng chục nghìn ha rừng thông, giang nứa tại Hà Tĩnh rất dễ 'bắt' lửa nhưng mùa nắng nóng năm nay được bảo vệ tốt nên cơ bản chưa để xảy ra vụ cháy nào.

Phòng là chính

Tháng 5 và tháng 6 là thời kỳ cao điểm của nắng nóng gay gắt, có những ngày nhiệt độ “neo” ở mức 42 – 43 độ C kết hợp gió Lào thổi mạnh khiến nhiều diện tích thông, keo, giang nứa ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Lộc Hà, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) như những vùng gỗ tẩm đầy xăng. Chỉ sơ sẩy là sẽ thiêu rụi cả cánh rừng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh liên tục ban hành công điện, công văn, yêu cầu ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và chủ rừng tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Quan điểm xuyên suốt lấy phòng là chính. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò, tính chủ động “4 tại chỗ”.

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố luôn quán triệt phương châm phòng là chính. Ảnh: Thanh Nga.

Tại huyện Lộc Hà, cùng với việc soát xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong các phương án, kế hoạch PCCCR của các địa phương, đơn vị, chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Lộc Hà đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng khác đảm bảo an toàn cho hơn 2.100 ha rừng; nhất là gần 50 ha rừng dễ cháy ở xã Hồng Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà, Bình An...

“Trong những ngày nắng nóng chúng tôi chia ca, phối hợp các chủ rừng tuần tra, canh gác để ngăn chặn người vào rừng lấy mật ong, đi picnic, hái sim, chăn thả gia súc... Đồng thời, kiểm soát tốt các nguồn gây lửa, tăng mật độ tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân”,  ông Nguyễn Xuân Mận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lộc Hà cho biết.

Theo ông, năm nay bình quân nhiệt độ mùa hè cao hơn trung bình nhiều năm, có nhiều thời điểm nắng gay gắt trong nhiều ngày nên công tác trực gác tại các chòi canh, tuần tra trên rừng của lực lượng kiểm lâm và chủ rừng hết sức vất vả. Để giảm áp lực, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Lộc Hà chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin về thời tiết lên nhóm zalo chung của nhiều lực lượng để dự báo tình hình, cấp dự báo cháy rừng, vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao để sẵn sàng tham gia chữa cháy trong mọi thời điểm, mọi vị trí.

Đối với huyện Kỳ Anh, những tháng nắng nóng kéo dài, cấp độ cháy rừng luôn ở cấp IV, cấp V. Trong những ngày tới dự báo thời tiết tiếp tục nắng nóng, tuy không gay gắt song nguy cơ cháy rừng vẫn rất cao. Vì vậy, huyện Kỳ Anh sẽ tập trung “kích hoạt” tất cả các giải pháp và huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang bị đang có để ngăn chặn lửa rừng từ sớm.

Ngoài lực lượng của huyện gần 700 người (kiểm lâm, lâm nghiệp, công an, quân sự, biên phòng...) thì mỗi xã, mỗi chủ rừng sẽ có 4 - 5 tổ xung kích (tối thiểu 20 người/tổ), các thôn gần rừng có 1 tổ (tối thiếu 10 người) luôn trực gác 24/24h và sẵn sàng tham gia chữa cháy trong mọi tình huống. Ngoài ra, địa phương này cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, báo cáo, phát huy vai trò của ban chỉ đạo các cấp, làm tốt công tác quản lý vật liệu cháy và xử lý tình huống khi có cháy.

“Mắt thần” bao phủ các cửa rừng

Trong bối cảnh sức người hạn chế, để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện điểm phát lửa, tỉnh Hà Tĩnh đầu tư lắp “mắt thần” giám sát lửa rừng ở hầu hết các huyện, thị xã. Ngoài nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, các chủ rừng đã vận động người dân đóng góp tiền lắp đặt thêm nhiều mắt camera tại cửa rừng để bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố, huyện Hương Sơn quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng. Trong đó, diện tích rừng dễ cháy gần 5.000 ha thuộc các xã vùng hạ huyện như Sơn Lễ, Sơn Trung, Sơn Giang, Kim Hoa…

Theo ông Đàm Nam Giang, Phó Giám đốc ban, trong 2 năm vừa qua việc áp dụng chuyển đổi số vào công tác PCCCR được đơn vị đặc biệt ưu tiên. Ngoài phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hương Sơn trực bảo vệ rừng qua camera giám sát đặt tại xã Sơn Châu, Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố huy động nguồn xã hội hóa từ nhân dân lắp đặt thêm camera tại các cửa rừng. “Đến nay các xã trọng điểm có diện tích rừng nguy cơ dễ cháy lớn cơ bản đã có camera giám sát tại cửa rừng. Việc đưa chuyển đổi số vào PCCCR không chỉ giúp chủ rừng phát hiện sớm điểm phát lửa; huy động lực lượng chữa cháy kịp thời mà còn hỗ trợ công tác điều tra, truy tìm đối tượng gây cháy rừng”, ông Giang nói.

Việc áp dụng chuyển đổi số vào PCCCR tại huyện Hương Sơn không chỉ phát hiện sớm lửa rừng mà còn giảm áp lực trong việc trực gác những ngày nắng nóng cho lực lượng Kiểm lâm.

Theo tìm hiểu, “mắt thần” do nhà nước đầu tư được lắp tại xã Sơn Phúc, có thể quan sát 3/4 tổng diện tích rừng toàn huyện Hương Sơn. Lực lượng kiểm lâm phối hợp chủ rừng trực tại Hạt Kiểm lâm chỉ cần quan sát trên màn hình ti vi có thể phát hiện nhanh các điểm phát lửa thông qua cột khói. Từ đó kịp thời thông báo, huy động lực lượng chữa cháy rừng khi có sự cố, góp phần giảm áp lực rất lớn về mặt con người, sức lao động, hiệu quả quan sát cho lực lượng trực chòi canh trực tiếp, nhất là những ngày nắng nóng đỉnh điểm 42 đến 43 độ C.

“Phát huy hiệu quả tích cực, sắp tới chúng tôi tiếp tục khảo sát để lắp đặt thêm 1 “mắt thần” tại xã Quang Diệm nhằm giám sát hết diện tích rừng vùng thượng huyện Hương Sơn. Đồng thời, khuyến khích chủ rừng tiếp tục lắp đặt thêm mắt camera tại các cửa rừng để nâng cao năng lực bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng”, ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn nhấn mạnh.

Điều tra, xử lý nghiêm người gây cháy rừng ở Vườn quốc gia Tràm Chim

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các đối tượng gây ra vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo đó, vụ cháy xảy ra lúc 10 giờ 45 ngày 11/6. Ngay sau khi phát hiện cháy, lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim đã khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện đến chữa cháy. Đồng thời, báo nhanh cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Tháp, cùng công an các huyện Tam Nông, Thanh Bình, TP.Hồng Ngự và lực lượng kiểm lâm, quân sự phối hợp chữa cháy. Tổng cộng 247 người và nhiều phương tiện được huy động tham gia chữa cháy.

Tuy rất nỗ lực dập lửa, nhưng thời điểm cháy buổi trưa, thời tiết nắng nóng và có gió mạnh nên đám cháy lan nhanh, diễn biến phức tạp (cháy nhảy cóc) vượt qua tuyến đê số 4 và có nguy cơ cháy lan sang khu vực nhà dân sống ở ven rừng. Để đảm bảo an toàn, UBND H.Tam Nông cho sơ tán người dân sống ven rừng, gần khu vực xảy ra cháy đến nơi an toàn.

Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày (11/6), đám cháy được khống chế và dập tắt hoàn toàn. Lực lượng chữa cháy đã kịp thời ngăn cháy lan từ rừng qua khu vực dân cư nên không gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Tuy nhiên, có hơn 20 ha rừng bị cháy; trong đó có 18,2 ha cháy dưới tán rừng tràm và thiệt hại một số cây trồng lâu năm của người dân sống ven rừng. Có 6 xe máy của lực lượng chữa cháy bị lửa thiêu rụi.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Công an tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các đối tượng gây cháy rừng. Đồng thời, yêu cầu Vườn Quốc gia Tràm Chim cử lực lượng kiểm tra tất cả khu còn lại để chủ động trong công tác phòng cháy.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ thanhnien, nongnghiep...)

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top